Sau khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề nổi lên được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa qua, đề nghị làm rõ “thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (Điều 79), đồng thời còn nhiều quan điểm trái chiều về Điều 127 "sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội thông qua việc thoả thuận" không phân định rõ ràng, có thể sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Chia sẻ với Reatimes, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (đại biểu đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm tới hai vấn đề cần được làm rõ: Thứ nhất, tiêu chí nào xác định dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng; Thứ hai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nên để "người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận" hay "Nhà nước thu hồi đất và tổ chức bồi thường, tái định cư".
Xác định dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Nhà nước với vai trò là người đại diện chủ sở hữu đất đai, quyết định mục đích sử dụng đất thông qua công tác lập quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất là nhằm đưa nguồn lực đất đai vào sự dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng. Do vậy, tất cả các hoạt động nhằm thực hiện quy hoạch sử dụng đất được nhà nước phê duyệt thì đều là các hoạt động vì lợi ích quốc gia, công cộng. Không thể có quy hoạch đất vì mục đích cá nhân, vì đây là điều cấm khi thực hiện công tác quy hoạch đã được ghi trong luật, do vậy dự án thực hiện quy hoạch thì không thể nói là dự án thực hiện vì mục tiêu cá nhân.
Như vậy, một dự án sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải thoả mãn 2 tiêu chí: (1) Phải thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; (2) Dự án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
Thực hiện cơ chế "người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận" hay "Nhà nước thu hồi đất và tổ chức bồi thường, tái định cư", phương thức nào mang lại tác động và lợi ích xã hội tốt hơn? Nghị quyết 18 đã nêu: "Phải đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư"; và phải "có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Như vậy, phương thức thu hồi đất đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 18 sẽ là phương thức có tác động xã hội tốt hơn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Khi Nhà nước thu hồi đất, chính sách bồi thường không chỉ trả tiền cho người có đất thuộc diện thu hồi là đủ, mà phải có các chính sách hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo cho người dân có chỗ ở và sinh kế bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Nếu thu hồi đất làm người dân phải di dời chỗ ở thì điạ điểm nơi tái định cư phải lựa chọn gần nhất với nơi phải di dời để người phải di dời nơi ở nhưng không bị thay đổi nhiều về các yếu tố xã hội. Khi quy hoạch và xây dựng phương án thu hồi đất phải tính đến mặt bằng để tái định cư cho người dân tại chỗ.
Nếu không thể tái định cư tại chỗ thì phải dành mặt bằng xây dựng nhà ở có điều kiện thuận lợi nhất dành cho dự án xây dựng khu tái định cư. Tránh tình trạng các địa phương thường dành mặt bằng có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá thu tiền, mặt bằng cho tái định cư thường có vị trí kém thuận lợi. Nếu phải xay dựng một khu tái định cư riêng thì tiêu chuẩn đầu tư hạ tầng cho khu tái định cư ở phải được qui định theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao (đối với khu vực nông thôn) và tiêu chuẩn của hạ tầng khu dân cư đô thị cao hơn cấp độ đô thị nơi người dân phải di dời. Nếu chỗ ở bị thu hồi có giá trị thấp hơn giá chỗ ở tiêu chuẩn nơi tái định cư, thì người dân được nhận chỗ ở mới tốt hơn nhưng không phải bù thêm tiền”.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khi thu hồi đất, người dân mất việc làm thì chính sách bồi thường phải hỗ trợ để có việc làm mới, có thu nhập tương đương hoặc cao hơn thu nhập từ đất bị thu hồi. Nếu thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp hay đô thị, chính sách bồi thường phải hướng đến các đối tượng có thể chuyển đổi nghề nghiệp để hỗ trợ đào tạo nghề để tạo việc làm mới trong khu công nghiệp hoặc làm các công việc dịch vụ đô thị. Trong quy hoạch và xây dựng phương án thu hồi đất phải quy hoạch diện tích đất dịch vụ để để xây nhà cho thuê hoặc làm nơi bán hàng, kinh doanh dịch vụ để người bị mất đất có việc làm và thu nhập. Đối với người đã quá tuổi lao động, không thể chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách bồi thường phải hình thành quỹ bằng tiền đóng vào quỹ bảo hiểm hoặc gửi dài hạn trong ngân hàng để được nhận tiền hàng tháng không thấp hơn thu nhập từ đất bị thu hồi.
“Chúng ta phải luật hoá chính sách bồi thường để tái lập nơi ở và sinh kế cho người có đất bị thu hồi tốt hơn chứ không phải chỉ dừng lại ở cách tính tiền bồi thường. Người dân đã dành đất để xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì phải dành cho người bị thu hồi đất được hưởng những điều kiện tốt hơn điều kiện sẵn có để bù đắp cho sự đóng góp của họ cho phát triển của các dự án. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư như trên phải được áp dụng cho tất cả các dự án thu hồi đất, không phân biệt thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh hay mục đích phát triển kinh tế”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, đất thu hồi giao cho nhà đầu tư đều phải thông qua đấu giá, hoặc đấu thầu để lựa chọn người người sử dụng đất có hiệu quả nhất. Giá trị tăng lên do chuyển mục đích sử dụng đất từ đất (ví dụ thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị) sẽ được phản ánh trong giá trúng đấu giá hoặc đấu thầu. Nhà nước sẽ thu được giá trị địa tô tăng lên. Đó là nguồn lực để bồi thường thoả đáng cho người có đất bị thu hồi, kể cả những dự án thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh và giao thông công cộng.
Như vậy, Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, tái định cư sẽ thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 18 là "người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư".
Hệ lụy khi tự thỏa thuận và giải pháp gỡ rối
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, nếu để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận, thì không chỉ hai yêu cầu của Nghị quyết 18 không được thực hiện mà có thể nảy sinh nhiều hệ lụy:
Thứ nhất, để người dân và nhà đầu tư tự thoả thuận, thực chất là người dân bán đất cho nhà đầu tư mua gom đất nông nghiệp. Vì từng người dân không được tự chuyển đất nông nghiệp thành đất ở nên mới chấp nhận bán cho nhà đầu tư với giá thấp. Nhà đầu tư mua gom đất nông nghiệp, lập dự án chuyển thành đất đô thị, xây dựng nhà ở bán với giá cao gấp nhiều lần. Chính sách này đang ban cho nhà đầu tư một đặc quyền được hưởng giá trị tăng lên từ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất đô thị, mang lợi cho một số người cố tình gây khó khăn, ép doanh nghiệp để nhận được giá cao. Như vậy là không thực hiện được việc điều tiết giá trị tăng lên do chuyển mục đích sử dụng đất, không giải quyết được hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư như yêu cầu cầu của Nghị quyết 18.
Thứ hai, người dân bán đất cho nhà đầu tư chỉ nhận tiền, không có phương án, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tao việc làm sau khi mất đất. Khi tiêu hết tiền không có việc làm, không có sinh kế thì những hậu quả xã hội nảy sinh, gây ra những tranh chấp mâu thuẫn trong gia đình, bất ổn trong xã hội.
"Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi thảo luận tổ là: Chừng nào thu hồi đất còn tư duy mua bán thì còn thất bại", đại biểu Cường nhấn mạnh.
Thứ ba, không phải người dân nào cũng có đủ năng lực để đám phán, thoả thuận với nhà đầu tư, nên dễ bị nhóm người thông đồng với nhà đầu tư dẫn dắt theo hướng bất lợi. Một số người cố tình không chấp nhận để ép nhà đầu tư phải trả với giá cao bất thường. Đây sẽ là nguyên nhân gây khiếu kiện, so bì với mức bồi thường của những dự án do nhà nước thu hồi đất, tiếp tục nảy sinh khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn cho các dự án nhà nước thu hồi đất xây dựng hạ tầng, công trình công cộng như hiện nay. Cá biệt, nếu có người không chấp nhận thoả thuận, thì dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải dừng, nguồn lực đất đai bị lãng phí do không được đưa vào sử dụng theo mục đích của dự án có hiệu quả hơn, mong muốn của nhiều người dân muốn được thu hồi đất để chuyển đổi cơ hội mới không được thực hiện, quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước đã phê duyệt cũng không được thực hiện.
Từ những phân tích như trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy hoạch sử dụng đất thì Nhà nước thu hồi đất, có sự tham gia của người dân vào xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư thoả đáng, với sự đồng thuận của đa số người dân sẽ mang lại lợi ích ổn định lâu dài và tác động xã hội tốt hơn việc để cho người dân và doanh nghiệp tự thoả thuận; đồng thời kiến nghị 3 phương thức:
Phương thức 1, thu hồi đất cho các dự án phục vụ an ninh, quốc phòng, xây dựng công trinh công cộng: Nhà nước ra quyết định thu hồi không cần lấy ý kiến người dân, nhưng phải lấy ý kiến đồng thuận của đa số (đa số được hiểu là trên 50%) người dân về phương án bồi thường, tái định cư.
Phương thức 2, thực hiện cơ chế tự thỏa thuận theo nghị quyết 18, được qui định tại điều 127 của dự thảo Luật, chỉ áp dụng trong 3 trường hợp: (1) Quan hệ mua bán, chuyển nhượng đất không cần Nhà nước phê duyệt hay chấp nhận dự án đầu tư; (2) Các dự án người dân góp đất để đóng cổ phần cùng kinh doanh; (3) Các dự án người dân tự tái điều chỉnh đất đô thị.
Phương thức 3, thu hồi đất đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: là những dự án sử dụng đất theo quy hoạch ngoài các dự án thuộc phương thức 1 và 2 nêu trên. Cơ quan có thẩm quyền của nhà nước với sự tham gia của người dân xây dựng phương án thu hồi, bồi thường, tái định cư. Khi có đại đa số người dân (đại đa số được hiểu là có trên 75% người dân và người có trên 75% diện tích đất thu hồi) đồng tình thì nhà nước ra quyết định thu hồi. Sau khi có quyết định thu hồi, sẽ đấu giá để chọn người sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.