Aa

Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng

Theo Lê Mỹ/Diễn đàn Doanh nghiệp
Theo Lê Mỹ/Diễn đàn Doanh nghiệp
Chủ Nhật, 31/12/2023 - 18:27

Năm 2023 sắp khép lại với nhiều dấu ấn về chính sách tiền tệ linh hoạt, "ngược cơn gió ngược" hỗ trợ tăng trưởng; cùng nhiều cột mốc đặc biệt của ngành ngân hàng.

Chính sách tiền tệ "ngược cơn gió ngược"

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực châu Âu (trừ Trung Quốc, Nhật Bản) vẫn đang phải đối phó với lạm phát cao và các NHTW như Fed hay ECB đều liên tục duy trì chính sách lãi suất cao, liên tục tăng lãi suất cho đến chậm dần lộ trình vào giai đoạn cuối năm; thì Việt Nam là một trong những nền kinh tế "ngược cơn gió ngược" - đi đầu về nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng- Ảnh 1.

NHNN đã ngược dòng nới lỏng chính sách tiền tệ sớm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong 2023

Theo đó, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tiếp có 4 lần giảm lãi suất điều hành 4 lần vào các ngày 15/3; 3/4; 25/5 và 19/6; qua đó đưa các mức lãi suất điều hành điều chỉnh giảm 0,5-2%/năm. Hiện lãi suất tái cấp vốn còn 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm. Trần lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 4,75%/năm. Nhờ các đợt hạ lãi suất điều hành, căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng do yếu tố tỷ giá dâng cao vào cuối 2022 - đi cùng là vụ việc Vạn Thịnh Phát và SCB gây ảnh hưởng đến hệ thống - đã bắt đầu giảm mạnh kể từ quý II/2023. Lãi suất huy động từ chỗ 8-11% hiện chỉ còn 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Cùng với đó, tại các ngân hàng lớn, lãi suất huy động hiện nay ở mức thấp nhất trong lịch sử. Kỷ lục lãi suất huy động thấp hiện được Vietcombank nắm giữ với đợt điều chỉnh mới nhất trong tháng 12/2023, đưa lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng về còn 1,9%/ năm. Đây cũng là năm mà ngược chiều lãi suất, kênh tiết kiệm vẫn hấp dẫn người dân vẫn ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng và đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023, tăng 9,95% so với đầu năm.

Hàng loạt chính sách, Thông tư của NHNN được ban hành

Trong hàng loạt chính sách, Thông tư mà NHNN đã ban hành trong năm 2023 nhằm thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo các mục tiêu ổn định lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có 2 Thông tư đáng chú ý nhất đã được NHNN ban hành và 1 Thông tư gây nhiều tranh luận ý kiến trái chiều nhất. Cụ thể:

Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng- Ảnh 2.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường TPDN và bất động sản được ban hành

Thông tư 02/2023 ban hành ngày 23/04/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, ban hành ngày 23/3/2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/4/2023. Thông tư này đã phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện nay. … và qua đó cũng tác động tích cực lên một số các ngân hàng. Đây cũng là Thông tư đang được kiến nghị NHNN xem xét để kéo dài trong 2024.

Thông tư 03/2023 ngưng hiệu lực khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, cho phép tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi: doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Đây là Thông tư tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà không cần chờ sau 1 năm. Đồng thời, giúp ổn định tâm lý từ tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới; và góp phần giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức. Thông tư này cũng có ý nghĩa hỗ trợ "song kiếm hợp bích" với Nghị định 08/2023/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn chung của thị trường TPDN sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin từ 2022.

Ngoài ra, Thông tư 06 của NHNN ban hành ngày 28/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023, bổ sung quy định về cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng; Đồng thời, Thông tư bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01 tháng 9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này. Đây cũng là Thông tư mà mới đây, theo công bố kết luận kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã có quy định trái với quy định khác của pháp luật.

Hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng thấp

Ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 và nêu rõ mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm là 14-15%. Tuy nhiên, đây là năm mà bối cảnh kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn trong nước đã khiến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp xuống thấp; ngành ngân hàng rơi vào giai đoạn "thừa tiền", "ế tiền", và mặc dù ngành ngân hàng có nhiều nỗ lực để đẩy vốn ra nền kinh tế, vẫn rất khó khăn.

Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng- Ảnh 3.

Nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn yếu, các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp so với 2022

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 21/12, tín dụng tăng 11,09%, thấp hơn so với cùng kỳ (12,87%) và mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn cuối năm nhưng vẫn xa "room" đặt ra.

Đáng chú ý, đây cũng là năm mà các kỳ họp Quốc hội, đều chứng kiến Đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng với công cụ hạn mức tín dụng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo thanh tra về điều hành tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng. Đặc biệt, Thủ tướng liên tục có các Công văn, chỉ đạo NHNN triển khai các giải pháp thúc đẩy tín dụng, tạo cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.

Về phía NHNN và hệ thống, đây là năm mà các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ với hàng loạt hội nghị tháo gỡ khó khăn liên tục được tổ chức tại các vùng, địa phương, là chương trình phủ rộng và lan tỏa khắp cả nước.

NHNN phát hành tín phiếu, nỗ lực ổn định tỷ giá

Với lãi suất FFR tăng cao sau nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, đạt đến 5,25%, USD-Index (DXY) cũng chuỗi tăng điểm dài nhất một thập kỷ, đưa đồng bạc xanh tăng kỷ lục. Điều này khiến mặc dù Việt Nam có thặng dư thương mại, vốn FDI, kiều hối giữ vững tích cực, vẫn chịu biến động tỷ giá liên tục đặc biệt sau giai đoạn nửa đầu năm.

Đến cuối tháng 11, giá USD tại nhiều ngân hàng đã chạm mốc 24.750 đồng ở chiều bán ra, tương ứng tăng 4,3% so với đầu năm và còn cách 0,6% so với mức đỉnh thiết lập vào quý IV năm 2022.

Cùng với đó, cung - cầu USD ngắn hạn và chênh lệch lãi suất USD - VND cộng hưởng khiến tỷ giá bật tăng mạnh. Để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào ngày 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Động thái này nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó thúc đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

Bước sang tháng 11 và tháng 12, trong bối cảnh thị trường quốc tế thuận lợi khi chỉ số DXY hạ nhiệt, tỷ giá đã hạ nhiệt nhanh chóng. Cùng với sự hạ nhiệt của tỷ giá, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới từ đầu tháng 12 và lần lượt bơm trả lượng thanh khoản VND đã hút về trong thời gian trước đó. Đến ngày 30/12, mặc dù DXY tăng 0,15%, đạt mốc 101,38, nhưng ghi nhận trong năm đồng USD đã giảm 2,10% trong năm nay và giảm 4,62% trong quý này; còn tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 38 đồng, hiện ở mức: 23.866 đồng. Tỷ giá VND/USD về mức thấp ghi nhận thành quả những điều chỉnh chính sách hợp lý phù hợp với điều kiện thị trường trong từng thời điểm.

"Đại án" Vạn Thịnh Phát, tác động SCB và nhiều tổ chức liên quan

Ngày 13/12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng- Ảnh 4.

SCB đã phải đóng hàng loạt phòng giao dịch và vào diện kiểm soát đặc biệt do đại án Vạn Thịnh Phát

Các bị can trong vụ án bị truy tố về các tội: "Tham ô tài sản"; "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Đây là vụ đại án mà trong lịch sử, ghi nhận là đại án kinh tế lớn nhất, với số tiền biển thủ lớn nhất và các nạn nhân liên quan lớn nhất (hơn 42.000 người). Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước… Vụ án cũng ghi nhận số tiền tham ô hối lộ lớn nhất.

Những cột mốc đặc biệt với nhiều ngân hàng

Kỷ niệm thành lập vào các "năm chẵn" : Năm 2023, Vietcombank kỷ niệm 60 năm thành lập. Agribank và VietinBank cùng kỷ niệm 35 năm. Sacombank kỷ niệm 32 năm thành lập. Ngoài ra có tới 10 ngân hàng cùng kỷ niệm 30 năm thành lập/có mặt tại Việt Nam, như: Techcombank, ACB, VPBank, SHB, ABBank, PGBank, GPBank, OceanBank, Shinhan Bank Việt Nam, UOB Việt Nam.

Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng- Ảnh 5.

VPBank hiện giữ kỷ lục về vốn điều lệ dẫn đầu hệ thống

Công bố đổi tên: Bên cạnh đó, trong tuần cuối của năm 2023, sau khi Petrolimex thoái vốn và về tay các cổ đông mới, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã công bố đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển, đồng thời đổi tên viết tắt và bộ nhận diện thương hiệu.

Cùng thay đổi tên tiếng Anh và công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, còn có Ngân hàng TMCP Bản Việt đổi tên viết tắt từ Viet Capital Bank thành BVBank; và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đổi tên viết tắt từ LienVietPostBank thành LPBank.

Vốn điều lệ ngân hàng cao nhất lịch sử: Ngoài ra, 2023 cũng chứng kiến cuộc đua vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP được đẩy lên đỉnh cao mới. Theo đó, vốn điều lệ cao nhất hệ thống đang thuộc về VPBank với 79.339 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top