Aa

Đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An

Thứ Hai, 04/03/2024 - 14:42

Tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 với kinh phí 1.670 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035". Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.

Đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An- Ảnh 1.

Đô thị cổ Hội An nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng. (Ảnh: HX)

Sự cấp thiết của đề án

Kinh phí đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán là 1.670 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An là 1,29 tỷ đồng; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An là 180 tỷ đồng; nguồn vốn tài trợ, ODA là 200 tỷ đồng.

Theo tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Các chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển của Trung ương và tỉnh Quảng Nam ban hành mở ra cho Hội An nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng thành phố trong thời kỳ mới. Từ đó, Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An- Ảnh 2.

Xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch. (Ảnh: HX)

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP. Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển, chưa đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển. Thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, mất cân bằng trong phát triển.

Ngoài ra là những biến động khó lường về tình hình chính trị quốc tế, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu, kỷ nguyên số. Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với việc bảo tồn, xây dựng và phát triển TP. Hội An.

Đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An- Ảnh 3.

Phố cổ Hội An - một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh. (Ảnh: HX)

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp thiết đặt ra, trên cơ sở kế thừa "Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP. Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025", việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản

Theo đề án, đối tượng thực hiện bao gồm các bộ phận cấu thành của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gồm: Di sản văn hóa vật thể, hiện vật; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu; các thiết chế văn hóa; các cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; cộng đồng di sản.

Đề án thực hiện trên phạm vi địa bàn TP. Hội An (trọng tâm là khu phố cổ Hội An) và một số khu vực của các địa phương lân cận địa bàn thành phố có quan hệ đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.

Đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An- Ảnh 4.

Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An. (Ảnh: HX)

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An theo đúng nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, theo phương châm "bảo tồn để phát triển" và "phát triển để bảo tồn".

Mục tiêu của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh; tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một "Di sản sống"…

Đến năm 2030, 100% di tích đã được xếp hạng xuống cấp được trùng tu, tôn tạo; 100% di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị; 100% di tích đã xếp hạng, nằm trong danh mục bảo vệ có phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị; 100% thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp; 100% di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An- Ảnh 5.

Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An nhằm gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng. (Ảnh: HX)

Đến năm 2035, bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản; 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị; nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

TP. Hội An là một trong 18 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Nam; nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, cách quốc lộ 1A khoảng 9km về phía Đông, cách TP. Đà Nẵng 25km về phía Đông Nam, cách TP. Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) 50km về phía Đông Bắc.

Tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố là 6.171,25ha; phần đất liền có diện tích 4.850ha (chiếm 73,50%), trong đó diện tích đất 3.669ha và diện tích mặt nước 1.180,3ha. Cách đất liền 15km là xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), bao gồm nhiều hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 1.654ha (chiếm 26,50% tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố).

Hiện nay TP. Hội An có 9 phường (gồm 55 khối phố) và 4 xã (gồm 22 thôn). Theo kết quả thống kê năm 2022, dân số toàn thành phố có 100.503 người. Trong đó, dân số thành thị 75.030 người, dân số nông thôn 25.533 người. Hội An cũng là nơi có cộng đồng người Hoa định cư làm ăn sinh sống từ bao đời nay, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An.

Đến nay, Hội An đã có 6 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 6 nghệ nhân được công nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều loại hình di sản đã và đang có nguy cơ mai một được đầu tư phục hồi, duy trì.

Các làng nghề bảo tồn được cảnh quan, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm xây dựng phương án bảo tồn và phát huy gắn với tham quan du lịch đạt kết quả tốt; nghề thủ công truyền thống, kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, văn hóa ẩm thực đặc sắc… cũng được nâng tầm và trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top