Aa

Đất đai đóng góp vào ngân sách hơn 32 nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Năm, 29/04/2021 - 15:30

Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quý I/2021, thu từ đất đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12% thu ngân sách nội địa.

Tăng thu từ đất, đóng góp 12 - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm

Theo báo cáo vừa công bố bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 5 năm vừa qua (2016 - 2020), các nguồn tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, ngành đã đóng góp cho Ngân sách nhà nước trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó đất đai đóng góp 860.000 tỷ đồng (chiếm 14% thu nội địa), tài nguyên khoáng sản đóng góp 23.000 tỷ đồng, tài nguyên nước đóng góp 10.600 tỷ đồng, thuế môi trường đóng góp khoảng 163.000 tỷ đồng). 

Đối với lĩnh vực quản lý đất đai đã đưa hơn 63.000ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch gần 230.000ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị. Xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30.000ha. Hoàn thành sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu hecta đất của các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400.0000ha.

Đặc biệt với việc thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất, đóng góp từ 12 - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa hơn 63.000ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội

Theo các thống kê được đưa ra trước đó, trong những năm qua nguồn thu từ đất qua tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chưa tính đến các loại phí, lệ phí (kể cả trước bạ), thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đã tăng đáng kể cho ngân sách qua các năm. Nguồn thu từ đất trong 5 năm đạt 617.400 tỷ đồng. 

Cụ thể trong năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, năm 2016 là 115.290 tỷ đồng, năm 2017 là 104.400 tỷ đồng, năm 2018 là 121.400 tỷ đồng. Nguồn thu này trong năm 2019 đạt 192 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015.

Ngoài ra, đến nay đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,36% diện tích cần cấp, tăng 3,3 triệu giấy so với năm 2016. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 185 huyện, quận; 8 tỉnh thành đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao…

Thu từ đất là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách 

Trong quý đầu năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bám sát địa phương cơ sở, nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp. 

Một số điểm nhấn được chỉ ra như sau:

Thứ nhất, cùng với hoàn thiện thể chế, công tác điều tra lập các quy hoạch quốc gia được tập trung triển khai định hình không gian phát triển đất nước trong giai đoạn mới bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và 6 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, tiếp tục tập trung chuyển đổi số thông qua xây dựng các dữ liệu lớn của ngành như cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu viễn thám, dữ liệu quan trắc, dự báo, dữ liệu tài nguyên và môi trường...

Thứ ba, các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển. 

Cụ thể, thu từ tài nguyên và môi trường trong quý I/2021 đạt 42,2 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng thu từ đất đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12% thu ngân sách nội địa..., là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, hoàn thiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; xây dựng Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040;...

Về nhiệm vụ trọng tâm của quý II/2021 và cả năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra như sau:

Một, phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan liên quan trong Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, thi hành Luật đất đai và sửa đổi Luật đất đai.

Hai, tập trung xây dựng các quy hoạch đảm bảo hợp lý đồng bộ để định hình không gian phát triển phù hợp với các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhất là quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch ngành gồm: quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050;... 

Ba, triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số về tài nguyên và môi trường; đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và Cổng thông tin địa lý quốc gia trong năm 2021; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, dữ liệu nền địa lý quốc gia, dữ liệu lớn như quan trắc, dự báo, dữ liệu viễn thám…

Bốn, chủ động mặt bằng đất đai cho triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện liên thông thủ tục, cung cấp dịch vụ công về cấp giấy đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trên cổng dịch vụ công quốc gia. 

Năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hướng đến tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top