Đất TP. HCM lên "cơn sốt": Thông tin ra sao, thực ảo cỡ nào?
Hai tháng nay, giá nhà đất nhiều quận, huyện ở TP. HCM đồng loạt lên “cơn sốt”, tăng 30-40%. Thậm chí có khu vực tăng hơn 100% bởi có tin đồn quy hoạch huyện lên quận, sáp nhập các quận thành thành phố mới.
Ngoài khu vực “sốt” nhất ở các khu đất trên địa bàn Q.2, Q.9, làn sóng giá lan nhanh sang các quận, huyện vùng ven như H.Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Q.12 và cả những khu vực các tỉnh ven như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Cần Đước (Long An), Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia BĐS khuyến cáo người đầu tư nên thận trọng.
Ông Nguyễn Xuân Lộc - Tổng giám đốc Công ty BĐS Techcomreal - cho biết khi các chủ đầu tư lớn mua lại đất “vàng” ở các khu trung tâm, những nhà đầu tư vừa và nhỏ chuyển hướng đầu tư qua phân khúc rẻ hơn tại các khu vực Q.2, Q.9 và một số huyện.
Ngoài ra, đó còn là do có thông tin sáp nhập quận, huyện hoặc huyện lên thành quận.
Ngoài ra, việc TP đầu tư phát triển hạ tầng rất mạnh về hướng đông, nam và tây, cùng với những đề xuất thực hiện dự án của các chủ đầu tư lớn tại một số khu vực dẫn đến việc “cò đất” lợi dụng thổi giá làm nên “cơn sóng”.
Xem chi tiết tại đây.
Chính danh cho loại hình condotel
Ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc Công ty Quang Hưng cho biết, khi xây dựng một dự án condotel ở Vũng Tàu, ông và cơ quan chức năng nhiều lần lâm vào tình thế lúng túng. Chẳng hạn, căn hộ condotel bán cho khách hàng thì hợp đồng giao dịch là mua bán căn hộ, nhưng loại căn hộ này không có tên trong Luật Kinh doanh BĐS và không được cấp sổ chủ quyền sử dụng cho khách hàng.
Còn theo chuyên gia bất động sản Trần Đức Phượng, pháp luật đất đai hiện vẫn thiếu quy định về phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp, bởi condotel là loại căn hộ vừa sử dụng làm đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ. Theo ông Phượng, loại hình căn hộ này cũng cần được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện tại, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng được gọi bằng những tên gọi khác nhau, như bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch... Khung pháp lý cho loại hình bất động sản này hiện nay gần như chưa có quy định, nên các doanh nghiệp phải hoạt động theo Luật Kinh doanh bất động sản, đồng thời phải dựa vào các quy định pháp luật liên quan giống như Luật Du lịch, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị...
Xem chi tiết tại đây.
Phép thần nào để cải thiện giao thông đô thị?
Có nhiều nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông, nhưng đường xá phát triển chậm hơn phương tiện ai cũng nhận ra. Manila tắc nghẽn từ thập kỷ 1970’ do khuyến khích nhập khẩu , sở hữu ô tô cũ có giá từ 2.000- 3.000 USD/ chiếc. Hiện có hơn 2 triệu ô tô và 0,5 triệu Jeepny, xe máy đăng ký lưu hành.
Jakarta lại thất thủ bởi chính sách “đổi xe cũ lấy xe mới giá rẻ”, Tp có 3,5 triệu ô tô riêng và tiếp tục tăng. Bangkok, 6 triệu dân nhưng có 8,9 triệu xe. Đây là kết quả từ chính sách “chiếc xe đầu tiên” của Chính phủ từ 2011: tạo điều kiện cho tất cả những người thu nhập thấp, mới ra trường có thể sở hữu ôtô. Hà Nội cũng có hơn 0,5 triệu ô tô và hơn 5 triệu xe máy, TP.HCM có số lượng gần gấp đôi.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân ách tắc do xe máy, nhưng theo TS.Khuất Việt Hùng – Phó ban ATGT cho biết: khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM năm 2011: ô tô chiếm khoảng 8%, còn lại là xe máy. Trên đường, diện tích chiếm dụng động ở các trục đường lớn, ô tô chiếm 55%. Tại các bãi đỗ xe công cộng, ô tô chiếm trên 65%. Tắc nghẽn bởi ô tô hay xe máy tiếp tục tranh cãi , nhưng các thành phố cần có những cách tiếp cận mới nhằm cải thiện giao thông đô thị.
Xem chi tiết tại đây.
Ráo riết truy thu "đại gia" BĐS vi phạm
Theo thống kê của Đoàn thanh tra liên ngành, trong số 50 dự án được lựa chọn thanh tra có 9 dự án đã bán quỹ nhà 30%, 50% theo chỉ đạo của thành phố nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, gồm: Dự án nhà ở để bán tại cụm 9, phường Liễu Gia (Ba Đình), Dự án 141 Trương Định (Hai Bà Trưng), Dự án Skylight 125D Minh Khai (Hai Bà Trưng), Dự án nhà ở mở rộng Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm), Khu nhà ở cao tầng 102 đường Trường Chinh (Đống Đa), Dự án khu nhà ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm), Lô BT1 dự án KĐT mới Mễ Trì (Nam Từ Liêm), dự án nhà ở Trung Văn (Nam Từ Liêm, Dự án nhà chung cư N08A- 1, N017 -1 Sài Đồng (Long Biên).
Ngoài ra, có 4 dự án tự ý bán quỹ nhà 30%, 50% chưa nộp tiền chênh lệch, gồm: Dự án Skylight 125D Minh Khai (Hai Bà Trưng), Dự án khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sỹ Công an phường Đại Kim (Hoàng Mai), khu dự án nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì (Nam Từ Liêm).
Xem chi tiết tại đây.
Có tiền, nên đầu tư vào đất nền thời điểm này hay không?
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng giá đất tại TP. HCM đang lặp lại như những năm 2006 - 2008, khi thị trường sốt nóng rồi vỡ trận.
"Thị trường BĐS hiện rất nhạy cảm. Chỉ cần có chút thông tin về một dự án giao thông, quy hoạch nào đó, dù là tin đồn, thì giá đất cũng rục rịch tăng, các nhà đầu cơ thứ cấp đổ về gom đất làm giá", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, người có nhu cầu mua để ở phải cân nhắc kỹ về các yếu tố, như pháp lý của dự án, cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ chưa, số lượng khách có nhu cầu ở thực tại dự án là bao nhiêu, tránh trường hợp mua xong lại... ở một mình.
"Cảnh báo liên tục nhưng rất ít người có đủ kiến thức và tỉnh táo để đưa ra những quyết định đúng", ông Hiển nói thêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cảnh báo: “Thực chất, việc chạy đua đầu tư theo thông tin chỉ làm lợi cho duy nhất một đối tượng, đó là cò đất. Người sở hữu cuối cùng là người gánh hậu quả khi cơn sốt đi qua, và các dự án vẫn đang dở dang".
Theo chuyên gia này, nếu thực sự sử dụng tiền tiết kiệm để đi đầu tư đất nền trong thời điểm này rất dễ “kiến tạo” cho giới cò đất “ghi bàn”, vì họ đang điều khiển thị trường.
Xem chi tiết tại đây.
Ai đứng sau tạo sốt ảo giá đất ở Thanh Hà Cienco 5?
Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) được mở bán rầm rộ trên thị trường vào tháng 6/2016. Thời điểm đó, những căn liền kề chỉ có giá chênh nhẹ 10 - 30 triệu đồng với giá gốc 16 - 19 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cả nửa năm thị trường không có tín hiệu sôi động nhưng bỗng trong vòng 3 tháng nay, các cò đất đua nhau thổi giá đất tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5.
Theo ghi nhận tại dự án, nhan nhản các sàn BĐS mọc lên. Giá các khu liền kề được các cò thổi lên 50 triệu đồng/m2 so với giá trên hợp đồng là khoảng 24 triệu đồng/m2; liền kề 100m ô góc đường 60m lên tới 56 triệu đồng/m2. Khu vực gần hồ vào hợp đồng giá khoảng 16 triệu đồng/m2 hiện được rao bán với giá 26 – 27 triệu đồng/m2…
Theo lời quảng bá của một cò tại đây, giá đất dự án ở đường nào cũng tăng nhưng có những khu đặc biệt tăng đột biến như khu đường lớn và gần hồ. Khách chỉ cần ôm ngày hôm trước hôm sau đã có lãi. Để khẳng định cho khách tin, môi giới dẫn chứng: “Hôm qua, sàn bán ra 11 ô toàn giá rẻ khách mới đặt cọc 50 – 100 triệu đồng. Hôm nay chỉ cần bán cọc thôi cũng được 50 triệu đồng nhưng nhiều người không bán. Giờ ở đây mỗi ngày một giá, thậm chí giá thay đổi theo từng giờ phải cập nhật liên tục”.
Xem chi tiết tại đây.
Các nhà đầu tư Nhật Bản “quay đầu” tìm kiếm BĐS Mỹ
Thời gian gần đây, các khoản đầu tư của Nhật Bản lại một lần nữa “chảy” một phần đáng kể vào các dự án BĐS và hạ tầng giao thông ở Mỹ với tỷ lệ không thể nhìn thấy kể từ những ngày trước khủng hoảng tiền gửi và khoản vay.
Theo báo cáo của Real Estate Alert trích dữ liệu từ Real Capital Analytics cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 2, lượng mua BĐS của các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng lên con số 843,3 triệu USD so với 187,9 triệu USD cùng kỳ năm 2016.
Ông Jason Kern, Tổng giám đốc Tập đoàn LaSalle Investment ở Chicago cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến ngày một nhiều hơn các hoạt động cũng như sự quan tâm của những nhà đầu tư Nhật Bản đối với BĐS Mỹ. Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã đưa khoản đầu tư đầu tiên vào các quỹ đầu tư giá trị gia tăng trong năm qua”.
Đây là thời điểm mà người Nhật đang có những lập luận tích cực nhất đối với BĐS Mỹ kể từ những năm 1980 đến nay. Năm ngoái, vốn đầu tư từ Nhật Bản chiếm 4,3% đầu tư nước ngoài vào BĐS thương mại ở Mỹ. Con số này là một bước đột phá so với 1,8% vào năm 2015.
Xem chi tiết tại đây.