Aa

Đằng sau con số khiến giới bất động sản sốc nặng

Thứ Hai, 17/07/2017 - 05:48

Thị trường bất động sản TP.HCM những tháng gần đây có nhiều thông tin về tình trạng phân khúc căn hộ giảm nhiệt. Tuy nhiên, Savills mới đây đưa ra con số kỷ lục về lượng giao dịch căn hộ trong quý 2/2017 khiến giới bất động sản bất ngờ.

Số liệu gây bất ngờ cho giới BĐS

Theo Savills, trong quý 2/2017, lượng giao dịch căn hộ tăng 33% theo quý và 67% theo năm. Với gần 11.600 căn được tiêu thụ,lượng giao dịch của quý 2/2017 đã chạm đỉnh kể từ 2011 tới nay.

TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế, cho rằng, lượng giao dịch căn hộ kỷ lục trong quý 2/2017 của TP.HCM mà Savills cung cấp đã gây ra bất ngờ lớn cho rất nhiều người. Nguyên nhân là do con số này trái ngược với dự đoán của phần lớn giới nghiên cứu và báo cáo thị trường BĐS. Đó là thị trường căn hộ trong quý 2/2017 sẽ xấu hơn đầu năm, nhưng thông tin này chứng minh được tình hình tiêu thụ căn hộ vẫn rất tốt.

“Số liệu mà Savills cung cấp gây ra sự bất ngờ, ngạc nhiên cho những người dự đoán thị trường BĐS TP.HCM. Sau ngạc nhiên thì trên thị trường sẽ xuất hiện 2 xu thế, đó là xu thế lạc quan và bi quan. Ở xu thế lạc quan, mặc dù thông tin nguồn cung căn hộ bị bội thực có thể gây bất lợi cho tăng trưởng BĐS, nhưng qua số liệu này thì thị trường BĐS TP.HCM vẫn rất khởi sắc.

Thị trường bất động sản vẫn thiếu thông tin xác thực

Thị trường BĐS vẫn thiếu thông tin xác thực

Còn ở nhóm bi quan, nhiều người vẫn quan ngại về số liệu này. Trong đó, nhóm bi quan cực đoan sẽ cho rằng số liệu này không hợp lý, còn nhóm bi quan theo kinh tế vĩ mô nói rằng thị trường căn hộ sắp sửa đi đến giai đoạn đóng băng”, ông Hiển nhận định.

TS Đinh Thế Hiển nói rằng hồi đầu năm, khi thị trường đất nền vùng ven tăng giá rất mạnh, nhiều người nhận định thị trường căn hộ sẽ không còn đất sống, bởi vì nhà đầu tư và nhà đầu cơ thấy đất nền hấp dẫn hơn. Thế nhưng, qua số liệu này, có thể thấy căn hộ vẫn là phân khúc lớn và quan trọng của thị trường BĐS TP.HCM. Do đó, con số này tạo ra sự lạc quan, bền vững cho thị trường căn hộ.

Trong khi đó, ông Phan Công Chánh – Chuyên gia BĐS cá nhân nói rằng số liệu trên của Savills đã gợi lên nhiều câu hỏi cho giới chuyên gia.

“Thứ nhất, khi đưa ra con số này, Savills sẽ có trách nhiệm chứng minh con số đó là đúng và Savills phải chịu trách nhiệm trên con số đã công bố.

Thứ hai là phải xem xét phương pháp nghiên cứu thị trường của Savills, bởi vì nó ảnh hưởng rất lớn đến số liệu và kết quả. Nếu họ phân tích các báo cáo tài chính, số liệu doanh nghiệp đưa thì sẽ khác với chuyện họ tự đi khảo sát và có mặt ở từng dự án lúc được mở bán, hoặc là có nguồn nào khác. Phương pháp nghiên cứu khác nhau thì số liệu dẫn đến kết quả cuối cùng sẽ khác nhau.

Thứ ba là góc độ quan sát thị trường. Chúng ta phải hiểu được định nghĩa con số 11.600 căn hộ được tiêu thụ ở đây là bán hàng đợt đầu hay số lượng căn hộ mà người dân đã nhận nhà rồi.

Nếu như thị trường căn hộ TP.HCM hấp thụ được con số khổng lồ như vậy thì thực sự rất lạc quan”, ông Chánh nhận định.

Giao dịch ảo chiếm đa số

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nói rằng, muốn biết con số báo cáo của Savills hay một công ty nghiên cứu nào khác có chính xác, thì phải biết đơn vị đó đánh giá một dự án căn hộ có chính xác hay không.

Bởi lẽ, theo ông Đực, một dự án căn hộ có rất nhiều số liệu mà ngay cả chủ đầu tư dự án cũng không biết chính xác họ bán được bao nhiêu căn. Một dự án bán ra có đến 2 - 3 sàn, có những trường hợp bán 7 - 8 sàn; mà mỗi sàn lại bán theo một kiểu khác nhau, thế nên con số báo cáo của từng sàn cũng chưa chắc chính xác.

“Chính trong sàn cũng không biết con số bán chính xác như thế nào, bao nhiêu căn đặt giữ chỗ, bao nhiêu căn đi tới hợp đồng… Hiện nay, các sàn giao dịch BĐS tung hỏa mù rất ghê gớm. Thành thử không có một chủ dự án nào biết chính xác dự án mình bán được bao nhiêu căn, trong đó bao nhiêu người mua để ở, bao nhiêu người mua đầu tư, bao nhiêu người mua đầu cơ.

Cái nguy hiểm hiện nay của thị trường BĐS rất giống với thời kỳ 2007-2008, đó là người mua lướt sóng nhiều quá. Có những người chỉ chờ đặt cọc vài ba trăm triệu rồi 2 - 3 tháng sau bán lại lấy lời 50 - 70 triệu, thậm chí cả 100 triệu. Khối lượng lướt sóng này rất lớn, làm méo mó thị trường. Nếu chính quyền không nhắc nhở thì dễ dàng bị sa vào trường hợp cách đây cả chục năm, tức là nhà nhà lướt sóng, nhà nhà đầu cơ. Do đó, tôi cho rằng số liệu của Savills là không chính xác”, ông Đực nhận định.

Đáng chú ý, ông Đực cho rằng trong 11.600 giao dịch thành công trong quý 2/2017, có rất ít là giao dịch thực, trong khi giao dịch ảo chiếm đa số. Giao dịch thực là những người mua để ở hoặc mua để cho thuê để đầu tư. Còn giao dịch ảo chính là những người đầu cơ lướt sóng.

“Hiện nay, có những cá nhân tạo thành một nhóm chuyên đi mua căn hộ của các dự án mới mở. Người ít thì mua một vài căn, người nhiều thì mua cả mấy chục căn, sau đó bán lại để lấy lời. Tình trạng những người mua lướt sóng như thế này hiện nay quá lớn. Thành thử 11.600 căn hộ giao dịch được mà Savills công là căn cứ trên số liệu của chủ đầu tư.

Thế nhưng, chính chủ đầu tư cũng không biết trong 11.600 căn này thì họ bán được bao nhiêu, bao nhiêu do sàn giữ lại. Nếu con số này là chính xác thì tôi nghĩ con số lướt sóng là 6.000 – 7.000 căn; còn mua để ở chỉ có hơn 4.000 căn. Do đó, số liệu công bố ra cần phải thận trọng để có thể khuyến cáo cho người mua. Số liệu này mà lớn lên thì rất nguy hiểm, nó làm cho thị trường BĐS dễ bị vỡ trận, đóng băng. Chỉ cần có một biến động lớn về kinh tế - xã hội thì sẽ dễ dàng tác động tới thị trường BĐS”, ông Đực phân tích.

Đồng quan điểm với ông Đực, Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngày càng có nhiều dự án căn hộ tại TP.HCM được đưa ra thị trường. Thế nên, khi công bố báo cáo, các công ty nghiên cứu cần xem xét dựa trên sự tăng trưởng của thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

Thị trường sơ cấp là chính người mua sử dụng căn hộ đó, còn thị trường thứ cấp là nhà đầu tư mua bán để kiếm lời. Nếu thị trường thứ cấp tăng mạnh, có nghĩa là giới đầu cơ đang hoạt động rất mạnh mẽ, nên dễ đưa thị trường BĐS vào tình trạng bong bóng nếu không có biện pháp kiềm chế. Đây là rủi ro lớn cho thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top