Theo đó, UBND TP giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các góp ý của Thủ trưởng các Bộ, ngành tại cuộc họp Ban cán sự đảng Chính phủ ngày 23.8/2020, hoàn thiện Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Đồng thời tham mưu dự thảo văn bản của UBND TP gửi các Bộ, ngành Trung ương thẩm định Đề án và xây dựng kế hoạch làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để hoàn chỉnh các Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.
Đối với Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình lập quy hoạch cần nghiên cứu nội dung quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố (thành phố Thủ Đức tương lai) phải được gắn trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lắp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.
Việc quy hoạch Thành phố Thủ Đức tương lai cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, có khả năng tương tác cao, đáng sống, việc đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chú ý tới yếu tố dịch tễ không để phát sinh lây lan dịch bệnh cần phải được tính toán trước nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố Thủ Đức tương lai, so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực Châu Á và một số thành phố phát triển trên thế giới.
Với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố chỉ đạo cần dựa vào định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố xác định tiêu chí nhà đầu tư, từ đó tham mưu UBND TP xây dựng chương trình, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, giới thiệu, cung cấp thông tin để thu hút, kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới tham gia đầu tư.
Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư cần làm rõ hình thức huy động vốn nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Thủ Đức, nguồn lực theo hình thức xã hội hóa, trong đó cần lưu ý đến việc áp dụng hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã dừng hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT).
Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Tài chính phối hợp với các Sở liên quan dự trù nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài nguồn vốn xã hội hóa và thực hiện các nội dung liên quan đến kinh phí xây dựng Đề án.
Ngoài ra, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chủ động xin ý kiến Bộ Xây dựng về rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn về phân loại đô thị loại I đối với thành phố Thủ Đức và tham mưu UBND TP lập Chương trình phát triển đô thị TP.HCM và Chương trình phát triển từng đô thị song song với công tác lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM.