Aa

Dấu hỏi về “sức khỏe” mã BCE

Thứ Bảy, 30/09/2017 - 03:02

Trong bức thư gửi đến Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, nhà đầu tư Thu Hà cho biết, bà không thể hiểu được vì sao cổ phiếu BCE của Công ty cổ phần Xây dựng và Giao thông Bình Dương liên tục mất giá, dù DN này kinh doanh chưa bao giờ lỗ và hàng năm đều trả cổ tức bằng tiền.

Nỗi niềm nhà đầu tư

Niêm yết vào năm 2010 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 24.000 đồng/cổ phiếu, mã BCE hiện chỉ còn quanh mức giá 5.000 đồng. Bà Thu Hà cho biết, việc giá cổ phiếu giảm liên tục từ năm 2014 đến nay đã khiến cổ đông trung thành mất mát lớn.

Với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Nhà nước nắm hơn 50%, từ khi niêm yết đã 7 năm nay, Công ty chưa từng kinh doanh lỗ và hàng năm vẫn trả cổ tức bằng tiền,  năm thấp nhất cũng 700 đồng/cổ phiếu, có năm 1.700 đồng/cổ phiếu.

Thực tế là vậy, nhưng giá cổ phiếu này cứ giảm, có nghĩa tài sản của nhà đầu tư có được từ mồ hôi, công sức cứ bị rơi rụng dần theo thời gian.

Vấn đề khiến nhà đầu tư khó hiểu là gần đây có hiện tượng giao dịch hàng phiên, cứ vào đợt khớp lệnh đóng cửa là có một lệnh bán ATC với khối lượng chỉ 2.000 cổ phiếu. Dù chỉ với 2.000 cổ phiếu, nhưng cũng đủ để đè giá của BCE không có cơ hội đi ngang chứ đừng nói là tăng bởi lẽ với mã này phiên ATC thường ít người đặt lệnh mua.

Theo nhà đầu tư, đó là cách đặt bán không bình thường và nhà quản lý cần theo dõi sát sao để nhận diện khả năng thao túng giá.

Sức khỏe BCE ra sao?

BCE được thành lập năm 2002, trực thuộc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp (Becamex IDC, tỷ lệ sở hữu 51,82%), niêm yết trên HOSE năm 2010.

Nhờ sự hẫu thuẫn của Becamex IDC, một trong những doanh nghiệp bất động sản, hạ tầng, khu công nghiệp lớn nhất cả nước, nổi bật với dự án thành phố mới Bình Dương quy mô 10 tỷ USD, doanh thu của BCE những năm gần đây liên tục tăng, đạt hơn 800 tỷ đồng trong năm 2015 và 2016.

Bên cạnh mảng xây dựng, mảng kinh doanh bất động sản của BCE cũng ghi nhận diễn biến khả quan. Năm 2016, nhờ chuyển nhượng dự án bất động sản Hòa Lợi (Bình Dương) cho Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) trị giá 422 tỷ đồng, mảng bất động sản đã vượt mảng xây dựng, chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất (67,8%).

Tuy nhiên, năm 2016, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 19,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15,4 tỷ đồng. Biên lợi nhuận trước thuế trên doanh thu là 2,23%, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 1,22% và 4,33%, thấp hơn đáng kể so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Lợi nhuận giảm cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ chi trả cổ tức ngày càng eo hẹp, dù BCE không tăng vốn. Giai đoạn 2010 - 2013, cổ tức tiền mặt đạt 15 - 17%, nhưng 3 năm trở lại đây là 7 - 8%.

6 tháng đầu năm 2017, BCE đạt 64,2 tỷ đồng doanh thu, giảm 83%; lợi nhuận gộp 4,4 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, các loại chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính đều tăng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ hơn 3,8 tỷ (cùng kỳ lãi 13 tỷ đồng). Nếu không có “cứu cánh” từ lợi nhuận khác là 25,2 tỷ đồng, chủ yếu từ hoàn nhập bảo hành của công trình xây dựng Nhà xưởng Phú Đỉnh (24,3 tỷ đồng), BCE khó tránh khỏi thua lỗ (lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 16,8 tỷ đồng).

Sự sụt giảm mạnh tại mảng kinh doanh chủ lực là xây dựng và mới hoàn thành 12,6% kế hoạch năm 2017 (510 tỷ đồng) là một dấu hỏi lớn về sức khỏe DN. Một điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của BCE là mối quan hệ chặt chẽ với Becamex IDC kể từ khi thành lập.

Sự hỗ trợ của công ty mẹ là lợi thế của BCE, nhưng sự phụ thuộc quá lớn và lợi nhuận giảm trong khi doanh thu tăng khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Thực tế, tại một số tập đoàn, tổng công ty đã từng xảy ra tình trạng kém minh bạch trong hạch toán doanh thu, lợi nhuận giữa các đơn vị thành viên.

Lợi nhuận và cổ tức có xu hướng thu hẹp khiến thị giá cổ phiếu BCE liên tục sụt giảm kể từ giữa năm 2014 đến nay, trái ngược với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản nói riêng. Trong vòng 1 tháng qua, thị giá cổ phiếu BCE dao động dưới 6.000 đồng/cổ phiếu, với tính thanh khoản thấp. Nếu tính cả cổ tức được chia những năm qua, thì mức giá hiện tại của BCE cũng chỉ bằng một nửa so với giá chào sàn năm 2010.

Thị giá cổ phiếu BCE bằng một nửa giá trị sổ sách, nhưng nhìn sâu vào hiệu quả của DN này có thể thấy chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác và hiệu quả hoạt động không cao.

Bên cạnh đề xuất nhà quản lý giám sát giao dịch mã này, cổ đông mong rằng, BCE sẽ có giải pháp cải thiện kết quả kinh doanh và tìm ra hướng đi để khẳng định giá trị của chính mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top