Aa

David Hunt, nhà sử học của nông dân Nam bộ

Thứ Ba, 13/08/2019 - 06:30

Lần đầu tiên tôi gặp David Hunt là năm 1990 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Ông không phải là một nhà văn, ông là một nhà sử học.

Đã có lúc có người nghĩ ông là một nhân viên CIA. Bởi sau năm 1975, ông đã từng đến Mỹ Tho, một mảnh đất xa xôi ở miền Nam Việt Nam để “lùng sục” những tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh và để phỏng vấn nhiều người dân ở đó một cách tỉ mỉ đáng “nghi ngờ”. 

Giờ thì tất cả những gì ông lùng sục, ông nghiên cứu, ông phỏng vấn trong suốt 15 năm đã được công bố trong cuốn sách có tựa đề Cuộc cách mạng ở Nam Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi gặp David Hunt là năm 1990 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Ông không phải là một nhà văn, ông là một nhà sử học. 

Nhưng lúc đó, ông là đồng Chủ tịch của Trung tâm William Joiner, Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh của Đại học Massachusetts. Nghiên cứu của trung tâm này lại chủ yếu thông qua các tác phẩm văn học và các công trình khác của nhà văn. 

 Bởi thế Trung tâm có một quan hệ chặt chẽ với các nhà văn Việt Nam đặc biệt là các nhà văn cựu chiến binh. Nhưng rồi ông không làm ở Trung tâm này nữa. Ông xin thôi chức đồng Chủ tịch và giành thời gian nhiều hơn cho công việc của của một nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tại trường Đại học Massachusetts.

Chiến tranh Việt Nam đã trở thành mối quan tâm quá lớn của người Mỹ đặc biệt những nhà sử học Mỹ. Trong suốt cuộc chiến tranh này và sau khi nó kết thúc, David Hunt luôn chìm đắm trong những thông tin và tư liệu về cuộc chiến. 

Một lần, ông đã đọc được một tài liệu đặc biệt: Đó là văn bản những cuộc hỏi cung của Quân đội Mỹ với những người lính Việt cộng ở Mỹ Tho. Mà hầu hết những Việt cộng này lại là những người nông dân hiền lành và chất phác vẫn ngày ngày cày cấy trên những cánh đồng châu thổ trù phú của họ. 

Ông vô cùng ngạc nhiên trước ý chí bất khuất và khát vọng tự do bất diệt của những người nông dân này. Với ông, đó chính là một trong những câu trả lời thuyết phục nhất vì sao người Việt Nam lại có thể đi qua sự tàn khốc của cuộc chiến để đến chiến thắng cuối cùng của họ. 

Những người nông dân ấy không phải là một đội quân tinh nhuệ được huấn luyện và trang bị hiện đại, họ chỉ là những người yêu tự do và đấu tranh cho tự do như mọi con người trên thế giới này mà.

Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, David Hunt đã đến Việt Nam. Từ những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, ông đã tìm đến Mỹ Tho, nơi ông mới chỉ biết qua các tư liệu liên quan đến vùng đất này từ những tài liệu kể cả những tài liệu đã được giải mật. 

Thời gian đó, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn hết sức căng thẳng. Bởi thế, một người Mỹ tìm đến Mỹ Tho rồi “dò hỏi” đủ thứ chuyện liên quan đến những hoạt động gọi là hoạt động cách mạng của vùng đó sẽ không tránh khỏi sự nghi ngờ của chính quyền và người dân. 

Hơn thế, thời gian đó rất nhiều người Việt Nam khó có thể thể tin vào thiện chí của một người ở phía đối lập với đất nước họ và họ càng không hiểu được sự kỹ lưỡng và nghiêm túc về chuyên môn của một nhà nghiên cứu như thế nào. 

Nhưng đến bây giờ, khoảng hai mươi năm sau thời điểm mà David Hunt đến Mỹ Tho thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Bây giờ, việc những người Mỹ đến Việt Nam và đi sâu vào ngõ nghách đời sống của người Việt Nam là một chuyện quá bình thường. 

Nhưng ngày đó, nếu không vì một mục đích trong sáng, không vì khao khát khám phá và ước muốn chứng minh một chân lý với sứ mệnh của một nhà sử học thì David Hunt đã không đến Mỹ Tho.

Trong lời giới thiệu cuốn sách của Nhà xuất bản báo chí Đại học Massachuetts có đoạn viết: Chính quyền Mỹ đã từng thề sẽ đánh bại lòng nhiệt huyết và tinh thần của người Việt Nam. Cụm từ “chiến tranh dân tộc” đã trở nên phổ biến trong giới những người lãnh đạo và ủng hộ các cuộc nổi dậy chống lại chiến tranh. 

Nhà sử học David Hunt

Nhưng, trong khi có rất nhiều các bài viết về những người được coi là đại diện tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, thì có một điều đáng ngạc nhiên là chúng ta lại biết quá ít về cuộc sống hàng ngày của những người nông dân - một tầng lớp chiếm phần đông dân số đất nước này. Cuốn sách này sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ vấn đề trên.

Theo David Hunt, cuộc sống hàng ngày của những người nông dân chính là văn hóa. David Hunt nói: Không có cuộc chiến tranh nào hủy diệt được văn hóa. Và văn hóa tồn tại trong chính mỗi con người bình dị nhất. 

Đối với Quân đội Mỹ lúc đó, những người nông dân đã không được biết đến như những con người ở mọi xứ sở yêu đất đai của họ và một cuộc sống thanh bình mà họ chỉ được biết đến với cái tên “Việt cộng”. Và thế, những người Mỹ liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam hình như chỉ tìm cách lý giải đối phương theo cách lý giải một đội quân dựa vào trang bị vũ khí và các chiến thuật, chiến lược quân sự. 

Nếu lý giải như thế thì việc một đội quân chuyên nghiệp với một tổ chức phục vụ chiến tranh khổng lồ như Quân đội Mỹ thì những “Việt cộng” kia sẽ bị đè bẹp trong một thời gian ngắn. Đấy chính là sai lầm của những người thực hiện cuộc chiến tranh ở Việt Nam. 

Sau năm 1975, người Mỹ mới bắt đầu hiểu ra Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh như họ đã từng nhìn nhận. Khi nhận ra đó là một đất nước nghĩa là họ đã nhận ra đó là một nền văn hóa. Và văn hóa chính là chìa khóa mà David Hunt chọn để mở cách cửa của sự “bí ẩn” về tinh thần bất khuất và sự hy sinh đến lạ kỳ của những người nông dân cho tự do của xứ sở họ.

Ngay từ ngày gặp David Hunt, tôi đã biết về cuốn sách mà ông theo đuổi. Sau này, có lúc tôi nghĩ ông đã từ bỏ viết cuốn sách và nó chỉ còn là những tài liệu chết ở đâu đó trong ngôi nhà ngập tràn sách và các tài liệu khác của ông ở Boston. Vì có thể sau chiến tranh, mối bận tâm về cuộc chiến đã bị những mối bận tâm khác che phủ. 

Hơn nữa, không phải lúc nào ông cũng có thể về Việt Nam rồi lặn lội đến Mỹ Tho để thu thập thêm tư liệu hay phỏng vấn thêm một người nông dân nào đó. Và không mấy người Việt Nam chúng ta lúc đó có thể hiểu đúng công việc của ông.

Những lần sau đó đến Boston làm việc, tôi vẫn gặp David Hunt nhưng không thấy ông nói về cuốn sách và tôi cũng không hỏi gì thêm. Nhưng rồi cuối cùng cuốn sách đã hoàn thành. 

Cuốn sách dày gần 300 trang in tiếng Anh nhưng ông đã mất chừng 15 năm thu thập tài liệu và viết. Mark Philip Bradley, tác giả của cuốn Imagining Vietnam: The making of Postcolonial Vietnam, 1919 - 1950 viết: “Đây là một tác phẩm tuyệt vời về lịch sử xã hội đầy biến cố, nó đã đánh dấu một sự chuyển biến rõ nét và tự nhiên của hầu hết các tác phẩm văn học về chiến tranh. 

Cuốn sách của Hunt lần đầu tiên đã chỉ ra cho chúng ta thấy bản chất của chiến tranh và cách mạng. Đây cũng là một cuốn sách rất hay, thể hiện một cái nhìn sắc sảo bao gồm những ví dụ điển hình và những câu trích dẫn dễ hiểu và cô đọng. 

Tôi hi vọng nó sẽ được ủng hộ và đánh giá cao trong lòng độc giả nói chung, cũng như những học giả và sinh viên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, về lịch sử Việt Nam hiện đại, đời sống chính trị của nông dân, chiến tranh lạnh, chiến tranh và xã hội nói chung”.

Tôi chưa được thấy các nhà sử học nói chung và các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nói riêng của Việt Nam có những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng và có tầm cỡ về những người nông dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh này cho dù chúng ta vẫn gọi cuộc chiến tranh đó là chiến tranh nhân dân. Nếu có được nói đến, thì hình như họ vẫn chỉ là những nhân vật phụ mà thôi. 

Cuốn sách của David Hunt không phải là một công trình nghiên cứu trực tiếp về cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà là một cách khám phá văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Với ông, văn hóa tạo dựng lên tất cả và mang một sức sống bất diệt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. 

Theo tôi, có hai lý do chính khiến David Hunt theo đuổi công trình của ông suốt mười mấy năm trời. Thứ nhất: Ông thực sự xúc động và kính trọng tinh thần bất khuất và sự hy sinh cho tự do xứ sở của những người nông dân ở Mỹ Tho. 

Thứ hai, ông phát hiện ra sức mạnh bất diệt của văn hóa của mọi dân tộc không phải ở trong các di sản hay các công trình nghiên cứu mà ở trong đời sống bình dị của con người. Nhưng có thêm một lý do nữa góp phần thúc đẩy ông là tình yêu của ông với một cô gái Hà Nội.

Sau những lần đến Việt Nam, ông đã yêu một cô gái phiên dịch tiếng Anh của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Cô gái ấy là Thủy, sống cùng bố mẹ ở phố Hàng Thiếc. 

Năm 1992, ông đến Hà Nội tổ chức lễ cưới. Mặc dù gia đình vợ “miễn” cho ông không phải làm một số thủ tục cưới xin của người Việt vì ông là một người Mỹ, nhưng David Hunt lại muốn làm tất cả. Ông nói với tôi đó là văn hóa và ông muốn được sống trong một phần của nền văn hóa ấy. Thế là lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ gia tiên… đều được thực hiện đầy đủ. 

Có ba nhà văn Việt Nam “được” phân công làm đại diện cho “Họ nhà trai David” đến nhà gái ở phố Hàng Thiếc ăn hỏi, xin cưới và đón dâu về nhà trai ở “khách sạn”. Đó là cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu và tôi. 

Và tôi là người thay mặt họ nhà trai để thực hiện việc thưa, việc đáp trong đám cưới đó.

Mấy năm trước, David Hunt lại trở lại Việt Nam. Tôi thấy ông trẻ hơn, khỏe hơn so với lần gặp trước đó. Khi nghe tôi nhận xét vậy, ông nhìn vợ cười và nói : “Do thức ăn Việt Nam đấy”. 

Lần này, ông đã đưa đứa con gái mười bốn tuổi mang trong mình hai dòng máu Mỹ - Việt về Mỹ Tho. Và trong những ngày ở miền đất đó, ông nói cho con mình biết những người nông dân bình dị ấy đã sống, đã mơ ước về tự do và đã hy sinh cho nền tự do ấy như thế nào. Và với ông, đó là một trong những bài học lịch sử lớn về nhân loại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top