Aa

Quảng Nam: Tạo nguồn lực thu hút nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa quy hoạch

Thứ Ba, 27/02/2024 - 15:11

Để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Nguyễn Hưng cho biết, địa phương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên 4 trụ cột chính là du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số.

Quảng Nam: Tạo nguồn lực thu hút nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa quy hoạch- Ảnh 1.

Để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm. (Ảnh: Huy Hoàng)

Quảng Nam cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng xây dựng chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.

Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận, trong vùng và cả nước trong công tác bảo vệ môi trường. Thúc đẩy mối liên kết với TP. Đà Nẵng; liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm.

Quảng Nam: Tạo nguồn lực thu hút nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa quy hoạch- Ảnh 2.

Mục tiêu của quy hoạch tỉnh là đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vào năm 2030; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo ông Nguyễn Hưng, Quảng Nam cũng sẽ nghiên cứu áp dụng các mô hình thực tiễn quản lý phát triển đô thị, nông thôn ở một số nước, một số khu vực có điều kiện tương đồng với tỉnh. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng gắn với đô thị hoá…

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đồng thời, có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Quảng Nam: Tạo nguồn lực thu hút nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa quy hoạch- Ảnh 3.

Quảng Nam định hướng thành trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. (Ảnh: Huy Hoàng)

Đáng chú ý trong đó là đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F. Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Về phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, Quảng Nam sẽ đầu tư phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển", phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây.

Quảng Nam: Tạo nguồn lực thu hút nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa quy hoạch- Ảnh 4.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam hướng Cụm Chu Lai thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh: Huy Hoàng)

Cụ thể, vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Đây là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Vùng Tây gồm các huyện miền núi. Đây là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, tại Quảng Nam cũng được định hướng hai cụm động lực gồm Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top