Cũng tại Tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, chuyên gia BĐS đã có ý kiến về thực trạng cơn “sốt” giá đất nền ở các khu vực vùng ven TP. HCM thời gian gần đây.
Thực tế, theo các khảo sát mới đây của một số sàn giao dịch BĐS, tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy khu Đông Sài Gòn có giá đất liên tục tăng suốt hơn một năm qua, đến nay có nơi tăng 70% đến 100%. Đất nền địa bàn khu Nam bắt đầu tăng nóng bất thường vào giữa cuối năm 2016. Trong 4 tháng đầu năm, đất nền tại đây tăng giá 15 - 40%, nhưng nếu so với cùng kỳ 2016, mức tăng cũng ghi nhận gấp 1,5 - 2 lần. Riêng đất huyện Nhà Bè có mức tăng đột biến nhất khu vực, trở thành hiện tượng của khu Nam với tỷ lệ tăng 100-200%, cá biệt có nơi đã vọt lên 300% trong vòng 12 tháng qua.
Nhận định về tình hình này, bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Chính sách nhà ở và Thị trường BĐS TP.HCM cho rằng nguyên nhân là bởi xuất hiện các thông tin về việc 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn được lên quận và nhiều dự án “khủng” của một số doanh nghiệp được triển khai trong khu vực.
Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng có liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền tại các quận huyện vùng ven, theo bà Quyên là Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Bà Quyên cho rằng nhiều đầu nậu đã lợi dụng kẽ hở của Quyết định này, đứng ra gom đất phân lô, bán nền tràn lan.
Về thông tin các quận được lên huyện, bà Quyên khẳng định ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn hiện chưa đủ điều kiện để thành lập quận. Thông tin về các dự án lớn là không chính xác bởi thành phố chưa chính thức giao đất cho bất cứ doanh nghiệp nào.
Về Quyết định 33/2014, bà Quyên cho biết thành phố sẽ báo cáo Bộ Xây dựng để xem xét thêm đồng thời Sở Xây dựng cũng sẽ tổng hợp thông tin để báo cáo lên Thủ tướng.
Trên phương diện thị trường tài chính, ông Phạm Trung Hậu, Phó giám đốc Trung Tâm Kinh Doanh của ngân hàng TMCP Sài Gòn cho rằng, việc giá BĐS tăng "nóng" cũng gây nhiều khó khăn cho giới ngân hàng trong quá trình giải quyết nhu cầu của khách hàng. Chính bởi vậy, cũng giống như các đối tượng khác trên thị trường, ngân hàng cũng cần các thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng.
Ngoài ra, minh bạch thông tin về việc không thành lập các quận huyện mới cũng giúp cho ngân hàng đảm bảo tính cạnh tranh, đồng thời hạn chế rủi ro trong việc cho vay BĐS.
Trước thực tế có những “cò” đất khi cho rằng, chỉ cần giấy tờ đảm bảo thì ngân hàng sẽ đáp ứng nhu cầu vay. Ông Hậu khẳng định, ngay trong những thời điểm mà giá trị bất động sản tăng nóng thì ngân hàng càng siết chặt trong việc cho vay hơn chứ không có chuyện “té nước theo mưa”. Bởi dù giá đất có tăng cao tới mức nào đi chăng nữa thì ngân hàng cũng phải cho vay dựa trên giấy tờ pháp lý đầy đủ, giá trị thực của bất động sản chứ không phải cho vay dựa trên giá thị trường.
Có phần “lạc quan” trước các thông tin “sốt giá” đất nền, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng “cơn sốt” thực chất đang bị làm lớn hơn so với thực tế.
Ông Hiển cho rằng, trên thực tế dù đất có “sốt” giá thì cũng mới có chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân tự bỏ tiền túi để đầu tư, “lời ăn lỗ chịu” chứ không có ngân hàng nào tham gia vào sự biến động này của thị trường. Không đáng lo về nguy cơ cơn sốt đất sẽ tác động tới thị trường nói chung, bởi nó chưa đủ sức gây ra “bong bóng” BĐS.
Thậm chí, ông Hiển cho rằng “cơn sốt” đất nền vùng ven có thể là một tác động tốt cho thị trường nhà chung cư bởi người có nhu cầu mua nhà để ở sẽ không mua được đất nền vì giá quá cao sẽ quay sang mua căn hộ.
Cũng liên quan đến tình hình “cơn sốt” đất nền, chiều nay 19/5, Thành ủy TP.HCM sẽ họp bàn với Sở Xây dựng về thực trạng giao dịch nhà đất hiện nay .