Aa

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh: "Cần quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh"

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 02/11/2023 - 08:29

Vị đại biểu đoàn Ninh Bình đề nghị tháo gỡ một loạt vướng mắc hiện nay, trong đó có các thủ tục đất đai, định giá đất, giải phóng mặt bằng, hải quan, thuế.

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội chiều 1/11, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, song Chính phủ đã có nhiều quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

"Tôi đánh giá cao sự quyết liệt, phản ứng chính sách nhanh của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội", bà Thanh nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng nêu vấn đề dự kiến năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, gây áp lực lớn đến khả năng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Để đẩy mạnh quá trình phục hồi, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo, trong bối cảnh tình hình hiện nay, vị đại biểu đoàn Ninh Bình đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và có đánh giá toàn diện tình hình, đề xuất giải pháp căn cơ, toàn diện, hiệu quả để cải thiện, nâng cao 2 động lực quan trọng phát triển kinh tế.

Một là, tập trung nâng cao năng suất lao động. Đây là vấn đề cốt lõi của kinh tế Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách không thể chậm trễ. Bởi vì tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nếu chúng ta không tạo được năng suất lao động đột phá trong vòng 3 đến 5 năm tới, Việt Nam nguy cơ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình và mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số già đi khó thành hiện thực. Tuy nhiên năm nay là năm thứ ba liên tiếp, chỉ tiêu quan trọng này không đạt được so với mục tiêu đề ra và thấp khá xa so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2021-2025 là trên 6,5%, giai đoạn 2026-2030 là 6,8% đến 7%.

"Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 4 tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi đã phân tích tình hình, tính cấp bách của việc phải nâng cao năng suất lao động, xác định những nguyên nhân năng suất lao động chưa cao, trên cơ sở đó đề xuất 4 nhóm giải pháp nâng cao năng suất lao động để Chính phủ nghiên cứu, xem xét. Với tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng suất lao động, tôi đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động để nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", bà Thanh phân tích.

Hai là, xây dựng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân để trở thành động lực chính phát triển kinh tế - xã hội. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 31/3/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45 về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 với mục tiêu phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2025 đạt khoảng 55% GDP và đến năm 2030 là khoảng 60-65% GDP.

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy mô của vốn đầu tư tư nhân liên tục mở rộng, chiếm khoảng 55-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm và đã trở thành một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng kể từ năm 2020 đến nay, tốc độ tăng trưởng của nguồn lực đầu tư này đã giảm tốc mạnh, số liệu 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,3%, trong khi trước đại dịch COVID-19 tốc độ tăng trưởng này đạt bình quân 13,4%. Do vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân là rất cấp thiết.

"Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết số 43 về Chương trình hành động", bà Thanh nhấn mạnh. 

bất động sản
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh đề nghị quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ một loạt vướng mắc hiện nay, trong đó có các thủ tục đất đai, định giá đất, giải phóng mặt bằng, hải quan, thuế. Ảnh: Reatimes

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn một số giải pháp để thúc đẩy giải phóng, huy động nguồn lực quan trọng này cho quá trình phát triển đất nước:

Thứ nhất, cần quyết liệt thực hiện thành công các cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều chính sách khác mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển.

Thứ hai, kiến nghị cần sớm giải quyết các vụ việc liên quan đến thị trường vốn, thị trường bất động sản vừa qua nhằm khôi phục niềm tin nhà đầu tư và cũng là góp phần đa dạng dòng vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, cần quyết liệt cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, như về các thủ tục đất đai, định giá đất, giải phóng mặt bằng, hải quan, thuế. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm thiểu chi phí hành chính.

Thứ tư, đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chủ lực trên địa bàn, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, như tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch thiết thực, hiệu quả hơn. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, quyết tâm đồng hành tiết giảm chi phí, tập trung đầu tư cho phát triển công nghệ, chuyển đổi số và nghiên cứu tiến bộ khoa học kỹ thuật, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để xanh hóa, số hóa linh hoạt, thích ứng, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa thị trường, đối tác nguồn vốn, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, tăng năng suất chống chịu trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top