Nói đến đàn ông, người ta hay gắn với rượu. "Nam vô tửu như kỳ vô phong" là một câu nói bạt tử nhưng nó cũng có phần đúng. Đàn ông uống rượu trước hết là muốn thể hiện mình.
Dạo còn choai choai, tôi đã không lạ lẫm thứ quốc hồn quốc túy này. Vốn là cháu đích tôn của một dòng họ mà đàn ông không ai không biết uống rượu, tôi được làm quen với rượu khá sớm. Một, hai tuổi đã được ngồi cùng mâm trong bữa cơm với ông nội, với bố. Dạo xa xưa đó còn phong kiến nên chỉ đàn ông ngồi chung mâm với nhau. Tôi quen với hơi rượu từ dạo đó. Ngửi rượu không say là khí chất của một tửu đồ tương lai rồi. Lớn hơn chút nữa được bố sai đi mua rượu, tôi đã thi thoảng dám mở nút chai mút mát tí chút. Cứ thế quen dần. Mười một, mười hai khi hứng lên, tôi rủ mấy đứa bạn ngỗ ngược cùng uống trộm rượu. Say la đà và kết quả những đận này là ăn đủ đòn roi của hình phạt khắc nghiệt. Nhưng đâu đóng đấy. Trưởng thành vào bộ đội, mỗi khi có dịp liên hoan được dùng rượu thì tôi đã biết nâng lên đặt xuống “chén chú chén anh” thành thạo. Khi ra quân về học hành, làm việc, thì cái chuyện uống rượu coi như là đương nhiên. Rượu gắn liền với cuộc sống của tôi.
Thâm niên uống rượu của tôi, nếu tính chính xác, gần sát sạt với tuổi đời. Nghĩa là đã ngót nghét dăm chục năm trong khi tuổi đời mới vỏn vẹn ngoài sáu chục. Chả hay hớm gì nhưng mà đã là tán thì cứ tán cho hết. Sự thể hiện mình là điều tiên quyết. Kế đó, rượu chính là chất xúc tác của trạng thái tình cảm. Khi vui, lúc buồn, hiếu, hỷ hay những sự kiện trong đời sống đều không thể thiếu chất men này được. Ngày nay, thật khó hình dung nếu một đám cưới, một đám tang, một cuộc liên hoan... lại không có rượu. Tôi đã dự một đám tang ở Hà Tĩnh khi đưa người thân ra đồng, người ta chuyền nhau cái ấm siêu đựng đầy rượu. Rượu lúc này là một thủ tục của người sống dành cho người quá cố. Những hớp rượu tiễn biệt. Ngẫm ra không phải không có lý. Rượu có mặt trong mọi sự kiện ở xã hội, cơ quan, gia đình, hàng phố, lối xóm và trong các trạng thái cá nhân.
Nếu chỉ tính hai lý do đàn ông tìm đến với rượu như kể trên thì chắc chắn những người không uống hoặc ghét rượu sẽ chỉ trích hóa ra tôi là người cổ xúy cho cái tật (có thể là nết) uống rượu kia ư? Không hẳn thế, điều này mới là chính, đàn ông uống rượu phần nhiều là do thói quen, nếu nói một cách văn hoa, còn chỉ thẳng tưng là do nghiện. Lý do thứ ba này hoàn toàn công tâm và chính xác. Phàm những thứ gì đã gọi là nghiện thì đều mang tính hai mặt và cái mặt ngược của nó đồng nghĩa với tệ, quá đi là xấu là không hay, không nên... vân vân và vân vân.
Trở lại với sự uống rượu quá đà ở đàn ông. Trong khi phụ nữ nai lưng ra lo việc nhà thì đàn ông dành nhiều thời gian cho việc... tì tì uống ngày này tháng khác. Cái sự uống vô hồi kỳ trận này dã dẫn đến không ít hệ lụy. Nhìn gần và rõ nhất đằng sau cái sự say là tai nạn giao thông, là cãi vã chồng vợ, là xung đột bè bạn, gia đình. Cá biệt có những án mạng vì rượu do không kiểm soát được ý thức, hành vi.
Ai cũng nhìn rõ ràng thấy thế, nhưng tại sao đàn ông vẫn tìm đến rượu? Lấy từ cái thằng tôi, thì cả ba lý do nêu trên đều đúng. Tôi với rượu như một cặp bạn bè hiểu nhau tận chân tơ kẽ tóc và nguy thay đôi khi tôi và nó lại bất đồng thế nên mới có những trận say thập tử nhất sinh. Điều này khiến tôi điêu đứng không ít phen và ảnh hưởng không nhỏ đến thanh danh đôi bận. Nhưng cũng phải nói ngược lại, thằng bạn rượu nâng đỡ tôi rất nhiều trong cảm xúc và nó khiến tôi thăng hoa trong cả nghề nghiệp lẫn đời sống. Nói không phải bào chữa nhưng nếu liều lượng được, uống chừng mực vui vẻ thì mới dẫn được đến sự thăng hoa đó. Còn thì rượu rất không nên nghiện. Khổ cái một khi đã trở thành thói quen thì người đàn ông rất khó từ bỏ. Nhà nước đã có thời cấm rượu nhưng rồi hiệu lực chả được mấy và cuối cùng phải thả nổi. Pháp luật nhà nước còn thế, huống hồ cá nhân.
Chỉ có điều tôi và các bậc đàn ông cần nhớ, rượu sẽ hủy hoại chính bản thân ta nếu ta để nó dẫn dắt, chế ngự. Vậy thôi hỡi những tửu đồ...