Aa

ĐBQH Mai Văn Hải: “Thanh Hóa phát huy thế và lực, quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước”

Thứ Tư, 18/01/2023 - 06:09

Năm 2022, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả ấn tượng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là kinh tế thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết, ngày 28/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, xác định rõ hướng phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực.

Nhân dịp đón Xuân Quý Mão, ông Mai Văn Hải - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ với Reatimes những kết quả ấn tượng mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong năm vừa qua, đó cũng là nền tảng để xứ Thanh bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Vượt qua sóng gió, giành nhiều kết quả ấn tượng

PV: Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong năm 2022, sau khi thực hiện triển khai Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, thưa ông?

ĐBQH Mai Văn Hải: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp trên toàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh Hóa quyết tâm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển.

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đất đai tương đối rộng, tỉnh Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ ba vùng sinh thái, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, đất liền nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km2. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; có quy mô dân số lớn thứ 3 cả nước; con người cần cù, sáng tạo, quật cường trong chiến đấu, có khát vọng vươn lên để làm giàu cho quê hương, đất nước.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, nổi bật:

Một là, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 và tử vong do Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước.

Hai là, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra, trong nhóm 7 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ và các chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác đều tăng khá và tăng cao so với cùng kỳ.

Ba là, đã tích cực chuẩn bị hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch trên các lĩnh vực, nhất là quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Thứ tư là, tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn, có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội; văn hóa, giáo dục tiếp tục có bước phát triển tốt, giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Năm là, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh.

Có thể nói rằng, trải qua một năm nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ những diễn biến trên toàn cầu, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua nhiều khó khăn, giành được những kết quả ấn tượng, là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, với mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế mới của đất nước tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Ông Mai Văn Hải - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn

PV: Thanh Hóa được xem là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh đã và đang khai thác những tiềm năng, lợi thế này ra sao, thưa ông?

ĐBQH Mai Văn Hải: Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, dịch bệnh Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, hoạt động du lịch được mở cửa trở lại.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, ưu tiên các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong có lĩnh vực du lịch; các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động cùng vào cuộc, tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch.

Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện quy hoạch các khu, điểm du lịch cơ bản đảm bảo tiến độ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa có 41 quy hoạch đã được phê duyệt, 13 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu và khoảng 26 khu, điểm du lịch đã được quy hoạch. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào hơn 80 dự án du lịch quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 45.000 phòng.

Toàn tỉnh có 52 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có 40 dự án hoàn thành và 12 dự án đang triển khai thực hiện. Một số dự án có quy mô lớn đã và đang được tập trung triển khai như: Dự án đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh, tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ đại lộ Nam sông Mã đến Quốc lộ47) và tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo), TP. Sầm Sơn và các dự án đường giao thông đến các khu du lịch: Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh...

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển được đặc biệt quan tâm, các địa phương triển khai nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích được tỉnh triển khai thực hiện góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo điểm đến hấp dẫn về văn hoá, lịch sử. Tổ chức khảo sát, xúc tiến đầu tư, kết nối với các địa phương, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước khai thác hiệu quả các tour tuyến, sản phẩm du lịch.

Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng tốc phát triển và là một lĩnh vực đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế mới của đất nước

PV: Theo ông, yếu tố nào là then chốt tạo nên những điểm nhấn nổi bật kinh tế - xã hội của Thanh Hóa trong năm qua?

ĐBQH Mai Văn Hải: Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, tại địa phương có sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành đã tạo nên những kết quả thắng lợi trong năm 2022 và mở ra nhiều cơ hội thuận lợi phát triển trong thời gian tới.

Theo tôi, điểm nhấn nổi bật nhất bao trùm toàn bộ kết quả đạt được trong năm qua của Thanh Hóa đó là sự đoàn kết chặt chẽ của Đảng bộ tỉnh, toàn thể các cơ quan ban, ngành và nhân dân. Chính sự đoàn kết ấy đã tạo nên sức mạnh vượt qua giai đoạn đại dịch Covid-19 vô cùng khó khăn, trước kia Thanh Hóa là một tỉnh nghèo, nhưng nay đã trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tại Bắc Trung Bộ, từ đó nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Đối với các nhiệm vụ được triển khai cụ thể, điểm mấu chốt chính là công tác cán bộ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo sở, ban ngành, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đạt được những kết quả hết sức cụ thể. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, đảm bảo thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ; tăng cường thực hiện văn hóa công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại đối với cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu, vi phạm đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ và các chỉ tiêu được giao.

Từ những việc làm cụ thể, quyết liệt, kinh tế - xã hội năm 2022 của Thanh Hóa đã đạt được những kết quả ấn tượng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là kinh tế tăng trưởng cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư được chú trọng, năm 2022 tỉnh đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (6 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 50,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.

Công tác lập, thẩm định và trình phê duyệt các quy hoạch xây dựng được thực hiện tích cực, tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch và tăng 0,9% so với cùng kỳ.

Năm 2022 có khoảng 3.500 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 16,7% kế hoạch; có 1.120 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ.

UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tổ chức nhiều hội nghị giao ban, chuyên đề, tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư năm 2022 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

PV: Ông có những kiến nghị gì đưa kinh tế - xã hội của Thanh Hóa tăng tốc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?

ĐBQH Mai Văn Hải: Tỉnh Thanh Hóa xác định các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định những mục tiêu trọng điểm cần triển khai trong năm 2023: Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội sinh và khả năng ứng phó linh hoạt của nền kinh tế trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn.

Tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, tạo mối liên kết trong nội bộ vùng, giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp, phấn đấu năm 2023 thành lập mới trên 3.000 doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực.

Đẩy mạnh phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại và thân thiện với môi trường, đồng thời hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án lớn trong năm 2023.

Đây là những mục tiêu lớn và hết sức quan trọng của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, tuy nhiên năm 2023 được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do áp lực sau đại dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị ở một số khu vực trên thế giới.

Trước những diễn biến ấy, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn xác định nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển mạnh hơn, thực hiện hiệu quả mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Theo tôi, vấn đề then chốt để thực hiện thành công những mục tiêu ấy vẫn là công tác cán bộ và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, từ đó các nhà đầu tư sẽ quan tâm và đến với Thanh Hóa nhiều hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top