Doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật?
Công ty Cổ phần Real Stake Fintech, có địa chỉ tại 222 Điện Biên Phủ, phường 7, Quận 3, TP.HCM là chủ sở hữu và vận hành của nền tảng đầu tư và tích lũy Infina, vốn là “phiên bản nâng cấp” của nền tảng đầu tư mua chung bất động sản Real Stake. Thông qua Infina, Real Stake Fintech cung cấp cho khách hàng nhiều hình thức đầu tư sinh lời thông qua các “sản phẩm tài chính” bao gồm: Chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ và tích lũy.
Tuy nhiên, các sản phẩm tài chính này lại không phải là sản phẩm của Real Stake Fintech mà là của đơn vị khác. Cụ thể như chứng chỉ tiền gửi là của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit); chứng chỉ quỹ thì do Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Mirae Asset Việt Nam, Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt và Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam phát hành. Duy chỉ có sản phẩm có tên tích lũy là “chính chủ” của doanh nghiệp này.
Vấn đề đặt ra là liệu có đủ an toàn để đầu tư vào các sản phẩm tài chính trên Infina?
Qua tìm hiểu, cơ chế đầu tư sinh lời của Infina hoạt động như sau: Khách hàng cài đặt ứng dụng Infina, lựa chọn hình thức đầu tư - Infina nhận tiền từ khách hàng, gom lại thành một khoản lớn để mua chứng chỉ tiền gửi/chứng chỉ quỹ của đơn vị khác - Infina nhận tiền lãi từ đơn vị phát hành chứng chỉ tiền gửi/ chứng chỉ quỹ để trả cho các khách hàng.
Có thể thấy, hoạt động của Infina khá giống với hình thức một tổ chức tài chính trung gian, tức là đứng giữa hai hay nhiều bên tham gia vào thị trường tài chính. Tài chính trung gian thường có một bên chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ, một bên là khách hàng hay người tiêu dùng. Các tổ chức trung gian tài chính có thể là các ngân hàng, các hiệp hội cho vay, các liên hiệp tín dụng, các công ty bảo hiểm, các công ty tài chính.
Theo đăng ký kinh doanh được cấp ngày 23/10/2020 của Công ty Cổ phần Real Stake Fintech thì ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp này là “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu” với mã ngành 6619. Được biết, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định, cụ thể như sau: Công ty tài chính là 500 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ đồng và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng là 30 tỷ đồng.
Thế nhưng, vốn điều lệ mà Real Stake Fintech bỏ ra khi thành lập mới chỉ có 1 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định pháp luật thì trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, vốn điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định. Trong trường hợp này, vốn điều lệ cần thiết của Real Stake Fintech phải nhiều hơn hoặc bằng 500 tỷ đồng.
Cũng theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác) là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Chiếu theo quy định trên, thì việc Infina nhận tiền gửi qua hình thức tích lũy của cá nhân là đã vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, với việc không đáp ứng đủ vốn pháp định, vốn dĩ Real Stake Fintech còn không đủ điều kiện hoạt động, không thể là một công ty tài chính. Liệu rằng, đầu tư vào một doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh có an toàn?
Khách hàng “nắm đằng lưỡi”
Theo những lời quảng cáo trên website Infina.vn thì: “Chứng chỉ tiền gửi (CCTG) trên Infina giúp khách hàng có thể đầu tư vào những CCTG có lợi nhuận cao (8 - 9%/năm) mà trước đây rất khó tiếp cận do yêu cầu phải có số vốn lớn (>100 triệu đồng) và nhiều rào cản khác. Với sản phẩm CCTG trên Infina, khách hàng có thể dễ dàng bắt đầu đầu tư với số tiền đầu tư phù hợp, tối thiểu chỉ từ 500.000 đồng mà không cần thủ tục, quy trình phức tạp.”
Đi sâu tìm hiểu, PV được nhân viên tư vấn của Infina cho hay: Infina sẽ thay mặt cho các khách hàng để thỏa thuận mua các CCTG có lãi suất cao như đã hiển thị, sau đó, khi có nhiều khách hàng cùng gửi tiền vào sẽ mang đi mua CCTG. Trường hợp không đủ số tiền như bên công ty quản lý quỹ/ngân hàng yêu cầu, Infina sẽ dùng tiền của công ty để góp vào mua chung CCTG này.
Như vậy, nhân viên tư vấn đã ngầm khẳng định, khách hàng tham gia đầu tư vào CCTG với Infina thực chất là bỏ tiền ra, chung vốn góp với nhiều người để mua CCTG của công ty Quản lý quỹ hoặc ngân hàng hoặc một bên thứ ba khác.
Điều 5 Thông tư số 01/2021/TT-NHNN quy định rõ: “Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Như vậy, dù khách hàng là người bỏ tiền ra để mua CCTG thì người đứng tên sở hữu CCTG này lại là Real Stake Fintech chứ không phải khách hàng.
Bên cạnh đó, theo quy định trong hợp đồng điện tử được ký kết khi khách hàng chấp thuận đầu từ với Infina thì: “Real Stake Fintech được miễn trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có lỗi của hệ thống máy chủ hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật, hoặc bất kỳ lỗi kỹ thuật nào liên quan mà không phát sinh hoặc gây ra bởi lỗi cố ý của công ty”. Với quy định này, khách hàng sẽ gặp rủi ro là hoàn toàn không có khả năng được bồi hoàn số tiền đầu tư khi công ty Real Stake Fintech chứng minh họ không có lỗi cố ý để miễn trừ trách nhiệm.
Đồng thời, cả ứng dụng đầu tư và tích lũy Infina lẫn trang website www.infina.vn của Công ty Cổ phần Real Stake Fintech cũng chưa được đăng ký hay thông báo với Bộ Công Thương. Điều này làm dấy lên nghi vấn về tính xác thực của những giao dịch được thực hiện thông qua ứng dụng này, cũng như khả năng thu hồi vốn của khách hàng.
Cùng đầu tư chung với một hay nhiều người luôn mang lại lợi thế về số vốn phải bỏ ra thấp hơn nhiều với việc tự đầu tư. Thế nhưng, nhà đầu tư cần xác định rõ ai mới là người thực sự nắm quyền sở hữu của tài sản, bất động sản được đầu tư. Bởi lẽ, khi có vấn đề pháp lý xảy ra, rất khó để phân minh quyền và lợi ích chính đáng mà nhà đầu tư được hưởng./.