Giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực
Mới đây, Báo cáo khảo sát Prime Benchmark - Xác định quy chuẩn giá thuê do Savills Châu Á – Thái Bình Dương thực hiện đã chính thức được công bố. Bản báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết bao gồm: Giá thuê, phí quản lý và các mức thuế của chính phủ tại một số BĐS trọng điểm, thuộc các thành phố khác nhau trong khu vực Châu Á.
Nội dung báo cáo khảo sát cho thấy, đồng đô la Mỹ mất giá so với hầu hết các loại tiền tệ của châu Á từ 0,6-6,8% trong nửa đầu năm 2017. Điều này được phản ánh trong việc giá thuê tính bằng đô la Mỹ của các loại hình BĐS phát sinh thu nhập tại khu vực châu Á có giá cao hơn.
Ông Troy Griffths, Phó giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Nếu so sánh trong khu vực thì giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều tòa nhà văn phòng đạt công suất cho thuê 100% và ngày càng khó tìm mặt bằng cả sàn trống, giá thuê nhiều khả năng sẽ tăng trong trung hạn”.
Ngân hàng nào cho vay BĐS nhiều nhất?
Để hấp thụ được số lượng căn hộ bán ra ngày càng nhiều, các ngân hàng cũng đồng loạt tung các gói tín dụng tài trợ vốn vay cho chủ đầu tư và người mua nhà.
Thông thường các ngân hàng sẽ phát hành bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án với chủ đầu tư, mặt khác sẽ tài trợ vốn cho khách hàng mua nhà dự án đó. Không ít trường hợp, ngân hàng cho phép thời gian ân hoạn khoản vay từ 12 đến 24 tháng.
Thống kê số liệu từ 8 ngân hàng top đầu cho thấy, dư nợ bất động sản các ngân hàng tính đến hết năm 2016 lên tới hơn 153.000 tỷ đồng, trong đó đứng đầu là BIDV với số dư nợ ngành này là gần 37.500 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng dư nợ ở nhóm này.
Về tỷ lệ tín dụng trên tổng dư nợ, đứng đầu sổ phải kể đến Sacombank với tỷ lệ 11,77%. Dư nợ bất động sản của BIDV đứng đầu về con số tuyệt đối nhưng số tương đối chỉ là 5,18% - thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Đầu tư mua bán BĐS, khách hàng phải biết tự bảo vệ mình
Thời gian qua, thị trường bất động sản tiếp tục sôi động, nhất là phân khúc đất nền, nhà phố. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với các chương trình khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, vẫn có không ít công ty làm ăn theo kiểu chụp giật, gian dối, khiến khách hàng mất cả “chì lẫn chài”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong những vụ việc như vậy , thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về khách hàng. Bởi dù phát hiện được sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị phân phối và đâm đơn khởi kiện, nhưng để đòi lại được quyền lợi, chẳng khác nào “được vạ thì má đã sưng”.
Trước những rủi ro đí, giới chuyên gia cảnh báo, trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, chủ đầu tư, hợp đồng bảo lãnh nhà ở giữa chủ đầu tư với ngân hàng theo quy định mới, cũng như lưu ý về các điều khoản cam kết trên hợp đồng để tránh những rủi ro xảy ra sau này.
Tập đoàn inox Thành Nam “tay không” có bắt được “giặc”?
CTCP Tập đoàn Thành Nam (TNI) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 19/9 và đã thông qua phương án chào bán 31,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu chào bán theo tỷ lệ 1:1,15 với giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2017 và ủy quyền cho HĐQT quyết định.
Dự kiến, số tiền thu về đạt khoảng 315 tỷ đồng, trong đó TNI sẽ đầu tư 115 tỷ đồng vào các dự án khách sạn, căn hộ và BĐS; trả nợ vay ngắn hạn 105 tỷ đồng và bổ sung vốn thực hiện các hợp đồng kinh tế là 95 tỷ đồng.
Với kế hoạch trên, có vẻ TNI đang xây dựng một định hướng phát triển BĐS nghỉ dưỡng bên cạnh ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là inox. Tuy nhiên, việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt một lĩnh vực mới ít kinh nghiệm dự báo sẽ là thử thách đối với tập đoàn này. Thứ nhất, Thành Nam vốn là doanh nghiệp chuyên cung cấp inox dạng tấm, cuộn, ống... không hề có kinh nghiệm đầu tư phát triển BĐS nghỉ dưỡng.
Các chuyên gia trong ngành dự báo nếu không phát triển đúng hướng, chỉ vài năm nữa nguồn cung sẽ vượt xa lượng cầu. Khi đó thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ ứ đọng nguồn cung. Nếu bắt đầu kinh doanh condotel thời điểm này, có thể sản phẩm của Thành Nam tung ra thị trường đúng lúc thị trường lệch cung cầu như các chuyên gia dự báo.
Ông Dương Công Minh chuẩn bị gom 18 triệu cổ phiếu Sacombank
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa công bố thông tin về việc ông
Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - đăng ký mua thêm 18 triệu cổ phiếu STB, chiếm 0,96 vốn điều lệ Sacombank, tương ứng 1% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank. Mục đích giao dịch của ông Dương Cô Minh là đầu tư cá nhân.
Nếu mua thành công 18 triệu cổ phiếu nói trên, ông Minh sẽ sở hữu gần 60 triệu cổ phiếu STB, chiếm 3,15% vốn điều lệ Sacombank, tương ứng 3,29% vốn cổ phần có quyền quyết định biểu quyết của ngân hàng này.
Tính đến ngày 25/9, giá giao dịch của STB trên sàn quanh mức 12.000 đồng/cp, với mức giá này, ông Dương Công Minh sẽ phải chi không dưới 216 tỷ đồng để có được 18 triệu cổ phiếu.