Sáng 29/8, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) mở phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 thửa đất khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc.
Diện tích các thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc từ 96 - 149m2, giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2, tương đương số tiền đặt cọc từ 450 triệu đến gần 700 triệu đồng/thửa.
Diện tích các thửa đất tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc khoảng 134m2/lô, giá khởi điểm 19,8 triệu đồng/m2, tương đương số tiền đặt cọc gần 535 triệu đồng/thửa.
Có thể thấy, khác với 2 phiên đấu giá huyện Hoài Đức và Thanh Oai, giá khởi điểm các thửa đất đấu giá ở Phúc Thọ được xác định đã cao hơn. Mức giá này được huyện Phúc Thọ xác định vào tháng 7 vừa qua theo các quy định tại Nghị định 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của UBND TP. Hà Nội. Tham gia cuộc đấu giá này, khách hàng phải nộp khoản tiền cọc bằng 20% giá trị tính theo giá khởi điểm, tương đương từ 450 - 697 triệu đồng.
Mặc dù 9 giờ phiên đấu giá mới bắt đầu nhưng từ 6 giờ sáng đã có hàng trăm người có mặt tại hội trường UBND huyện Phúc Thọ để chuẩn bị làm thủ tục vào đấu giá.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ, tham gia phiên đấu giá lần này có hơn 300 khách hàng, đăng ký mua khoảng 700 bộ hồ sơ; bước giá 200.000 đồng/m2 theo hình thức đấu giá từng thửa đất bằng bỏ phiếu kín 1 vòng để chọn ra người trúng trả giá cao nhất.
Khác với cách đấu giá nhiều vòng, người tham gia đấu giá tại huyện Phúc Thọ sẽ viết phiếu trả giá trong 1 lần. Ngay sau đó, đấu giá viên xem xét các phiếu công khai tại chỗ để xác định người trúng theo nguyên tắc trả cao nhất cho một m2 của lô đất.
Kết quả của phiên đấu giá, toàn bộ 39 lô đất đều đã bán đấu giá thành công. Trong đó, lô cao nhất trúng với giá 60 triệu đồng/m2, gấp 2,6 lần mức khởi điểm. Lô đất này có ký hiệu ĐG06, diện tích gần 149m2, theo đó người trúng sẽ phải bỏ ra khoảng 9 tỷ đồng. Lô thấp nhất có mức giá là 33,6 triệu đồng/m2, cao hơn 60% so với giá khởi điểm. Các lô còn lại có giá trúng từ 33,6 - 52,8 triệu đồng/m2.
Tại cuộc đấu giá, anh Nguyễn Ngọc Phú (Ba Vì - Hà Nội) cho biết: "Tôi thấy công tác tổ chức, quy chế của phiên đấu giá này rất chặt chẽ, rõ ràng, không lộn xộn mất thời gian. Mức tiền đặt cọc ở đây cũng cao nên sẽ loại bỏ được những người tham gia với mục đích làm nhiễu loạn thị trường".
Còn theo anh Nguyễn Văn Nghĩa - một nhà đầu tư, với giá đất tại mặt đường 32 gần đó đã khoảng 85 triệu đồng/m2, đường nhánh hẹp hơn giá dao động 50 - 60 triệu đồng/m2 thì anh sẽ trả giá khoảng 56 triệu đồng/m2 trở lên. Theo anh Nghĩa, đây là mức giá hợp lý và anh cũng không có ý định bỏ cọc bởi số tiền đặt cọc không hề ít.
Bên ngoài hội trường, những sàn giao dịch "dã chiến" nhanh chóng được lập ra ngay khi phiên đấu giá còn chưa kết thúc. Một nhóm môi giới đã mời chào để sang tay lô đất trúng đấu giá với mức chênh khoảng 300 - 600 triệu đồng, tùy thuộc vị trí và độ quan tâm của nhà đầu tư. Đơn cử, lô đất có giá trúng 40,4 triệu đồng đang được môi giới rao bán giá chênh 500 triệu đồng.
Về vấn đề ngay sau phiên đấu giá xuất hiện nhà đầu tư rao bán chênh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ chia sẻ rằng: "Phiên đấu giá được tổ chức công khai theo đúng quy định của pháp luật. Việc nhà đầu tư trúng rao bán chênh ngay là theo nhu cầu của cá nhân"./.