CTCP Đạt Phương (mã DPG) thông báo hoàn thành đợt phát hành gần 15 triệu cổ phiếu cho 941 cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu. Hiện, cổ phiếu DPG giao dịch quanh mức 38.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đa phần đi theo đà trượt dốc. Mức giá giao dịch hiện tại thấp hơn 30% so với phiên giao dịch cao nhất trong 5 tháng qua.
Trong 3 tháng đầu 2019, Đạt Phương ghi nhận hơn 189 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 38% còn 12,4 tỷ đồng. Công ty chỉ 7% kế hoạch doanh thu và 3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Năm 2019, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 179% lên 2.812 tỷ đồng. Lãi ròng hợp nhất 513 tỷ, gấp hơn 3 lần kết quả năm 2018. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 438 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2019 là 10 - 15%.
Trong các đơn vị thành viên, Đạt Phương Hội An dự kiến đóng góp lợi nhuận lớn nhất với con số 312 tỷ đồng lãi sau thuế, từ việc bắt đầu bàn giao 141 biệt thự và shophouse cho khách hàng và ghi nhận doanh thu bất động sản Khu đô thị Võng Nhi.
Dự án Casamia tại Võng Nhi dự kiến sẽ mang về doanh thu 2.000 tỷ đồng. Công ty sẽ mở bán tiếp đợt 3 trong năm nay.
Tại Đại hội cổ đông năm 2019 tổ chức tháng trước, Chủ tịch Đạt Phương, ông Lương Minh Tuấn cho hay doanh thu từ bất động sản dự kiến sẽ được hạch toán hết trong quý IV. Do Đạt Phương bắt đầu bán hàng vào cuối 2018 và dự kiến bàn giao trong vòng 12 tháng, vì vậy tất cả doanh thu sẽ dồn vào quý cuối năm. Công ty cũng sẽ tiếp tục triển khai các dự án bất động sản lớn khác trong năm nay.
Riêng với dự án Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), Đạt Phương đang tiến hành giải phóng mặt bằng, còn thời điểm đầu tư cụ thể sẽ tùy vào diễn biến thị trường.
Ở mảng thủy điện, Thủy điện Sông Bung 6 dự kiến đóng góp 24 tỷ lợi nhuận và CTCP 30-4 Quảng Ngãi đóng góp 10,6 tỷ đồng. Sau 2 dự án Sơn Trà 1A và 1B, công ty sẽ triển khai dự án Sơn Trà 1C. Đây cũng là dự án điện vừa và nhỏ được hưởng giá bán điện ưu đãi theo quy định của Bộ Công Thương.
Liên quan đến vấn đề cổ đông ngoại, giải đáp cho cổ đông vì lý do chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, ông Tuấn cho biết Đạt Phương luôn có mong muốn tìm kiếm đối tác dài hạn và phù hợp.
Tuy nhiên hiện công ty hiện có nguồn tài chính đảm bảo, chưa có nhu cầu cấp bách để phát hành riêng lẻ. Mặt khác, mức giá họ chào mua cổ phiếu chưa chắc đã tốt như thị giá trên thị trường. Do đó, công ty vẫn đang nghiên cứu và tìm đối tác phù hợp.
Đánh giá về thị trường bất động sản, Chủ tịch HĐQT của Đạt Phương cho rằng, bất động sản công nghiệp hiện nay đang nóng, do diễn biến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước khác và Việt Nam là điểm đến tiệm cận.
Mặt khác, bản thân nhu cầu thuê khu công nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng lớn. Do đó, Đạt Phương đang nghiên cứu cùng một số đối tác và đề xuất tỉnh Quảng Nam cho đầu tư với diện tích 700ha. Tỉnh Quảng Nam cơ bản đã đồng thuận và cho phép doanh nghiệp xây dựng quy hoạch sơ bộ. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu tại một số địa điểm khác.
Dù có nhiều kế hoạch đầu tư, nhưng thực tế kết quả kinh doanh của Đạt Phương đang trong đà trượt giảm. BCTC quý IV/2018 và cả năm với lợi nhuận sụt giảm. Trong đó, riêng quý IV/2018, công ty ghi nhận 655 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp công ty vẫn tăng trưởng từ 116 tỷ lên 156 tỷ đồng.
Song, chi phí lãi vay tăng đột biến gần 6 lần lên 75 tỷ đồng trong quý IV/2018. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong kỳ giảm từ 67 tỷ về 53 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm, doanh thu Đạt Phương vào khoảng 1.573 tỷ, tăng nhẹ so với mức 1.410 tỷ năm 2017. Chi phí tài chính đột biến khiến lãi ròng công ty mẹ giảm từ 158 về chỉ còn 139 tỷ đồng. So với kế hoạch 211,85 tỷ, Công ty chỉ mới thực hiện được 65,5% chỉ tiêu.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản Đạt Phương tăng từ 3.947 tỷ đồng lên 4.646,5 tỷ đồng. Tổng nợ tăng từ 3.066 tỷ đồng lên 3.610 tỷ đồng. Được biết, hiện ông Lương Minh Tuấn - Chủ tịch cùng với ông Phạm Kim Châu dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để đảm bảo khoản vay của công ty tại BIDV - chi nhánh Thăng Long vói dư nợ gốc + lãi tối đa là 18,54 tỷ đồng.