Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã phối hợp tổ chức Hội nghị Việt - Nhật lần thứ 9 về xây dựng, nhằm tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phát triển nhà ở và hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao vai trò chiến lược của Nhật Bản trong hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
“Nhật Bản hiện là đối tác cung cấp nguồn vốn ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Hai nước đã cùng phối hợp triển khai nhiều nghiên cứu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó phát triển hạ tầng đô thị là lĩnh vực được chú trọng đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án hợp tác đã được đưa vào khai thác hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, từ năm 2010, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ nhằm phát triển đô thị, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực của cán bộ, công nhân ngành xây dựng. Đến năm 2015, hai đơn vị tiếp tục ký biên bản hợp tác giai đoạn 2015 - 2018 tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị kỹ thuật, đầu tư phát triển đô thị sinh thái, quản lý an toàn lao động, nâng cao chất lượng công trình và phát triển thị trường bất động sản. Dù bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, cả hai bên vẫn đang tích cực nghiên cứu để tiếp tục triển khai biên bản hợp tác này trong các giai đoạn tiếp theo, dự kiến sẽ rà soát sớm nhất trong năm 2025.
Về thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá đây là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội; hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao cũng là nền tảng tiên quyết để phát triển thị trường bất động sản nói riêng và đất nước nói chung. Do đó, thời gian qua, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản cũng như hạ tầng kỹ thuật, thông qua nhiều cơ chế, chính sách pháp luật được ban hành.
Đáng chú ý, cuối năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi nhằm đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nhà ở và bất động sản. Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 để tạo nền tảng pháp lý mới cho công tác quy hoạch và thiết kế đô thị hiện đại. Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với các bộ, ngành khác để xây dựng và hoàn thiện Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp Thoát nước, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào cuối năm 2025. Đây là hai luật mới nhằm hệ thống hóa khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị bền vững.
Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình quan trọng như Đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, và các dự án hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, các ban chỉ đạo và tổ công tác đang tích cực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án bất động sản phát triển hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chỗ ở và nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật quốc gia.
Bên cạnh những thành tựu nhất định đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết Việt Nam vẫn phải đối mặt với những bất cập, thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài, phát triển nhà ở xã hội, phát triển đô thị gắn với hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Do đó, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các quốc gia trên thế giới. Ông nhấn mạnh: "Hội nghị Việt - Nhật lần thứ 9 về xây dựng là diễn đàn quan trọng để Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong việc hoàn thiện các chính sách pháp luật để đạt được cơ chế huy động nguồn vốn trung hạn và dài hạn, tạo lập quỹ đất; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao, quản lý và điều tiết thị trường bất động sản bền vững".
Phát biểu tại hội nghị, ông Yosuke Tsutsumi, Phó Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã bày tỏ kỳ vọng về những cơ hội đầu tư mới cũng như việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ông tin tưởng rằng với kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, thiết kế đến quản lý vận hành, các doanh nghiệp sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Đồng thời, ông Tsutsumi cũng chia sẻ về những khó khăn mà Nhật Bản đang gặp phải, đó là tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động trong ngành xây dựng. Nhật Bản nhìn nhận Việt Nam như một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề này.
"Đã có rất nhiều lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Vì vậy hiện nay, Nhật Bản luôn nỗ lực quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam sang làm việc, đồng thời đảm bảo các chính sách hỗ trợ tốt cho họ", Phó Thứ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản khẳng định.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản cam kết đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam và Nhật Bản. Phó Thứ trưởng Bộ MLIT tin tưởng rằng các doanh nghiệp Nhật Bản với kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông hy vọng rằng, thông qua hội nghị lần này, quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản sẽ được tăng cường và thúc đẩy phát triển./.