Aa

Đầu tư khách sạn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có dấu hiệu phục hồi

Chủ Nhật, 05/12/2021 - 06:18

Khu vực Bắc Á dẫn đầu tăng trưởng phân khúc khách sạn với nhiều giao dịch lớn, trong khi thị trường Đông Nam Á được dự đoán sẽ phục hồi dần sau khi mở lại hoạt động du lịch quốc tế.

Mới đây, Savills - tập toàn cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu đã công bố báo cáo về mua bán và đầu tư khách sạn (Hotel sales and investment) khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo đã chỉ ra, phân khúc khách sạn tại khu vực trong quý III/2021 ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể với hoạt động đầu tư sôi nổi, chủ yếu từ các nhà đầu tư nội địa. 

Cụ thể, trong quý III, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận khối lượng đầu tư khách sạn là 2,2 tỷ USD với 43 giao dịch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. 75% giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư nội địa. Những thị trường sôi động nhất trong quý bao gồm khu vực Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc và Thái Lan.

đầu tư khách sạn, châu á thái bình dương, khách sạn, bất động sản, mua bán khách sạn
Biểu đồ thể hiện số lượng giao dịch đầu tư khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2013 đến năm 2021. (Nguồn: Savills Hotel)
đầu tư khách sạn, châu á thái bình dương, khách sạn, bất động sản, mua bán khách sạn
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ giao dịch mua bán khách sạn trong quý III theo vị trí địa lý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: Savills Hotel)

Khu vực Bắc Á: Giao dịch mua bán khách sạn với giá trị lớn 

Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu khu vực với tổng giá trị giao dịch trong quý đạt 590 triệu USD, cao hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái với 168 triệu USD. Giao dịch lớn nhất là thương vụ mua bán khách sạn Torch Tokyo Tower và một hội trường lớn 200 chỗ ngồi giữa Tập đoàn Mitsubishi Group và công ty Tokyo Venture Corporation với giá trị lên đến 508 triệu USD. 

đầu tư khách sạn, châu á thái bình dương, khách sạn, bất động sản, mua bán khách sạn
Khách sạn Torch Tower. (Nguồn: Courtesy of Mitsubishi Sekkei Inc)

Thị trường đầu tư khách sạn tại Nhật Bản cũng liên tiếp ghi nhận nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Khu nghỉ dưỡng tích hợp trên đảo Yumeshima, nằm dọc theo Cảng Osaka và địa điểm diễn ra World Expo 2025, hiện đang được phát triển bởi MGM Resorts International (công ty cung cấp dịch vụ khách sạn và giải trí có trụ sở tại Hoa Kỳ) và Tập đoàn ORIX của Nhật Bản. Đầu tư ban đầu của dự án ước tính khoảng 9,5 tỷ USD. 

Ngoài ra, SC Capital Partners (công ty bất động sản tư nhân có trụ sở tại Singapore) đã công bố một quỹ đầu tư mới trị giá 525 triệu USD nhằm mua lại các khách sạn Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh kéo dài. Nhóm nghiên cứu của Savills dự đoán thị trường khách sạn Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng nếu ngành du lịch được mở cửa trở lại. 

Bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là thị trường sôi động của hoạt động đầu tư mua bán khách sạn với 10 giao dịch, tổng giá trị đạt 253 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 10 giao dịch này đều đến từ nhà đầu tư nội địa, 90% giao dịch diễn ra tại Thủ đô Seoul. 

Giao dịch đáng chú ý nhất được thực hiện bởi công ty đầu tư bất động sản lớn nhất Hàn Quốc - IGIS Asset Management. Công ty này đã mua lại khách sạn 288 phòng Tmark Hotel Myeongdong với giá 82 triệu USD và khách sạn 247 phòng Ramada Encore Dongdaemun Hotel với giá 50 triệu USD. Đồng thời, công ty này cũng ký biên bản ghi nhớ mua lại một khách sạn 680 phòng với công ty City Development Limited đến từ Singapore. Giá trị của giao dịch này lên đến 849 triệu USD và được dự đoán sẽ hoàn tất vào quý IV năm 2021. 

đầu tư khách sạn, châu á thái bình dương, khách sạn, bất động sản, mua bán khách sạn
Khách sạn Tmark Hotel Myeongdong. (Nguồn: Agoda)

Trung Quốc: Chỉ số phục hồi mạnh mẽ nhất khu vực

Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, thị trường khách sạn Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm ngoái - chỉ số phục hồi tốt nhất của thị trường khách sạn khu vực. Đầu tư khách sạn quý III/2021 của Trung Quốc đạt tổng giá trị lên đến 226 triệu USD với 9 giao dịch, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) cũng có dấu hiệu khởi sắc với một giao dịch đáng chú ý đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Khách sạn Butterfly on Prat với 158 giường được mua lại bởi công ty bất động sản Hines của Hoa Kỳ với giá 128 triệu USD. Dự đoán thị trường khách sạn tại đây sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. 

Cùng với Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) cũng là thị trường khách sạn sôi động với 6 giao dịch đạt tổng giá trị 265 triệu USD, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái nếu xét về khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, nếu không tính đến giao dịch mua bán Sun World Hotel (chiếm 98% tổng khối lượng giao dịch quý III/2020), quý III/2021 vẫn được tính là thời điểm thị trường khách sạn của Đài Loan có sự phục hồi mạnh mẽ. Một số giao dịch đáng chú ý có thể kể đến như khách sạn Holiday Garden Hotel được mua bởi công ty Wing Shuo Investment với giá 96 triệu USD hay khách sạn Taipei Fushin Hotel được mua với giá 66 triệu USD bởi công ty Tonglit Logistics. 

đầu tư khách sạn, châu á thái bình dương, khách sạn, bất động sản, mua bán khách sạn
Khách sạn Taipei Fushin Hotel. (Nguồn: Agoda)

Thái Lan: Tăng trưởng đầu tư khách sạn nhờ phát triển du lịch 

Những chính sách thúc đẩy du lịch của Thái Lan trong quý III, đặc biệt là chiến dịch Phuket Sandbox bắt đầu từ tháng 7 đã giúp thị trường khách sạn nghỉ dưỡng và resort của nước này ghi nhận những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. 

Nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, tập đoàn Outrigger Hospitality Group đã mua lại thương hiệu Manathai Hotels and Resorts, bao gồm các khách sạn của Manathai tại Koh Samui, Khao Lak và Phuket. Tập đoàn này dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trở thành thương hiệu nghỉ dưỡng bãi biển tầm cỡ thế giới. 

Chiến dịch Phuket Sandbox đã thu hút 17.000 khách du lịch quốc tế chỉ trong tháng đầu triển khai. Theo đó, từ tháng 7 - 9/2021, du khách đã đặt gần 335.000 phòng khách sạn qua đêm tại hòn đảo Phuket. 

đầu tư khách sạn, châu á thái bình dương, khách sạn, bất động sản, mua bán khách sạn
Hòn đảo Phuket (Thái Lan) nhộn nhịp khách du lịch trong khuôn khổ chiến dịch Phuket Sandbox. (Ảnh: Travel Daily)

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu Savills, những quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang hướng tới việc “chung sống với Covid-19” và dần mở cửa biên giới cho các hoạt động thương mại quốc tế đồng thời tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Hoạt động đầu tư vào khách sạn trong khu vực đang bắt đầu giai đoạn tăng trưởng trong sự chuẩn bị cho phục hồi sau đại dịch. 

Nhìn chung, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đều đang xây dựng và phát triển những chiến lược kinh tế - xã hội nhằm phục hồi thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là phân khúc liên quan đến du lịch và đầu tư quốc tế như khách sạn, nghỉ dưỡng. 

Việc mở cửa biên giới và nới lỏng giãn cách là yếu tố khách quan cần thiết để thị trường đầu tư khách sạn tiếp tục theo đà tăng trưởng cho đến hết năm và sang năm 2022. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron (biến chủng mới của virus Sar-CoV-2) tại một số quốc gia châu Âu, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và ngành du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top