Aa

Chứng khoán: Đằng sau tháng mua ròng đầu tiên của khối ngoại

Thứ Hai, 03/05/2021 - 06:29

Khối ngoại đã có chuỗi những phiên bán ròng dài trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 trên thị trường chứng khoán. Nhưng thật bất ngờ, tháng 4/2021 vừa qua, khối này lại mua ròng.

Sự đảo chiều bất ngờ

Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4/2021 (từ 26 - 29/4), khối ngoại đã bất ngờ quay sang mua ròng trên toàn thị trường. Theo thống kê, khối này mua ròng hơn 650 tỷ đồng trong tuần. Mức mua ròng này không hẳn là quá lớn, song nó cho thấy một sự “quay ngoắt” trong khi tuần giao dịch liền trước đó (từ 19 - 23/4) khối này còn bán ròng trên toàn thị trường lên tới hơn 1.070 tỷ đồng.

2 tuần giao dịch mua ròng và bán ròng hoàn toàn trái ngược của khối ngoại cũng gắn với 2 tuần diễn biến trái chiều của chỉ số chứng khoán VN-Index. Ở tuần từ 19 - 23/4, khối ngoại bán ròng mạnh trong bối cảnh VN-Index tăng 9,82 điểm, tương ứng mức tăng gần 0,8%. Còn tuần giao dịch từ 26 - 29/4, chỉ số VN-Index giảm 9,14 điểm, tương ứng mức giảm 7,3%.

Khối ngoại có tháng 4 mua ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Khối ngoại có tháng 4 mua ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán. (Ảnh minh họa: Thế Lâm)

Nhìn chung, khối ngoại mua ròng trong tháng 4 trên toàn thị trường khoảng 400 tỷ đồng chủ yếu là nhờ vào lượng mua ròng trong tuần giao dịch cuối tháng 4.

Nếu so sánh giao dịch của khối ngoại trong tháng 4 với tháng 3 trước đó, càng bất ngờ hơn về sự đảo chiều trong giao dịch của khối này. Cụ thể trong tháng 3/2021, khối ngoại có mức bán ròng lên đến hơn 12.300 tỷ đồng. Còn trước đó tháng 1 và tháng 2, khối ngoại cũng bán ròng.

Như vậy, tháng 4/2021 trở thành tháng đầu tiên tính từ đầu năm khối ngoại mua ròng.

Nhưng chưa có gì là chắc chắn

Cho dù tháng 4 khối ngoại mua ròng hơn 400 tỷ đồng trên toàn thị trường nhưng chưa thể hứa hẹn chắc chắn rằng sẽ mở ra xu hướng mua ròng tiếp theo của khối này trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thời gian qua quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan) đã “gom hàng” và có thể đó là nguyên nhân dẫn đến một số phiên mua ròng khá mạnh trên thị trường, đặc biệt là trên sàn HoSE.

Fubon FTSE Vietnam ETF được cho rằng có nguồn vốn huy động được lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, sẽ là một nguồn lực đầu tư mới bổ sung cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nhiều quỹ khác đang có xu hướng rút vốn.

Tuy Fubon sẽ vẫn tiếp tục giải ngân nhưng cũng khó bảo đảm một mình quỹ ETF này có thể “cân” được tất cả giá trị bán ròng từ phần còn lại của khối ngoại, đặc biệt là những phiên khối này có khối lượng và giá trị bán ròng lớn như đã xảy ra trong tháng 3/2021.

Động thái mua ròng hay bán ròng của khối ngoại luôn được ghi nhận và phân tích và trên thực tế. Một số phiên khối ngoại bán ròng cho dù chỉ là do các quỹ tái cơ cấu danh mục đầu tư nhưng việc xả mạnh nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 cũng tác động gây ra diễn biến rung lắc khó lường trên thị trường, thậm chí khiến VN-Index điều chỉnh.

Ngoài những phiên như vậy, còn lại hầu như sự bán ròng của khối ngoại không còn gây quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến giao dịch trên thị trường. Bởi ở những phiên khối ngoại bán ròng từ 500 - 1.000 tỷ đồng, cũng chỉ chiếm khoảng từ 2,5 - 5% thanh khoản toàn thị trường.

Đặc biệt trên sàn HoSE từ khi thanh khoản bùng nổ lên mức thấp nhất khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp “cân” lại lượng bán ròng từ cả khối ngoại và khối tự doanh. Nhờ đó, việc bán ròng của 2 khối này không gây ra quá nhiều tác động bất lợi cho thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top