Quý I/2023, “đầu tàu” kinh tế TP.HCM gây bất ngờ khi chỉ tăng trưởng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thủ tướng Nguyễn Minh Chính chủ trì mới đây, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế thành phố tăng trưởng ở mức thấp trong quý I là do tâm lý tránh né, thiếu trách nhiệm và chờ đợi của một bộ phận không nhỏ cán bộ thực thi.
Không riêng gì TP.HCM, vấn đề thực thi chính sách yếu kém đang tồn tại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Doanh nghiệp có thể yên tâm về chính sách vĩ mô, nhưng nếu việc ban hành chính sách vẫn còn chậm trễ, không phù hợp với thực tế và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, hay việc thực thi kém hiệu quả thì các chính sách khó lòng trở thành trợ lực thực sự giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp Việt rất kiên cường nhưng sức chịu đựng đã vượt qua giới hạn
Nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một quý tăng trưởng khá “đặc biệt”, khi chúng ta vừa có mức tăng trưởng kỷ lục, GDP đạt 8,02% vào năm ngoái, thì liền sụt giảm mạnh vào đầu năm nay, GDP quý I chỉ đạt 3,23% so với cùng kỳ năm trước, là một trong hai quý có mức tăng trưởng thấp nhất trong 12 năm qua.
Lần đầu tiên, tăng trưởng công nghiệp âm, xuất nhập khẩu đều giảm trên 10%, điều chưa từng xảy ra ngay trong thời kỳ đại dịch. Đáng báo động, các đầu tàu tăng trưởng như TP.HCM, Bình Dương đều đang chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm như Bắc Ninh, nơi vốn luôn có tốc độ phát triển nhóm đầu cả nước.
Quý I/2023, lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vượt con số đăng ký mới và tái gia nhập, theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê. Trong khi chỉ gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới thì có hơn 60.000 doanh nghiệp rút lui hay tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, cho thấy doanh nghiệp đã thực sự kiệt sức sau hơn 2 năm bền bỉ chịu đựng khó khăn.
Thực trạng báo động này buộc các nhà làm chính sách phải nhận diện “sòng phẳng” hơn, rõ ràng hơn những gì đã ràng buộc sự phát triển của doanh nghiệp từ năm 2022, xa hơn là cả giai đoạn vừa qua, mới tìm ra được giải pháp cho ba quý còn lại, cũng như đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đã đề ra.
Trao đổi với Reatimes, ông Phạm Xuân Hoè – Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, năm 2023 có những khó khăn nổi lên rất rõ mà hầu hết doanh nghiệp đều phải đối mặt.
“Nói ngắn gọn thì các thành phần của nền kinh tế đang thiếu tiền, thiếu đơn hàng, chịu lãi suất cao và vướng mắc hành chính - pháp lý. Và nếu việc tháo gỡ cơ chế và thực thi chính sách vẫn không có cải thiện, vẫn tạo ra những rào cản hay câu chuyện xin - cho thì các chính sách tốt đẹp cũng không thể tháo gỡ cho doanh nghiệp, thậm chí còn tạo ra những rào cản mới.
Như đối với các dự án bất động sản, không thể chỉ nói vướng, mà phải chỉ ra vướng do cơ chế hay do công chức sợ làm sai, sợ trách nhiệm. Hay quy trình và cách thức triển khai không minh bạch và rõ ràng, doanh nghiệp khó thực hiện. Chúng ta cứ hô hào “hành chính một cửa”, nhưng xử lý, phê duyệt một dự án đang chậm đến mức phải chờ ý kiến của tất cả các sở ban ngành liên quan và đợi bằng được đầy đủ ý kiến các đơn vị này.
Đến bây giờ công cuộc cải cách hành chính đã đạt được những thành tựu nhất định, có số hóa quy trình đầy đủ, nhưng rồi vẫn “tắc”, ông Hòe nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest) cho biết, hiện các doanh nghiệp cũng không muốn vay vì hoạt động đầu tư - kinh doanh không có lợi nhuận. Suốt từ năm 2022 đến nay, chỉ có đầu tư công vẫn tăng trưởng nhưng cơ hội để làm công trình này chỉ thuộc về một số doanh nghiệp có đủ năng lực. Còn lại với đa số doanh nghiệp xây dựng, công trình ngoài ngân sách không có, công trình vốn FDI và thương mại cũng giảm, nên cơ hội việc làm của doanh nghiệp xây dựng không nhiều.
Hơn nữa, phần lớn nhà thầu xây dựng đang bị chiếm dụng vốn khi vay lãi 11 - 12%/năm nhưng chủ đầu tư không trả hoặc đề nghị trả bằng sản phẩm thì rất khó để các đơn vị này xoay xở.
“Theo ghi nhận của chúng tôi, đến top 10 doanh nghiệp xây dựng cũng có nguy cơ ngừng trệ kinh doanh và phá sản. Đây là tín hiệu đáng báo động mà Chính phủ, các bộ ban ngành phải có một cơ chế chính sách pháp lý kịp thời hỗ trợ cho ngành xây dựng.
Riêng với ngành bất động sản, vướng mắc thủ tục pháp lý vẫn là vấn đề then chốt, chiếm 60 - 70% và nếu không được tháo gỡ thì các dự án chỉ có thể nằm im”, ông Hiệp trăn trở.
Mới đây, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trước 20/4/2023, Tổ công tác của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản phải hoàn thành công tác kiểm tra tại những địa bàn có dự án vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị. Chỉ đạo này tiếp tục là một sự đốc thúc sát sao nữa, nhưng điều doanh nghiệp hy vọng là hiệu quả tháo gỡ trong thực tế.
Doanh nghiệp yên tâm về chính sách vĩ mô nhưng lo ngại việc thực thi kém hiệu quả
Thời gian qua, Chính phủ liên tục có những chỉ đạo, chủ trương, chính sách kịp thời và cố gắng thúc đẩy chính sách nhanh chóng đến với doanh nghiệp. Ngay đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đề ra đầu năm 2022.
Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc tháo gỡ các “nút thắt” cho ngành bất động sản. Mới đây, ngày 16/4, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 133/TB-VPCP, kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, yêu cầu Tổ công tác cùng các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023.
Ghi nhận những quyết sách, chỉ đạo kịp thời, mạch lạc của Chính phủ, song bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ với Reatimes lo ngại giữa văn bản và hành động thực tiễn chưa song hành với nhau. Thậm chí, nếu chúng ta cứ đưa ra nhiều chính sách nhưng không thực sự đi vào cuộc sống, thì doanh nghiệp, người dân có thể mất sự kết nối, chia sẻ.
“Chúng ta có tham vọng lớn khi đưa ra gói phục hồi và phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần do quy định không khả thi, một phần nằm ở thực thi chính sách.
Không chỉ gói 350.000 tỷ đồng mà nhiều chính sách khác Chính phủ đặt ra rất hay, rất trúng, nhưng không thể đi vào cuộc sống. Có những vấn đề của doanh nghiệp mà cơ quan thực thi biết là đúng và cần phải làm, nhưng hành lang pháp lý thiếu rõ ràng khiến cán bộ “nghe rồi để đó”, hoặc thực hiện thủ tục xin ý kiến các nơi và quá trình này có thể vô thời hạn. Đây là thực trạng khá phổ biến hiện nay khiến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp bị chậm trễ, nhiều dự án “tê liệt” mà không biết đang “tắc” ở khâu nào. Trong bối cảnh “dòng tiền khó”, nhưng nhiều dự án đầu tư sau vài năm vẫn mờ mịt đích đến thì rõ ràng doanh nghiệp không thể trụ được”, bà Thảo khẳng định.
Đáng buồn là câu chuyện này đang rất phổ biến. Các cấp lãnh đạo cũng chú ý đến câu chuyện này và có những đốc thúc tháo gỡ nhưng sự cải thiện chưa đáng kể, bởi lẽ khía cạnh thực thi chưa thực sự quyết liệt.
“Dường như các bộ ngành địa phương chưa thực sự đồng hành tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nhiều dự án đầu tư không thể thực hiện nhưng giải pháp mới chỉ nêu ra trên văn bản là sẽ sửa đổi nhưng cụ thể sửa theo hướng nào, như thế nào thì chưa được thực hiện.
Trước kia, nếu thấy dự án tiềm năng, cơ quan công quyền có thể linh hoạt giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp theo cơ chế tuân thủ luật này mà chưa hoàn toàn tuân thủ luật kia. Nhưng với tâm lý sợ trách nhiệm như hiện nay, hầu hết sở ngành sẽ lấy ý kiến của tất cả các sở ngành liên quan và nếu một sở ngành không có ý kiến thì họ sẽ trả lại hồ sơ. Có những hồ sơ không biết bao giờ sẽ được giải quyết”, bà Thảo nêu thực trạng.
Ngoài các nguyên nhân khách quan, thì tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động là lý do khiến kinh tế của TP.HCM cũng như cả nước sụt giảm. Rất khó tạo đột phá về tăng trưởng trong thời gian tới, gỡ khó cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng nếu như không có đột phá trong vấn đề thực thi chính sách.
Vấn đề sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi cũng được nêu ra tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, ngày 16/4. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời, trong khi, hầu hết nội dung được hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố.
“Đây là điều rất vô lý, thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cần một cuộc đổi mới về tư duy chính sách và thực thi chính sách
Thực tế, không đơn giản doanh nghiệp đủ tiền và ý chí là có thể đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mà còn phụ thuộc vào cơ chế, vào thiết kế quy hoạch tổng thể của các địa phương, bộ ngành liên quan và quan trọng hơn cả là trợ lực về mặt thể chế, chính sách. Thế nhưng, liệu sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan đã thực sự chạm đến được những các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp? Hơn lúc nào hết, trợ lực cho doanh nghiệp đang ít ỏi nên rất cần sự chung tay chia sẻ hơn nữa từ phía chính quyền.
“Chính phủ đã hết sức cố gắng trong việc điều hành, chỉ đạo sát sao thông qua hàng loạt nghị quyết, nghị định, văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, các khó khăn không đơn giản có thể tháo gỡ bằng các nghị định, nghị quyết và việc biến chủ trương, chính sách thành hành động thực tiễn thì vẫn cần thời gian.
Do đó, bên cạnh những chủ trương, chính sách, doanh nghiệp chúng tôi cũng mong có cơ chế kiểm tra, giám sát và đốc thúc việc thực hiện thì nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản nói riêng mới vượt qua được những khó khăn hiện tại”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh: “Chúng ta nói nhiều đến câu chuyện chuyển đổi số, minh bạch quy trình phê duyệt thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa thực hiện tốt. Doanh nghiệp vẫn không biết dự án đang tắc tại khâu nào. Chúng ta phải tự trách cách thức làm việc của người Việt, từ cơ quan quản lý cho đến chủ doanh nghiệp, nôm na là không có sức ép thì không ai cố gắng làm. Cán bộ thiếu trách nhiệm, e ngại gánh vác trách nhiệm. Do đó, Chính phủ vẫn phải tiếp tục thúc đẩy, đưa ra chỉ tiêu để đo lường và kiểm soát chất lượng thực thi.
Bên cạnh đó, một chính sách, nghị định ra đời vẫn kèm theo nhiều nghị định, thông tư bổ sung, sửa đổi, hướng dẫn. Trong khi, doanh nghiệp đang “bù đầu” với “cơm áo gạo tiền”, không thể đi tra cứu rất nhiều văn bản mà không biết văn bản còn hay hết hiệu lực, cơ quan nào bổ sung, sửa đổi. Đến người làm chính sách hệ thống còn cảm thấy khó khăn, thậm chí bộ phận pháp lý của doanh nghiệp vẫn còn lúng túng không biết hiểu thế nào cho đúng.
Cả một chồng văn bản để giải quyết một vấn đề. Tại sao chúng ta không học cách soạn thảo của thế giới trên nền tảng công nghệ, điều khoản nào giữ nguyên, điều khoản mới nào bổ sung sẽ đưa ra trên cùng một hệ thống, thay thế cho tất cả các văn bản cũ, rất thuận tiện cho doanh nghiệp tra cứu?
Đối với phê duyệt dự án bất động sản, tại sao không công khai tất cả quy trình lên mạng và cập nhật để doanh nghiệp biết công việc đang xử lý tới đâu, nằm tại phòng ban nào để doanh nghiệp không phải hỏi quanh? Tôi rất mong có một cuộc đổi mới thực sự về tư duy chính sách và thực thi chính sách”, ông Hòe đề xuất.
Ngoài ra, thời điểm này doanh nghiệp rất cần hồi phục lại chính sách hỗ trợ thuế VAT, giảm tiền thuê đất và tiếp tục giãn một số khoản phí khác.
“Rất may vừa rồi Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023, thực hiện từ tháng 7 đến hết năm nay, đây cũng là điều tốt để kích cầu trong nước, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí.
Còn giãn thuế về bản chất vẫn là ghi nợ, nên cái gì hỗ trợ được cho doanh nghiệp thì nên cắt giảm luôn. Ngoài ra còn có các loại thuế, phí khác cho thu ngân sách, đặc biệt tại sao chúng ta không trình Quốc hội miễn luôn tiền thuê đất cho doanh nghiệp Việt, tạo động lực chiến đấu cho họ?
Tính đến cuối năm 2022, Bộ Tài chính vẫn để ở Ngân hàng Trung ương gần 1 triệu tỷ đồng, không tới tay các thành phần kinh tế được. Nếu thu ngân sách về mà “nhốt” lại không tiêu được, thì tại sao không cắt giảm để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp? Gần 1 triệu tỷ đồng nếu được giải ngân và hấp thụ tốt, đầu tư công tăng lên, sẽ tạo ra nhiều việc làm, đặc biệt hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp xây dựng và thị trường bất động sản”, ông Hòe đặt vấn đề.
Đồng tình với việc nên tiếp tục triển khai việc hỗ trợ thuế VAT, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, đây là giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt nhất bởi tính chất “tiền tươi thóc thật”. Nhưng không chỉ hỗ trợ về chi phí, cơ quan quản lý cần thực sự lắng nghe những vấn đề của doanh nghiệp, khi ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề sẽ có những khó khăn khác nhau, khi đó mới có những giải pháp cụ thể.
“Tôi có cảm tưởng những cuộc đối thoại gần đây chỉ mang tính chất lắng nghe, thậm chí nhiều cơ quan còn ngại đối thoại. Nhưng doanh nghiệp rất cần chia sẻ, không hẳn là để giải quyết ngay khó khăn đang gặp phải mà ít nhất hai bên phải hiểu nhau. Và chỉ lắng nghe chưa đủ, doanh nghiệp rất mong cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cần có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề.
Doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều, Chính phủ, Nhà nước rất thiện chí tiếp thu và sửa đổi chính sách, nhưng vẫn chưa hiệu quả thì chúng ta buộc phải tạo ra áp lực cải cách liên tục và thường xuyên, mới tạo ra động lực cho bộ ngành và cán bộ thực thi thay đổi”, bà Thảo nói./.