Aa

Hà Nội: Đất đấu giá ngoại thành vẫn “nóng“, giá trúng có nơi lên tới 170 triệu đồng/m2

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Ba, 29/11/2022 - 06:30

Giữa lúc thị trường chung ảm đạm, đất đấu giá nhiều nơi đồng loạt hạ nhiệt thì huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn cho thấy sức nóng khi nguồn cung dồi dào, giá trúng đều ở ngưỡng cao, có thửa lên tới gần 170 triệu đồng/m2.

“Chợ đất” cuối năm tấp nập nhà đầu tư đi “săn” 

Theo khảo sát thực tế của PV Reatimes, trong 2 tuần vừa qua, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tổ chức các phiên đấu giá đất liên tiếp với số lượng lớn hồ sơ nộp về cùng mức giá trúng đều ở ngưỡng cao.

Cụ thể, chiều 26/11, tại hội trường Trung tâm Chính trị Huyện Đông Anh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện đã phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại khu X7, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. 

Theo đó, 27 thửa đất của khu X7 được đưa ra đấu giá lần này bao gồm 6 thửa trong ô LK5, 8 thửa trong ô LK6, 7 thửa trong ô LK7 và 6 thửa trong ô LK8. Các thửa đất có tổng diện tích 3.417,93m2. Mỗi thửa rộng từ 113,74 - 218,54m2, trong đó có 12 thửa rộng 119 m2. Giá khởi điểm từ 58 - 64 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí, diện tích, hướng đất mà có sự chênh lệch. Bước giá áp dụng tại tất cả các thửa là 500.000 đồng/m2.

27 thửa đất này đều được huyện Đông Anh khớp nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chí để người dân có thể xây dựng nhà ở lâu dài. Phiên đấu giá được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại hội trường với phương thức trả giá lên. 

Kết quả, tất cả các thửa đất đều được đấu giá thành công, thu về gần 405,3 tỷ đồng, tạo nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. 

Hàng dài xe của nhà đầu tư tới tham dự phiên đấu giá đất trong chiều ngày 26/11. (Ảnh: Hà Trang)

Trong đó, mức giá trúng đấu cao nhất là 156 triệu đồng/m2 do nhà đầu tư Trần Văn Phương đưa ra. Mức giá này thuộc về thửa LK7-7 với diện tích 218,54m2, nằm ngay giao lộ ngã tư. Mức giá trúng thấp nhất là 96 triệu đồng/m2 cùng thuộc về các thửa LK5-3, LK5-4, LK5-5 và LK6-2; cả 4 thửa đều có diện tích là 119m2. Các thửa đất đều được đấu trúng với mức giá ở ngưỡng cao, gấp 1,5 - 2,5 lần so với giá khởi điểm. 

Có thể thấy, các thửa đất ở ô LK7 và LK8 sở hữu vị trí mặt tiền giáp đường lớn nên được các nhà đầu tư chuộng hơn so với các thửa ở ô LK5 và LK6. Do đó, giá cũng nhỉnh hơn và đều được đấu trúng ở ngưỡng từ 116 triệu đồng/m2 trở lên. 

Đặc biệt trong buổi đấu giá diễn ra vào chiều 26/11, nhà đầu tư Chu Đình Huế là người “săn” được nhiều “hàng” nhất khi đấu trúng tới gần một nửa trong số 27 thửa tất cả. Trao đổi với PV, ông Huế cho biết, những thửa được ông đấu trúng sẽ có một số thửa dùng để đầu tư, còn một số thửa để dành sau này định cư hoặc kinh doanh. 

Đến ngày 28/11, tức chỉ sau 2 ngày, nhà đầu tư này đã bán sang tay thành công nhiều thửa và hiện chỉ còn sót lại 3 thửa chưa chốt giao dịch là LK8-2, LK5-4 và LK5-5. Trong đó, thửa LK8-2 rộng 131,1m2, có giá trúng là 118 triệu đồng/m2, hiện đang được ông Huế rao ở mức 124 triệu đồng/m2. Còn 2 thửa LK5-4 và LK5-5 cùng rộng 119m2, đều có giá trúng là 96 triệu đồng/m2, hiện được ông Huế rao ở ngưỡng 105 triệu đồng/m2. 

Quy hoạch tổng thể và phân lô khu đấu giá X7, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh. (Ảnh: Hà Trang)

Trước đó một tuần, chiều ngày 19/11, các ô đất LK1, LK2, LK3, LK4 cũng nằm trong khu X7, xã Uy Nỗ đã được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá. 

Cụ thể, có 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364m2, mỗi thửa rộng từ 115,26m2 - 227,89m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 - 69 triệu đồng/m2.

Kết quả, phiên đấu giá đã thu về gần 409 tỷ đồng. Mức giá trúng cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2, còn mức giá trúng thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2. 

Phiên đấu giá đất diễn ra đảm bảo công khai, khách quan, minh bạch, nghiêm túc. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Đông Anh)

Theo người dân địa phương chia sẻ, cả 2 phiên chợ đất này đều có tiếng vang lớn và thu hút nhiều sự quan tâm. Lý do bởi đây đều là những khu "đất vàng", có vị trí nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh. 

Đất liên tục tăng giá

Ghi nhận thực tế, ngoài những người trực tiếp tham gia buổi đấu giá ở trong hội trường kín trên tầng 4 thì khu vực bên ngoài cổng Hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh cũng có đông đảo người dân và môi giới chờ đợi để nghe ngóng, theo dõi tình hình, thậm chí xem có thửa nào được giá sẽ chốt mua sang tay luôn từ người trúng.

Chia sẻ với PV, chị Anh Thơ (38 tuổi, nhà đầu tư địa phương) cho biết, dù thị trường chung đang ảm đạm nhưng các phiên đấu giá đất ở huyện Đông Anh trong thời gian qua vẫn diễn ra sôi nổi. 

Bản thân nhà đầu tư này là người có sẵn vốn tích lũy trong nhiều năm, sau các buổi đấu giá cũng cố gắng bán sang tay ngay để không phải ôm hàng. Thêm vào đó, không sử dụng đòn bẩy tài chính nên chị Thơ cũng không bị ảnh hưởng bởi động thái tăng lãi suất cho vay từ các ngân hàng.

Các phiên "chợ đất" cuối năm tấp nập nhà đầu tư đi "săn". (Ảnh: Hà Trang)

Theo quan điểm của chị Thơ, giá đất Đông Anh trong vài năm trở lại đây đã chứng kiến nhiều phen sốt giá ảo đến mức khó tin. 

“Tôi cũng chả hiểu làm sao, tự dưng đất “khỉ ho cò gáy” trong làng thôi mà chỉ cần có dự án gì chạy qua là sẽ tăng vùn vụt. Đất quê ban đầu chỉ có giá khoảng hơn 10 triệu đồng/m2 mà nay đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/m2. Nhiều người từ các địa phương khác đến gom mua hết, mà người dân thấy được giá hời thì họ cứ bán thôi, cuối cùng đến giờ nhiều nơi thậm chí còn chẳng có đất mà bán”, chị Thơ chia sẻ.

Chị Thơ nhớ lại cách đây 4 năm, chị trở về Việt Nam sau khoảng thời gian đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc. Khi đó, căn nhà rộng 52m2 ngót nghét 10 năm tuổi của chị tự dưng được rất nhiều người liên hệ hỏi mua. Mới về nước nên không nắm rõ giá cả thị trường bất động sản, cộng thêm tâm lý chưa có ý định bán nên chị “hét” bừa mức 200 triệu đồng/m2, ai ngờ giao dịch được chốt thành công ngay lập tức.

“Tôi phát biểu bừa mà người ta mua thật. Họ cứ gạ nhà mặt đường, nếu không kinh doanh thì bán lại cho người ta. Tôi “hét” bừa 200 triệu đồng/m2 thì bên mua đề nghị giảm xuống còn 198 triệu đồng/m2. Thấy giá cũng hời mà họ thiện chí, nài nỉ ghê quá nên tôi bán luôn”, chị Thơ chia sẻ.

Như vậy, tính ra căn nhà cũ của chị Thơ đã được bán với giá gần 10,3 tỷ đồng. Mức giá này thậm chí còn cao hơn cả nhiều nhà đất trong ngõ ở các quận nội thành Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân hay Nam - Bắc Từ Liêm.

Đông đảo người dân và môi giới chờ đợi bên ngoài cổng hội trường để nghe ngóng tình hình phiên đấu giá. (Ảnh: Hà Trang)

Chia sẻ về sức “nóng” của thị trường Đông Anh trong thời gian qua, chị Minh Hằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng cho hay: “Năm 2021, tôi mua lại được một lô đất đấu giá ở xã Uy Nỗ, Đông Anh. Chủ cũ đấu trúng nhưng sợ lúc đó dịch Covid-19 đang căng thẳng sẽ không bán được nên rao gấp chứ không “om”. Họ trúng với giá 64 triệu đồng/m2 thì bán sang tay cho tôi ở ngưỡng 70 triệu đồng/m2. Giờ mới sang năm thứ hai, đã có người trả lên tận 160 triệu đồng/m2 nhưng tôi không bán mà để xây nhà hàng lẩu nướng kinh doanh”.

Có thể thấy, các nguồn hàng từ những phiên chợ đất vẫn có sức hút lớn do thường được đầu tư xây dựng hạ tầng đầy đủ, đảm bảo các tiêu chuẩn dân sinh trước khi bàn giao cho người trúng đấu giá. Do đó, không quá khó hiểu khi kênh đầu tư này vẫn được nhiều người vốn “khỏe” tin tưởng lựa chọn làm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền sinh lời trong lúc thị trường chung đang diễn biến khó lường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top