Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí dựa trên ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và một số cơ quan, tổ chức hội nghề nghiệp. Đây là tài liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phát triển đô thị thông minh; theo dõi, định kỳ đánh giá mức độ phát triển đô thị thông minh theo các cấp độ; cơ sở để xây dựng quy định chi tiết phục vụ đánh giá, công nhận đô thị thông minh.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND các thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đánh giá, công nhận đô thị thông minh là đối tượng áp dụng của bộ tiêu chí này.
Về nội dung, Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên các trụ cột phát triển đô thị thông minh bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống hạ tầng ICT với cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
Bộ tiêu chí bao gồm 17 nhóm tiêu chí, bao gồm: Quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; Giao thông; Năng lượng; Nước; Nước thải; Chất thải rắn; Môi trường và biến đổi khí hậu; Sức khỏe; Giáo dục; Viễn thông; Quản trị; Tài chính; Kinh tế; Văn hóa – Du lịch; Dân cư và điều kiện xã hội; An ninh, an toàn, cảnh báo rủi ro thiên tai; Cơ sở dữ liệu.
Bộ tiêu chí được áp dụng dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Tùy điều kiện cụ thể (quy mô, cơ sở hạ tầng, mục tiêu phát triển) đô thị có thể lựa chọn: Áp dụng các tiêu chí theo từng cấp độ trưởng thành; Áp dụng toàn bộ 17 nhóm tiêu chí hoặc một số nhóm tiêu chí; Quá trình lựa chọn áp dụng các nhóm tiêu chí nên ưu tiên áp dụng tuần tự theo các cấp độ trưởng thành.
Khi đánh giá mức độ trưởng thành đô thị thông minh, đô thị cần hoàn thành tối thiểu 75% số tiêu chí quy định tương ứng với cấp độ được đánh giá. Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, năng lực đánh giá, công nhận đô thị thông minh có trách nhiệm cụ thể hóa các tiêu chí và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.
Đô thị trước khi triển khai áp dụng Bộ tiêu chí cần đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan khu vực nội thành, nội thị theo loại đô thị quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị.
Các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình, giải pháp số hóa, liên thông, tích hợp, chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ xây dựng và phát triển đô thị thông minh, các tiện ích đô thị thông minh phải đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin mạng theo các quy định của pháp luật liên quan…
Việc áp dụng Hướng dẫn này sẽ được triển khai thử nghiệm cho đến hết ngày 31/12/2026. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương và đơn vị liên hệ với Bộ để được hỗ trợ, giải đáp nếu gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình áp dụng.
Trước đó, vào ngày 27/9/2024, Bộ xây dựng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững thuộc Dự án Thành lập “Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã vạch ra các định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững, thúc đẩy xây dựng đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hướng tới Chính phủ số và tham gia sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị-TS. Trần Hữu Hà cho biết:"Mục đích của việc xây dựng các tiêu chí ĐTTM nhằm đặt ra các chuẩn mực để giám sát, đo lường và đánh giá hiệu quả quá trình xây dựng và phát triển ĐTTM, qua đó, có thể đưa ra các định hướng cụ thể, các mục tiêu cần hướng đến".