Viếc tất yếu phải làm
Ngày nay, những khu đô thị “ma” để cỏ mọc um tùm và hàng loạt ô cửa sổ chung cư nhiều năm không sáng đèn đã là nỗi bức xúc của dư luận xã hội, cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Bởi lẽ, thị trường BĐS vốn là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, nay đã bị “đóng băng” ngoài tầm kiểm soát. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên sẽ góp phần chống được sự đầu cơ trên thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Với Việt Nam, việc sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia này đang cần có những giải pháp vĩ mô, mang tính đột phá để ngày càng phát huy hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cho hay, nhiều nước đã áp dụng đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Họ coi đó là nguồn thu chủ yếu nhằm phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị. Còn ở Việt Nam, không đánh thuế vào tài sản mà chỉ nhằm vào đất với tỷ suất khá thấp là 0,03% theo bảng giá của Nhà nước.
Theo chuyên gia Đặng Hùng Võ, chính sách thuế của Nhà nước có ảnh hưởng rất quan trọng đến thị trường BĐS của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, áp dụng theo nguyên tắc định hướng nào mới là vấn đề đáng bàn.
Tại Mỹ, Chính phủ áp dụng nguyên tắc giá thấp nhưng thuế cao. Còn ở ta thì ngược lại, giá BĐS nhiều khi cao vút lên tận trời xanh mà thuế lại rụt rè ở dưới tầm ngọn cỏ.
Ông Đặng Hùng Võ nhận xét: “Như thế rất mất cân đối với thu nhập và tạo ra những hệ quả xấu, tiêu cực trong phát triển kinh tế, xã hội”.
Nghe nói trước đây, trong quá trình xây dựng Luật Thuế nhà đất, Bộ Tài chính cũng từng đưa ra 3 phương án tính thuế nhà ở. Trong đó, phương án 1, chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối. Nhà dưới hai tầng không thu thuế, từ hai tầng trở lên có mức thu là 2.000 đồng/m2/năm. Nhà cấp 3 và chung cư thu 1.000 - 4.000 đồng/m2/năm.
Phương án 2, thu theo giá trị nhà, trên 1 tỷ đồng mới chịu thuế 0,03%.
Phương án 3, thu thuế phần diện tích nhà trên 200 m2. Nhà cấp 4 không mất thuế, còn hai tầng trở lên phải đóng từ 2.000 - 4.000 đồng/m2/năm. Với chung cư thu từ 1.000 - 3.000 đồng/m2/năm tùy loại. Tuy nhiên, có lẽ do là vấn đề “nhạy cảm” nên đã để chậm lại.
Tranh cãi về cách làm
Đã tất yếu thì chắc phải làm, nhưng triển khai như thế nào cho công bằng, minh bạch và dễ thực thi lại là vấn đề khác. Bởi lẽ, đây là sắc thuế liên quan đến đông đảo người dân, dễ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong lĩnh vực BĐS.
Chuyên gia Trần Du Lịch ủng hộ quan điểm đánh thuế nhà ở thứ hai trở đi và cho rằng, đó là một sắc thuế bình thường nên phải thực thi để giống với thông lệ quốc tế: “Thuế BĐS là nguồn thu duy nhất của các đô thị chứ làm gì có đất mãi để bán. Chúng ta cần nghiên cứu, có đề án cụ thể, đưa ra lộ trình và cách thức đánh thuế cho phù hợp. Có thể áp dụng tương tự như cách đánh thuế thu nhập cá nhân (theo định mức), tùy theo các tiêu chí như vị trí của tài sản, hay diện tích căn nhà”.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã đặt ra 3 câu hỏi rất đáng quan tâm.
Thứ nhất, nếu đánh thuế giá trị căn nhà thì cơ sở nào? Ai là người thẩm định, hay dựa trên căn cứ nào?
Thứ hai, có ngăn chặn, phòng ngừa được người dân sử dụng tên người khác để đứng tên căn nhà thứ hai, với mục đích trốn thuế? Hiện nay chúng ta chưa có hệ thống thông tin tập trung tại Trung ương. Vì thế, để xác định căn nhà thứ hai sẽ rất khó khăn. Việc này sẽ dẫn tới, có một số người thì bị đánh thuế, số khác không bị phát hiện nên tránh được và gây ra sự bất công.
Thứ ba là giá trị của căn nhà. Nếu giá trị cả đất và công trình xây dựng trên đó là cơ sở để đánh thuế mà thay đổi mỗi năm thì phải dựa vào đâu. Thành ra, việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ không phải là điều dễ dàng.
Vì thế, ông đề nghị, nên đánh thuế đất còn giá trị căn nhà thì không. Chẳng hạn như ở Mỹ, họ không đánh thuế trên giá trị nhà mà chỉ tính trên đất. Với căn nhà thứ nhất, Chính phủ hỗ trợ người mua nhà bằng cách không đánh thuế phần thu nhập dùng để trả lãi cho các ngân hàng. Còn căn nhà thứ hai, tất cả các thu nhập để trả lãi cho ngân hàng đều phải chịu thuế.
Hiện tất cả còn đang ở phía trước, nhưng có thể nhận định chắc chắn rằng, đây sẽ là một trong những “điểm nóng” trên diễn đàn Quốc hội của năm 2017.