Aa

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, cần quan tâm gì?

Thứ Sáu, 30/07/2021 - 15:00

Khi tham gia đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có thể quan tâm đến chất lượng tài sản thông qua các chỉ số về tỷ lệ bao nợ xấu, nợ xấu, lợi nhuận... và một số yếu tố khác.

Để đánh giá được một cổ phiếu ngân hàng nào đó có tiềm năng hay không, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TPBank cho rằng, nhà đầu tư có thể phân tích dựa trên các chỉ số P/B (giá của một cổ phiếu so với giá trị sổ sách), P/E (mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) và đánh giá thêm một số vấn đề về chất lượng tài sản của một ngân hàng như: tỷ lệ bao nợ xấu, nợ xấu, hay cơ cấu về tiền gửi không kỳ hạn (CASA)...

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, cần quan tâm gì
Ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tốt, cao hơn 100% đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đó tốt

Trong đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được hiểu là dự phòng của ngân hàng để bù đắp toàn bộ nợ xấu đang có. Nhưng phải nói rõ rằng, việc các ngân hàng trích dự phòng, phải tuân thủ quy định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Cho nên, một khi phát sinh khoản nợ xấu, ngân hàng sẽ lập tức trích dự phòng cho khoản đó. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải trích dự phòng chung trên toàn bộ khoản cho vay ra, bằng 0,75% trên số dư nợ cho vay của tổng danh mục ngân hàng.

“Việc các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tốt, cao hơn 100% đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu của họ tốt và duy trì được số nợ xấu hiện tại, đến thời điểm cuối của báo cáo tài chính thấp hơn số dự trữ đang có. Nếu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, không những ngân hàng có thể trích đủ dự phòng, mà còn dùng dự phòng đó để xóa các khoản nợ xấu lâu ngày, khiến tỷ lệ nợ xấu thấp xuống”, ông Hưng phân tích.

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI, ngân hàng là một hình thức doanh nghiệp có những chỉ số rất đặc thù khi đánh giá hiệu quả hoạt động. Dưới góc độ một nhà đầu tư, sẽ có hai nhóm chỉ số chính cần quan tâm:

Thứ nhất là chất lượng tài sản với hai chỉ số nợ xấu và bao nợ xấu. Đối với nợ xấu, có thể thấy, mức độ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 là thời điểm xấu nhất của chu kỳ kinh tế trước, khoảng 2,25%. Đến nay, mức trung bình ghi nhận được trên báo cáo tài chính các ngân hàng niêm yết chỉ còn khoảng 1,3%.

Thứ hai là các chỉ số hiệu quả hoạt động, trong đó có một vài chỉ số nhà đầu tư có thể sử dụng được như ROE là chỉ số rất quan trọng thể hiện thu nhập trên vốn chủ sở hữu, hay chỉ số CIR là chỉ số trên thu nhập ngân hàng và chỉ số NIM thể hiện biên lợi nhuận của ngân hàng.

“Điều quan trọng nhất ở đây là, ROE càng cao sẽ càng tốt đối với các ngân hàng. Trong giai đoạn 2012 - 2016, ROE trung bình của các ngân hàng chỉ khoảng 10,5 - 12%. Tuy nhiên gần đây, các ngân hàng đã có bước tăng trưởng vượt trội, đạt đến gần 20% và cá biệt có ngân hàng đạt ROE cao hơn 20%”, bà Phương đánh giá.

Mặc dù yếu tố khách quan do dịch bệnh COVID-19 gây ra, sẽ ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và không thể tránh khỏi ngân hàng; tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn chưa đặt ra vấn đề có điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận hay không. Ông Nguyễn Hưng nhận định, trong tháng 7, tháng 8, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ rất rõ và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng cả năm, nhưng đâu đó ngành ngân hàng đã lường trước được những ảnh hưởng này.

Mặt khác, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có ban hàng Thông tư 03 sửa đổi cho Thông tư 01/2020 về việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm trước, trong đó cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ, giảm nợ, giảm lãi, thì thực tế các ngân hàng năm nay cũng sẽ bị trích dự phòng bổ sung cho phần đó và sẽ làm giảm lợi nhuận năm 2021 đáng kể rồi. "Không có chuyện cơ cấu lại nợ tính theo đúng nhóm nợ thì những khoản nợ đó sẽ trở thành nhóm bốn nhóm năm theo nợ xấu, và ngân hàng vẫn phải trích đủ dự phòng phần đó để không ăn trước trả sau, nhưng cũng đừng lạc quan quá về kế hoạch lợi nhuận", ông Hưng nói.

Trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, ngân hàng sẽ không có câu chuyện tiếp cận khách hàng, tiếp xúc tư vấn, hay làm dịch vụ. Nhưng ngược lại, ngân hàng lại tiết kiệm được khá nhiều chi phí, vì khả năng thích nghi của hệ thống ngân hàng tương đối tốt so với các ngành khác.

Cũng theo ông Hưng, gần như ngân hàng vẫn duy trì được các hoạt động bình thường trên nền tảng online, các hoạt động đều diễn ra bình thường, cho nên, những nghiệp vụ chính về sinh lời trên các kênh đầu tư và các mảng dịch vụ trên thị trường tài chính tiền tệ vẫn có cơ hội tốt.

“Chúng tôi ước tính, khi giao dịch trên các nền tảng điện tử thì chi phí chỉ bằng khoảng 1/30 - 1/50 so với chi phí truyền thống, khi phải duy trì bằng con người. Việc giảm chi phí đó, cùng sự tiết kiệm ở các hạng mục sẽ bù đắp được những ảnh hưởng tiêu cực”.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là, thực tế hiện nay, “room” tín dụng với ngân hàng không còn dồi dào, thậm chí khá là ít như định hướng của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn bộ nền kinh tế chỉ khoảng 12%. Ngân hàng Nhà nước cũng đang kiểm soát rất chặt tỷ lệ này và phân bổ cho các ngân hàng cũng khác nhau, tùy theo ngân hàng nào tốt thì sẽ được nhiều, ngân hàng nào vừa phải thì được ít hơn.

Còn theo bà Hoàng Việt Phương đánh giá, mặc dù hoạt động kinh tế có bị chậm lại, nhưng nhu cầu nói chung và mức độ thâm nhập của các dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng, đặc biệt nhờ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nên việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng dễ hơn. Theo quan sát của SSI, trong nửa đầu năm nay, phần tăng trưởng tín dụng đang nghiêng về phía ngân hàng bán lẻ, nghĩa là các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân rất nhiều. Điều này ngược hẳn so với năm 2020 và đó cũng là một dư địa tăng trưởng lớn cho các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng, bên cạnh việc đẩy tín dụng cho khách hàng lớn về các hoạt động đầu tư công./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top