Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Xây dựng phê duyệt đề án thu phí trên 13 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đề án nêu rõ, 13 tuyến cao tốc thuộc dự án Bắc – Nam phía Đông sẽ triển khai thu phí dựa trên tiến độ hoàn thiện các trạm dừng nghỉ và lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Hiện này có 29 đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý. Trong số này có 5 tuyến cao tốc đã được Bộ phê duyệt Đề án khai thác tài sản khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ và dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 1/2026.
Về 13 tuyến được đề xuất thu phí mới bao gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ, Hòa Liên – Túy Loan, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau.

Một đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: Internet
Theo đề xuất, 2 mức phí sẽ được áp dụng: 1.300 đồng/km/xe tiêu chuẩn cho các tuyến cao tốc đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật (4 làn xe, làn dừng khẩn cấp liên tục), và 900 đồng/km/xe cho các tuyến chưa hoàn thiện toàn bộ kỹ thuật theo Luật Đường bộ mới.
Ước tính, sau khi trừ chi phí thu, nguồn thu phí sẽ đóng góp gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Toàn bộ thời gian thu phí kéo dài trong 7 năm, sau đó sẽ được đánh giá để lựa chọn mô hình phù hợp (như PPP hoặc nhượng quyền).
Phương thức thu phí được đề xuất là Cục Đường bộ Việt Nam sẽ trực tiếp quản lý, bảo trì và tổ chức thu phí tự động không dừng (ETC). Việc này nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành.
Đây là lần đầu tiên dự án Nhà nước đầu tư nhưng không thu phí BOT được đưa vào danh mục thu phí. Mục tiêu chính của chính sách là tăng nguồn lực cho bảo trì, ngăn chặn tình trạng xuống cấp đường cao tốc và giảm áp lực ngân sách Trung ương.