Ngày 4/12, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết đã có thông báo mời các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước tham gia cuộc thi “Phương án quy hoạch kiến trúc quảng trường - bảo tàng dọc trục Trung tâm Hành chính thành phố - Bạch Đằng - Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan", với dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo thông báo, mục tiêu đầu tư quảng trường trung tâm Đà Nẵng là một không gian công cộng lớn, là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị và hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách.
Đây cũng sẽ là một điểm đến năng động về đêm, là một không gian công cộng đa năng và đa dạng với sự kết hợp những yếu tố kiến trúc, cảnh quan công trình, cây xanh, mặt nước…
Phạm vi quy hoạch quảng trường trung tâm TP. Đà Nẵng có tổng diện tích 16,2ha, chia làm 3 khu vực. Cụ thể, khu A có diện tích hơn 10,6ha, giới hạn bởi các đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng, Quang Trung, bờ tây sông Hàn. Khu B có diện tích hơn 2,3ha, tại vị trí bến du thuyền (cảng Sông Hàn). Khu C có diện tích hơn 3,1ha, giới hạn bởi các đường Trần Phú, Quang Trung, bờ tây sông Hàn, cầu Sông Hàn (trong đó bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng tại số 42-44 Bạch Đằng và số 31 Trần Phú; Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng).
Phạm vi nghiên cứu mở rộng khu vực quy hoạch gồm: Toàn bộ đường Bạch Đằng và khu vực bờ sông Hàn từ cầu Sông Hàn đến công viên Hòa Bình (cuối đường Bạch Đằng); các tuyến đường xung quanh khu vực quy hoạch gồm: Trần Phú, Lý Tự Trọng, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh.
Trong phạm vi quy hoạch có các công trình cao tầng gồm: Khách sạn Novotel (cao 37 tầng), Khu công viên phần mềm số 1 (cao 19 tầng), Trung tâm Hành chính thành phố (34 tầng); Khu di tích quốc gia, đặc biệt Thành Điện Hải; cột chỉ đường cổ nhất và duy nhất còn sót lại của đô thị Tourane trước đây tại góc đường Bạch Đằng - Thành Điện Hải; bãi đỗ xe phía nam Trung tâm Hành chính thành phố; công viên phía bắc Thành Điện Hải; công viên phía nam khách sạn Novotel; sân tennis, cửa hàng cà phê Indochina và khu vực sân công cộng (quy hoạch vườn sách theo quy hoạch đã duyệt); nhà hàng và bến du thuyền; khu dân cư hiện hữu theo các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh, Lý Tự Trọng...
Chính quyền thành phố cũng đưa ra nội dung định hướng cho cuộc thi. Trong đó, nhấn mạnh việc tổ chức lại không gian kiến trúc cảnh quan khu vực phía Đông thành Điện Hải thành quảng trường công cộng hướng ra sông Hàn kết nối với bảo tàng, Thư viện Khoa học tổng hợp, Khách sạn Hilton ở phía Nam và khu vực cảng Sông Hàn ở phía Bắc, các công trình công cộng dọc 2 bên ranh giới quảng trường là Quang Trung và Lý Tự Trọng. Đồng thời, toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng tương lai tổ chức thành tuyến phố đi bộ dọc sông Hàn kéo dài từ chân cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước nhằm tạo thành một trục không gian thống nhất.
Định hướng xây dựng khu vực sân tennis hiện trạng và khu vực sân công cộng thành bãi đậu xe ngầm, đáp ứng nhu cầu đỗ xe cho khu vực trung tâm hiện đang chưa đảm bảo nhu cầu... Đồng thời, có đề xuất đối với khu vực nhà hàng bến du thuyền hiện hữu, có thể xem xét chuyển đổi công năng phục vụ du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật đương đại.
Đối với Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, định hướng giữ lại bảo tồn nguyên trạng, tổ chức lại các lối giao thông tiếp cận và bổ sung cây xanh, cải tạo lại cảnh quan xung quanh di tích. Trong đó, khu vực phía Bắc sẽ giải phóng các chướng ngại vật để mờ thoáng không gian trống, không cho phép xây dựng bất cứ công trình ngầm hoặc nổi nào trong phạm vi hiện trạng khu vực. Khu vực phía Nam sẽ khôi phục cổng thành phía Nam như nguyên gốc đồng thời cải tạo toàn bộ cảnh quan khu vực Trung tâm phần mềm...
Các công trình cao tầng gồm Trung tâm hành chính cao 34 tầng, Khách sạn Novotel cao 37 tầng, Công viên Phần mềm số 1 cao 19 tầng xác định giữ lại để tạo điểm nhấn về kiến trúc cho khu vực quy hoạch, cải tạo kiến trúc cảnh quan và giao thông xung quanh kết nối đồng bộ với quảng trường.
Về mặt kinh tế, việc đầu tư xây dựng tiết kiệm phù hợp với điều kiện địa phương, vận hành duy tu phù hợp, tiết kiệm. Yêu cầu phương án dự thi phải có khái toán tổng mức đầu tư xây dựng dự án, trong đó nêu rõ khái toán tổng kinh phí bao gồm cả chi phí thiết kế và các chi phí khác có liên quan, thể hiện suất đầu tư từng hạng mục, cơ sở tính toán đồng thời phân tích sơ bộ hiệu quả kinh tế, đề xuất phương thức đầu tư phù hợp có khả năng xã hội hóa. Đồng thời, lập khái toán kinh phí đầu tư, phương án thiết kế đảm bảo theo tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là hơn 1.018 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù khoảng hơn 136 tỷ đồng./.