Theo báo cáo, thị trường BĐS quý II đã có lượng giao dịch tăng nhẹ so với quý I. Thị trường tiếp tục sôi động từ tháng 3, lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm đã tăng trở lại. Những dự án tốt do các chủ đầu tư có uy tín triển khai vẫn bán khá tốt trên thị trường.
Ngoài ra, những dự án nhiều tiện ích, hạ tầng đầy đủ, hoặc có khả năng tận dụng được cơ hội từ các tuyến buýt nhanh (BRT), hay đường sắt trên cao (MRT) cũng đạt mức thanh khoản khá cao.
Về lượng giao dịch BĐS, theo số liệu thống kê của các sàn giao dịch thành viên thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, trong quý II/2017 ghi nhận giao dịch tăng 13,7% so với quý I. Trong đó tại TP.HCM và Hà Nội, căn hộ trung cấp vẫn chiếm lượng giao dịch lớn nhất. Đối với TP. Đà Nẵng đất nền giao dịch sôi động nhất.
Báo cáo của VNREA cho biết, tồn kho BĐS quý II có dấu hiệu chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Tính đến 20/6/2017, tổng giá trị tồn kho BĐS của cả nước còn khoảng 27.341 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 101.207 tỷ đồng (tương đương giảm 78,73%); so với tháng 12/2015 giảm 23.548 tỷ đồng (giảm 46,27%). Từ tháng 12/2016 đến nay, tồn kho BĐS đã giảm 3.682 tỷ đồng (giảm 11,87%), nếu so sánh với một tháng trước, con số này giảm 553 tỷ đồng.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, tốc độ giảm tồn kho BĐS đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng đầy đủ. Trong đó, tồn kho nhiều nhất là đất nền nhà ở với hơn 3,3 triệu mét vuông (tương đương 13.014 tỷ đồng), tiếp theo là nhà thấp tầng với 3.447 căn (tương đương 7.268 tỷ đồng). Căn hộ chung cư còn tồn 3.200 căn (tương đương 4.579 tỷ đồng), đất nền thương mại tồn kho 648.139m2 (tương đương 2.480 tỷ đồng). Đáng chú ý, Hà Nội và TP.HCM là hai trong 9 địa phương có giá trị tồn kho BĐS lớn nhất cả nước, chiếm gần 40%.