Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TP.HCM, hiện thành phố có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát mới đây, rất nhiều quỹ đất công trên địa bàn TP.HCM cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí, nhiều nơi bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Không ít khu đất công đang bị chảy máu và để lại những “vết sẹo” loang lổ trên một diện tích lớn.
Giao hàng nghìn hecta, kiểm tra chỉ còn vài trăm
Theo số liệu sơ bộ của Sở TNMT về phân bổ quản lý đất công thì Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý 110 khu đất; công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận, huyện quản lý 636 khu đất. Ngoài ra, thành phố còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng, cũng chưa có pháp lý sử dụng đất.
Trong số đất công này, nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí. Thậm chí, có những nơi doanh nghiệp đã tự ý “cắt” đất giao cho cán bộ, công chức. Nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép. Thậm chí có trường hợp giao hàng ngàn héc-ta đất nhưng khi kiểm tra chỉ còn lại vài trăm héc-ta.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp hết hạn thuê đất hoặc sử dụng không đúng mục đích bị thu hồi đất nhưng đa số không thực thi quyết định. Điều này dẫn đến công tác thu hồi đất công bị kéo dài nhiều năm khiến chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm và không hợp tác.
Đơn cử như khu đất có diện tích 1.700m2 nằm trên mặt tiền đường Phạm Văn Đồng (quận 3) do Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV quản lý. Khu đất này đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Tương tự, khu đất của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) trên sổ sách quản lý có diện tích khoảng 6.600 hecta, thế nhưng qua kiểm kê, hiện tại khu đất chỉ còn 550 hecta…
Hay khu đất rộng hơn 2.000m2 nằm ở địa chỉ 360 Xa lộ Hà Nội (quận 9). Khu đất này được giao cho Công ty Colas thuê để làm nhà xưởng, địa điểm kinh doanh nhưng khi đến thời hạn phải trả đất, doanh nghiệp này tự ý cho một doanh nghiệp khác thuê lại.
Trong năm 2016, TP.HCM đã lập thủ tục đấu giá, thu hồi 108 khu đất, với tổng diện tích hơn 213 hecta nhưng đến nay mới thu hồi và tiếp nhận được 88 khu đất với diện tích hơn 204 hecta. Phần 21 khu đất còn lại với diện tích hơn 8,2 hecta đang xử lý thu hồi để đem đấu giá, làm quỹ đất đối ứng cho các dự án hợp tác công-tư.
Cũng trong năm này, Sở TNMT đã 3 lần phát công văn đề nghị UBND 24 quận huyện thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo rà soát. Đến nay, cơ quan này nhận được báo cáo của 21 quận huyện, còn quận 1, huyện Bình Chánh và Cần Giờ chưa có báo cáo cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM thẳng thắn: “Nguồn đất công hạn hữu lắm rồi, chứ không còn dồi dào nữa. Các hình thức đầu tư đổi nguồn lực từ đất hiện nay khó khăn. Các khu đất có vị trí đắc địa đã sử dụng gần hết cho các đối tác để phát triển TP. Do đó, từng quận huyện, sở chuyên ngành phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố khai thác hết tiềm năng, nguồn lực này để phục vụ cho sự phát triển của thành phố”.
Khó thu hồi vì yếu tố lịch sử
Bài học cho TP.HCM là hơn 15 năm trước, đường Nguyễn Hữu Thọ nối đại lộ Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, dài 7,5km được giải tỏa rộng ra 210m hai bên trên suốt tuyến đường. Tổng diện tích đất mở rộng thêm là 68,7 hecta. Từ quỹ đất này, cơ quan chức năng chỉ tổ chức đấu giá 48,7 hecta, tổng số tiền thu được 466 tỷ đồng.
Gần đây nhất là việc tổ chức bán đấu giá khu đất vàng 23 Lê Duẩn, quận 1 đã thu về cho ngân sách nhà nước số tiền khổng lồ. Phiên đấu giá khu đất vuông vắn 55 x 55m với mức khởi điểm 558 tỷ đồng đã thu hút 13 doanh nghiệp tham gia. Sau 16 vòng đấu, khu đất đã tìm ra chủ nhân với số tiền kỷ lục thu được 1.430 tỷ đồng.
Tuy nhiên thực hiện điều này là không dễ với các khu đất còn lại. Thậm chí, Ban chỉ đạo công chứng nhà bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và yêu cầu xử lý nhanh để tạo nguồn cho TP nhưng vướng nhiều bất cập. Trong đó những tồn tại lịch sử như giao đất không đúng thẩm quyền trước đây khiến các hộ dân hay cán bộ công chức ở trong khu đất này quá lâu nên giờ rất khó xử lý đúng pháp luật.
Theo Thông tư 83/2007 của Bộ Tài chính thì Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà đất. Chi phí hỗ trợ di dời (nếu có) xác định theo quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ của địa phương.
Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý sử dụng đất này chỉ bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất theo hiện trạng. Đồng thời không có phương án nào để di dời các gia đình, cá nhân đang sinh sống cư ngụ theo quy định nêu trên.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM, cho biết: “Chủ trương của TP là mong muốn có nguồn đất lớn để tiến hành đầu tư BT hay đấu giá nhưng việc di dời các hộ dân đang vướng về thủ tục. Cụ thể là thực hiện quyết định 23 về di dời của UBND TP.HCM lại không có điều chỉnh Quyết định 09 của Thủ tướng nên rất khó để giải quyết. Mong sao TP có các quyết sách phù hợp để hỗ trợ Sở TNMT tháo gỡ những vướng mắc cố hữu này một cách sớm nhất.”
Một bất cập nữa trong việc quản lý và khai thác đất công ở TP.HCM là quy chế đấu giá đất đang rối. Nhiều đơn vị có thể tiến hành thủ tục đấu giá đất gây chồng chéo và thất thoát lớn. Do đó nên tập trung về một đầu mối thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật. Quy chế đấu giá cần phải phân cấp rõ ràng, đối với các đơn vị ngoài trung tâm phát triển quỹ đất thì phải có sự ủy quyền mới được phép tổ chức đấu giá.
Theo lãnh đạo Sở TNMT, hiện nay trong thời gian chờ đợi đấu giá các khu đất này, Trung tâm phát triển quỹ đất khai thác (cho thuê) tạm thời để tăng nguồn thu cho ngân sách. Sở cũng cam kết rằng các khu đất bố trí cho các đơn vị thuộc Sở TNMT không cho thuê mướn hay sử dụng sai công năng.
Hiện nay trung tâm này đang tổ chức khai thác ngắn hạn 42 khu đất với tổng diện tích 24,2 hecta. Tính từ năm 2013 đến nay đã có nguồn thu là 37,2 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Ước tính thực hiện trong năm 2017 là 19 tỷ đồng nộp cho ngân sách./.