Con số gây tranh cãi
Trao đổi với Đầu tư BĐS về con số trên, đại diện nhiều công ty môi giới, sàn giao dịch thừa nhận, sự cạnh tranh trong lĩnh vực môi giới BĐS là rất lớn, tỷ lệ môi giới nghỉ việc cũng không hề thấp, nhưng con số 80% mà chuyên gia trên đưa ra là chưa có cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: “Có thể đó là phát ngôn có động cơ. Có thể các đơn vị đào tạo môi giới đưa ra thông tin kiểu này để tăng vai trò của họ, rằng nếu các môi giới không tham gia các khóa thì sẽ dễ bị đào thải khỏi nghề”.
Tương tự, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc nghemoigioi.vn nhận định: “Tôi cũng không chắc có đơn vị nào thống kê về con số này. Tuy nhiên, trong số vài trăm nghìn môi giới, thì chỉ có khoảng hơn 40.000 người có chứng chỉ hành nghề. Tỷ lệ bỏ việc cũng tương đối cao”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lại Văn Tư, Giám đốc sàn Giao dịch BĐS Phúc Hà cho hay: “Một tỷ lệ môi giới nhất định bỏ việc là có thật. Tuy nhiên, con số lên đến 80% thì tôi chưa kiểm chứng được”.
Dù không đồng tình với con số 80%, nhưng lãnh đạo các sàn giao dịch BĐS cũng thừa nhận có nhiều nhân viên môi giới nghỉ việc. Lý giải lý do này, các đơn vị cho rằng, các môi giới thường có xu hướng ít gắn bó lâu dài với sàn giao dịch và dễ thay đổi nơi làm việc (trừ vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt).
Môi giới viên thường chọn những sàn có sản phẩm tốt, cơ chế tốt để đầu quân và khi lợi thế đó không còn, họ sẽ nhảy việc. Một hình thức khác là các môi giới không đầu quân cho một sàn cố định, mà tập trung thành nhóm làm cộng tác viên, làm việc với các sàn có sản phẩm "hot".
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhân viên môi giới ở độ tuổi trung bình từ 25 - 30 rất cao, thậm chí cả các sinh viên mới ra trường cũng tham gia công việc này. Đa số họ chưa được đào tạo bài bản, thiếu môi trường làm việc, sinh hoạt, thiếu ý thức nghề, nên nhiều người gặp phải khó khăn trong việc theo đuổi công việc một cách lâu dài và nghiêm túc.
Cạnh tranh khốc liệt
Nghề môi giới nhìn qua tưởng nhàn hạ, nhẹ nhàng, ăn trắng mặc trơn và thu nhập khủng, nhưng thực tế, đây lại là lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh cả giữa người làm nghề và các sàn giao dịch.
Thị trường BĐS đang ngày càng đi vào thực chất, dẫn đến sự đòi hỏi cũng cao hơn về trình độ, kỹ năng của các môi giới viên. Hiện nay, dù lực lượng môi giới tăng nhanh về số lượng, nhưng không đi kèm với việc gia tăng về chất lượng.
“Hiện nay, các sàn giao dịch đang phải cạnh tranh nhau khốc liệt, bao gồm cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối và cạnh tranh trong việc tuyển dụng nhân sự. Chưa bao giờ tuyển môi giới khó như hiện nay. Các sàn lớn cũng luôn tuyển dụng số lượng lớn nhưng vẫn thiếu nhân sự, bởi luôn có sự biến động”, đại diện một sàn phân phối chia sẻ.
Không chỉ các sàn cạnh tranh nhau, mà trong cùng một sàn, các môi giới cũng phải cạnh tranh nhau khốc liệt để có được khách hàng và khẳng định mình. Đã qua rồi cái thời chỉ buôn nước bọt ra khách, ra tiền, giờ đây, các môi giới phải đầu tư cả công sức và tiền bạc làm marketing.
“Có trường hợp khách chốt hợp đồng đến nơi rồi mà vẫn vuột mất, vì có môi giới khác mời chào với cơ chế tốt hơn một chút. Các khách hàng thì ngày càng hiểu biết và muốn được giá thấp nhất có thể. Thực tế, có không ít bạn đồng nghiệp đang sẵn sàng “cắt máu” để được việc, khiến bức tranh môi giới thêm rối ren và cạnh tranh khốc liệt”, một môi giới giấu tên cho biết.
Thị trường càng phân hóa và có sự cạnh tranh mạnh, thì việc các môi giới tìm cho mình phương pháp làm việc tốt bên cạnh nỗ lực hoàn thiện bản thân được các chuyên gia cho là chìa khóa để có thể găn bó với nghề.
Theo ông Tư, muốn gắn bó và trở thành nhà môi giới giỏi, ngoài việc nắm vững các kiến thức về sản phẩm đang bán, kiến thức xã hội, pháp luật, người môi giới còn phải có hiểu biết về các đối thủ cạnh tranh, kiến thức về phong thủy để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng.
Còn ông Nga lại cho rằng, những người ở lại với nghề, giàu có được với nghề, là những chuyên gia tư vấn BĐS thực sự chất lượng, có tâm, có kiến thức và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp./.