Aa

Để mảnh đất màu mỡ không trở thành vũng bùn lầy

Thứ Hai, 18/03/2019 - 06:01

Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp, đã và đang đặt cược những khoản đầu tư lớn vào bất động sản gắn với lĩnh vực này.

Ngành nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ có những khởi sắc khi có sự đầu tư của doanh nghiệp với quy mô lớn và công nghệ cao. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, nếu không loại bỏ được những rủi ro, rào cản hiện có thì “mảnh đất màu mỡ” mà họ muốn đặt cược lại có thể là “vũng bùn lầy”.

Ngành nông nghiệp Việt: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Nông nghiệp vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam, với 48% dân số làm nông nghiệp, diện tích đất lớn. Tuy nhiên, những thế mạnh đó lại tỷ lệ nghịch với đóng góp mà ngành này mang lại. Số liệu cho thấy, toàn ngành chỉ đóng góp được 14.5% GDP (năm 2018).

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, năng suất lao động lĩnh vực này còn thấp, việc tăng năng suất còn chậm.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao.

Thủ tướng cũng chỉ ra việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp còn yếu kém, mới chỉ có 15% sản phẩm có thương hiệu, thậm chí một số thương hiệu nổi tiếng mất đi do nước ngoài mua lại.

Trải qua vài thập kỷ, người nông dân vẫn đang tự loay hoay trên chính mảnh ruộng của mình và thực tế, nhiều người đã bỏ ruộng, tha hương. Hoặc nếu có làm cũng rất hời hợt, làm một vụ, bỏ hoang một vụ. Những cuộc giải cứu cho thanh long, dưa hấu… cũng đang diễn ra đều đặn hàng năm.

“Có một thực trạng là hiện nay, diện tích đất nông nghiệp đang bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả, đặc biệt là đất lúa ngày càng nhiều. Chính quyền địa phương các cấp đang rất phải lo lắng về vấn đề này. Luật đất đai quy định, đất lúa bỏ hoang trong 2 vụ tức là 12 tháng liên tiếp thì sẽ thu hồi đất.

Tuy nhiên, người dân đang đối phó với quy định này bằng cách làm một vụ, bỏ hoang một vụ, hoặc có những hình thức giả vờ canh tác để giữ đất mà không chú ý đến năng suất, hiệu quả. Theo điều tra dân số, cứ 5 năm, có 1 triệu hộ nông nghiệp bỏ làm nông nghiệp, như vậy, đất nông nghiệp của họ nếu không chuyển nhượng, cho thuê thì sẽ để hoang”, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhận thấy tiềm năng còn bỏ ngỏ của nông nghiệp, nhiều tập đoàn lớn ngoài lĩnh vực nông lâm thủy sản như Vingroup, Novaland, MaSan, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai,… đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này với quy mô lớn và áp dụng công nghệ hiện đại, bước đầu đã mang lại những giá trị to lớn đối với chính doanh nghiệp và địa phương. Nắm bắt được xu hướng này, tập đoàn GFS cũng đang có những chiến lược, tập trung nhân lực, vật lực vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp này  định hướng trong vòng 5 năm tới, sản phẩm từ khoa học công nghệ sẽ đóng góp 70% doanh thu của Tập đoàn. Trong khoa học công nghệ, GFS dành 70% nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc.

Các chuyên gia đánh giá, việc doanh nghiệp tham gia vào tích tụ đất đai, đầu tư vào đất nông nghiệp với quy mô lớn, công nghệ cao, đang hé mở ra nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp Việt tiến xa hơn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, chủ thể tương lai của ngành nông nghiệp phải là các doanh nghiệp và các hộ đại điền.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lượng vốn đầu tư vào ngành này cũng rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5%.

Điều gì đã khiến các doanh nghiệp lo sợ và chùn bước trước mảnh đất màu mỡ - bất động sản nông nghiệp, khiến cho thị trường này hiện vẫn mang màu ảm đạm?

“Đứa trẻ bị bỏ rơi”...

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, bất động sản nông nghiệp đã được hình thành từ lâu nhưng dường như nó đang bị bỏ rơi và chưa hình thành một phân khúc chính thức. Vài năm trở lại đây, khi xuất hiện các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này, khái niệm bất động sản nông nghiệp mới dần được nhắc đến.

Theo đó, bất động sản nông nghiệp có thể hiểu là bất động sản gắn với lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm quyền sử dụng đất nông nghiệp và các tài sản trên đất như trang trại, nhà kính… Các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường này sẽ thực hiện gom đất, tích tụ đất đai trên một diện tích lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

GS Đặng Hùng Võ.

GS. Đặng Hùng Võ.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc khuyến khích các doanh nghiệp tích tụ đất đai và đầu tư vào nông nghiệp là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, hiện đang có quá nhiều rào cản khiến cho xu hướng đầu tư này đang bị chững lại.

“Rào cản lớn nhất là việc tiếp cận và tích tụ đất đai. Doanh nghiệp dường như đang không có cửa trong việc tiếp cận đất nông nghiệp. Luật Đất đai 2013 quy định, nếu nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thì phải đem đất đó ra thuê của Nhà nước, tức là chi phí về đất đai tăng gấp đôi, vừa phải nhận chuyển nhượng trên thực tế, vừa phải xin thuê lại để làm dự án nông nghiệp. Thực tế, tâm lý của người dân hiện nay là cho Nhà nước thuê thì được, nhưng cho doanh nghiệp thuê thì lại khó khăn.

Để có thể tích tụ được một quỹ đất sạch như ý muốn, doanh nghiệp có thể phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Việc phải thương lượng với quá nhiều hộ để có đất đủ cho dự án là rất khó và kéo dài, khó đảm bảo cho các quan hệ tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn tâm lý sợ phát sinh các vụ kiện cáo, tranh chấp dân sự trong việc thương lượng về thuê đất với nông dân, trong khi giải pháp nông dân góp vốn bằng đất đai, lao động chưa thực sự hiệu quả”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Thọ cũng cho rằng,nguyên nhân là do đất nông nghiệp tại Việt Nam thường có diện tích nhỏ, gây ra những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, theo ông Thọ, “một số quy định của luật đất đai hiện giờ chưa phù hợp với thực trạng sử dụng đất hiện nay. Ví dụ như chúng ta đang quản lý đất lúa theo kế hoạch, chứ không phải theo cơ chế thị trường.

Rõ ràng, thị trường muốn hoạt động tốt thì phải nhiều cung, nhiều cầu, nhưng chúng ta đang hạn chế đối tượng có thể tiếp cận với đất nông nghiệp. Luật Đất đai quy định, doanh nghiệp hoặc là hộ phi nông nghiệp thì không được nhận quyền sử dụng đất lúa, không được mua lại đất lúa của dân. Như vậy, chúng ta đang cản trở những chủ thể của thị trường thì làm sao thị trường có thể hoạt động tốt”.

Gỡ nút thắt như thế nào?

Hiện Chính phủ cũng đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho việc tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó vẫn chưa đủ để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện có của thị trường này, theo TS Nguyễn Hữu Thọ, cần phải có những nhóm giải pháp cụ thể.

“Thứ nhất, phải hoàn thiện các thể chế, quy định về đất đai vì một số quy định của Luật Đất đai hiện giờ chưa phù hợp với thực trạng sử dụng đất hiện nay.

Thứ hai là về hạn điền, phải mở rộng hạn điền rộng hơn, để có thể có những nông trường lớn hơn. Tiếp theo, Nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ việc tích tụ ruộng đất của doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ về vay vốn, khoa học kỹ thuật, hạ tầng thủy lợi. Việc hình thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị bền vững cũng là điều cần chú trọng. Chuỗi điển hình là hộ gia đình và doanh nghiệp.

Hiện tại, việc liên kết hợp tác sản xuất trong trong chuỗi hộ gia đình và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp không làm theo đúng cam kết với hộ gia đình, hoặc gia đình không làm đúng cam kết với doanh nghiệp. Ví dụ sản xuất nông sản mà được giá thì thậm chí hộ không bán cho doanh nghiệp như đã cam kết mà lại bán cho các doanh  nghiệp khác.

Bên cạnh đó, để phát triển theo chuỗi bền vững, việc thực thi hợp đồng phải chặt chẽ, các chính sách hỗ trợ phải theo chuỗi giá trị, không thể hỗ trợ cho từng chủ thể đơn lẻ, mà phải hỗ trợ theo chuỗi, tất nhiên không phải chuỗi nào cũng hỗ trợ mà phải những chuỗi quy mô lớn, có tiềm năng, hiệu quả và có sự giám sát của chính quyền địa phương”, ông Thọ phân tích.

TS Nguyễn Hữu Thọ.

TS. Nguyễn Hữu Thọ.

Còn theo GS Đặng Hùng Võ, bên cạnh việc sửa đổi một số điều luật trong Luật Đất đai, cần quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hai hướng “cứng” và “mềm”. Theo đó, “cứng” là không được phép chuyển đổi và “mềm” là cho phép chuyển đổi. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần tính đến sự ổn định:

“Đất nông nghiệp cần phải được quy hoạch lại theo hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Đâu là vùng được chuyển đổi, đâu là vùng phải đóng đinh lại, không được thay đổi để doanh nghiệp, người dân biết nên đầu tư vào mức độ nào. Còn hiện nay chúng ta đang quy hoạch ngược, tức là vùng được phép chuyển đổi thì biết, nhưng những vùng còn lại, không có nghĩa là không chuyển đổi mà chưa biết lúc nào sẽ chuyển đổi”.

GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, muốn thực hiện hóa những chủ trương, mong muốn về tương lai của nền nông nghiệp, phải chính thức hóa một thị trường gọi bất động sản nông nghiệp. Trong thời gian tới phân khúc này có thể phát triển rất tốt. Tuy nhiên, vì không chính quy nên có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Do đó, phải có căn cứ pháp lý rõ ràng. Người nông dân có thể tiếp tục sống dựa vào mảnh ruộng hay không, tất cả đều phụ thuộc vào một sự đầu tư bài bản, thành chuỗi sản xuất chứ không thể manh mún.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top