Aa

Dân Việt “say“ chứng khoán, “đá bay“ lời nguyền đáng sợ

Thứ Năm, 13/05/2021 - 17:00

Bất chấp thông tin tiêu cực về Covid-19 đưa ra từ trước kỳ nghỉ 30/4-1/5, nhà đầu tư vẫn không thể dứt "cơn say" với cổ phiếu. Khối lượng tiền lên đến tỷ USD vẫn dội vào chứng khoán mỗi phiên.

Sau thời gian giằng co căng thẳng trong suốt phiên sáng, phiên giao dịch chiều 12/5 diễn ra đầy bất ngờ khi các chỉ số "đồng khởi", tăng vọt một cách thần tốc đầy ngoạn mục.

Từ vùng tham chiếu ở đầu phiên chiều, đồ thị VN-Index gần như dựng đứng trong phần còn lại. Kết phiên, VN-Index tăng ấn tượng 13,05 điểm tương ứng 1,04% lên 1.269,09 điểm trong khi VN30-Index tăng tới 20,98 điểm tương ứng 1,54% lên 1.380,17 điểm.

Tương tự, HNX-Index cũng tăng 2,57 điểm tương ứng 0,92% lên 282,33 điểm và UPCoM-Index tăng 0,4 điểm tương ứng 0,49% lên 81,47 điểm.

Thị trường đã có thấy có sự đồng pha, không đơn thuần chỉ còn do
Thị trường đã có thấy có sự đồng pha, không đơn thuần chỉ còn do "trụ kéo" (ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu VN30 đang cho thấy hiệu suất sinh lời rất nhanh khi mà nhiều mã trong rổ này đang liên tục phá đỉnh trong nghi ngờ, theo đó đóng vai trò dẫn sóng trên thị trường.

Cụ thể, trong phiên hôm qua chỉ có 3 mã trong rổ VN30 giảm giá (chính là 3 "ông lớn" VIC, VCB và VHM), 1 mã đứng giá, số còn lại tăng và tăng mạnh. STB gây chú ý khi tăng trần lên 26.250 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh tới 59,5 triệu đơn vị, không hề còn có dư bán cuối phiên, dư mua trần. Riêng khối ngoại mua ròng 1,63 triệu cổ phiếu này.

SBT cũng tăng 6,5% lên 21.450 đồng/cổ phiếu; TCB tăng 4,8% lên 49,250 đồng/cổ phiếu; PDR tăng 4,5% lên 72.600 đồng/cổ phiếu; TPB tăng 3,1% lên 31.950 đồng/cổ phiếu; MSN tăng 2,5% lên 104.000 đồng/cổ phiếu; PNJ tăng 1,9%; SSI tăng 1,8%; CTG tăng 1,8%; VPB tăng 1,6%; MWG tăng 1,5%; MBB tăng 1,5%...

Đáng chú ý là đà tăng của thị trường đã có sự lan tỏa rộng hơn đến những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Thống kê cho thấy, trên toàn thị trường có đến 619 mã tăng giá, 64 mã tăng trần, gấp gần 3 lần số lượng mã giảm giá.

Mặc dù các
Mặc dù các "ông lớn" như VCB, VIC, VHM, SAB, ACV giảm giá nhưng phần còn lại của thị trường vẫn tăng rất tích cực (ảnh chụp màn hình).

VNMID-Index của nhóm vốn hóa trung bình tăng 20,75 điểm tương ứng 1,39%; VNSML-Index tăng 18,3 điểm tương ứng 1,42%.

GVR tăng trần lên 27.000 đồng/cổ phiếu, không có dư bán. Cặp cổ phiếu HNG và HAG bứt tốc và "trần cứng" vào cuối phiên. Cả hai mã đều có dư mua giá trần khá lớn. HNG tăng trần lên 11.500 đồng/cổ phiếu, dư mua giá trần hơn 841 nghìn đơn vị còn HAG tăng trần lên 5.600 đồng/cổ phiếu. Khối ngoại đều đang mua ròng ở các mã này.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu nhỏ như PHC, HDC, TGG, SMC, AGM cũng tăng trần, SJF tăng 6,4%; STK tăng 6,7%; TSC tăng 6,3%...

Với tín hiệu của những phiên gần đây, có vẻ như thị trường đã xác lập một giai đoạn tăng mới, dần đưa VN-Index vượt 1.300 điểm?

Lời nguyền "sell in May and go away" (bán cổ phiếu vào tháng Năm và rời bỏ thị trường) đã không còn đúng với chứng khoán Việt Nam giai đoạn hiện tại. Bất chấp các thông tin tiêu cực về Covid-19 đưa ra từ trước kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, nhà đầu tư vẫn không thể dứt "cơn say" với cổ phiếu.

Dòng tiền vào thị trường trong những phiên gần đây liên tục chạm ngưỡng 1 tỷ USD. Mặc dù ở phiên 12/5, giá trị giao dịch trên HSX phần nào chững lại và đã có một bộ phận nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có tới 20.924,76 tỷ đồng được giải ngân trên sàn TPHCM với khối lượng giao dịch đạt 700,67 triệu đơn vị.

Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 88,91 triệu cổ phiếu tương ứng 1.908,05 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 47,85 triệu cổ phiếu tương ứng 795,59 tỷ đồng.

Dòng tiền trong nước đang phát huy rất ấn tượng vai trò "cân" thị trường khi mà khối nhà đầu tư nước ngoài đang canh nhịp tăng để chốt lời HPG, NVL, VIC, MSN. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên cả 3 sàn ở phiên hôm qua là 600 tỷ đồng.

Với sự hỗ trợ của dòng tiền nội, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.280 điểm trong các phiên giao dịch tới.

Trong khi đó, SHS thì đánh giá, xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh A. Theo đó, phiên 13/5 có thể sẽ có giằng co và rung lắc mạnh khi áp lực chốt lời gia tăng ở vùng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top