1. Đất sổ hồng có được xây nhà không?
Người dân xây dựng nhà ở hoặc một số công trình khác trên đất phải tuân thủ đúng theo quy định của luật xây dựng, luật đất đai và những văn bản pháp luật khác có liên quan.
Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 có quy định:
“Điều 170: Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan“
Vì thế, người dân phải sử dụng đất đúng mục đích (mục đích sử dụng đã được ghi rõ trên sổ hồng).
Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất được chia thành 3 nhóm: đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm,…); đất phi nông nghiệp (đất ở tại nông thôn/thành thị, đất thương mại & dịch vụ,…); đất chưa sử dụng (đất chưa xác định được mục đích sử dụng).
Nhìn chung, từng nhóm đất sẽ có chức năng, công dụng riêng (đất nông nghiệp để trồng trọt và canh tác; đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình thương mại,…; đất chưa sử dụng - chính là những thửa đất chưa được xác định về mục đích sử dụng).
Theo đó, việc xây dựng nhà ở trên sổ hồng được phép thực hiện khi sổ hồng của bạn được cấp cho loại đất được phép thi công và xây dựng nhà ở.
Vậy, đất sổ hồng có được xây nhà không? Câu trả lời là CÓ. Bạn có thể xây dựng nhà ở trên đất sổ hồng, khi mà mục đích sử dụng của loại đất này là đất có mục đích sử dụng phi nông nghiệp, được phép xây nhà như đất ở nông thôn, đô thị,… Nếu bạn xây nhà ở trên đất được cấp sổ hồng nhưng mục đích sử dụng đất không phải để xây nhà ở thì sẽ không được phép thi công và xây dựng.
Có thể xây nhà trên đất được cấp sổ hồng khi mục đích sử dụng của loại đất đó được phép xây dựng nhà ở
2. Sổ hồng và sổ đỏ, sổ nào giá trị hơn?
Trong luật đất đai của nhà nước không có khái niệm "sổ đỏ" hoặc "sổ hồng". Mà sổ đỏ và sổ hồng là cách gọi dân gian của người dân được dùng để chỉ giấy chứng nhận nhà đất dựa vào màu sắc.
Vậy chúng ta phân biệt sổ hồng và sổ đỏ như thế nào, sổ hồng và sổ đỏ sổ nào giá trị hơn theo quy định mới của năm 2023?
Sổ đỏ và sổ hồng khác nhau như thế nào?
Sổ đỏ và sổ hồng là cách gọi của người dân về giấy chứng nhận nhà đất dựa theo màu sắc
Giá trị pháp lý
Về giá trị pháp lý, cả sổ đỏ và sổ hồng đều có giá trị như nhau, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, sở hữu nhà đất.
Giá trị thực tế
Giá trị của cả 2 loại sổ này dựa trên giá trị thực tế của tài sản (thửa đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất). Căn cứ theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP, sổ hồng và sổ đỏ đã được thống nhất thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (ban hành bởi Bộ Tài nguyên & Môi trường).
Chính vì vậy, giá trị của từng loại sổ sẽ gắn với từng thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Giá trị thực tế của sổ đỏ và sổ hồng nằm ở giá trị của thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nên mua nhà có sổ đỏ hay sổ hồng?
Theo như phân tích ở trên, mua nhà đất có sổ hồng hay sổ đỏ đều có giá trị pháp lý như nhau và đều được pháp luật công nhận. Chính vì thế, người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất khi đã được cấp sổ hồng hoặc sổ đỏ đều là hợp pháp.
Tuy nhiên, người dân cũng cần kiểm tra các thông tin ghi trên sổ hồng/sổ đỏ một cách cẩn thận so với thực tế của mảnh đất, như thế sẽ giúp hạn chế rủi ro có thể phát sinh sau này. Những thông tin bạn cần xem kỹ, gồm: thông tin người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất là gì, thời hạn sử dụng đất bao lâu, tài sản gắn liền trên đất nếu có, hiện có đang xảy ra tranh chấp hay khiếu nại gì không,…
Tóm lại, việc mua nhà đất có sổ đỏ hay sổ hồng có giá trị pháp lý ngang nhau, cốt lõi chính là giấy chứng nhận thật - sổ thật và được cơ quan Nhà nước cấp theo quy định pháp luật.
Mua nhà đất có sổ đỏ hay sổ hồng đều có giá trị pháp lý ngang nhau.
Như vậy, với câu hỏi "sổ hồng và sổ đỏ sổ nào giá trị hơn", có thể khẳng định rằng, cả 2 loại sổ này đều có giá trị pháp lý như nhau, mua nhà có sổ hồng hay sổ đỏ đều được đảm bảo tính pháp lý.
3. Đất chưa lên thổ cư có xây nhà được không?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 về nguyên tắc sử dụng đất, người sử dụng đất phải có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích. Đất chưa lên thổ cư, cụ thể là đất nông nghiệp sẽ chỉ được sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật, tức là không bao gồm việc xây dựng nhà ở và công trình. Chính vì thế, xây nhà trên đất chưa lên thổ cư là hành vi vi phạm pháp luật.
Xây nhà trên đất chưa lên thổ cư sẽ bị phạt tiền và mức phạt căn cứ vào loại đất nông nghiệp, diện tích đất trái mục đích, đất thành thị hay đất nông thôn, để xác định tiền xử phạt. Mức tiền phạt thấp nhất đối với hành vi vi phạm này là 2 triệu đồng, số tiền phạt cao nhất là 1 tỷ đồng (Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).
Xây nhà trên đất chưa lên thổ cư sẽ bị phạt tiền và mức phạt căn cứ vào loại đất
Ngoài ra, có một số biện pháp để khắc phục hậu quả mà bạn có thể áp dụng là:
- Đăng ký đất đai theo đúng quy định đối với trường hợp đã có đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (căn cứ Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP);
- Nộp lại khoản lợi nhuận bất hợp pháp đã có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm trong 01 số trường hợp
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng đất sai mục đích mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể bị cơ quan Nhà nước thu hồi đất (căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều Điều 64 Luật Đất đai năm 2013).
Trên đây là tổng hợp thông tin dành cho những ai đang băn khoăn đất sổ hồng có được xây nhà không và một số vấn đề khác có liên quan đến sổ hồng và sổ đỏ. Hy vọng bài viết này đã mang đến bạn đọc nguồn thông tin hữu ích.