Aa

Để tránh xa vòng xoáy nợ nần khi vay tiêu dùng

Chủ Nhật, 17/05/2020 - 14:33

Thực tế thị trường vay tiêu dùng thời gian qua ghi nhận nhiều người đi vay không cân đối được dòng thu nhập, vay cùng lúc nhiều tổ chức tín dụng dẫn đến mất khả năng thanh toán, bị tăng lãi phạt, phát sinh nợ xấu.

Nâng cao trách nhiệm với khoản vay của chính mình là cách để tránh xa vòng xoáy nợ nần khi vay tiêu dùng.

Vì sao nhiều người đi vay không trả được nợ

Anh Lê Anh T., cư trú tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho biết, gia cảnh khó khăn, để có thêm phương tiện làm ăn, gia đình anh vay vốn mua xe máy trả góp của công ty tài chính. Mỗi tháng anh phải trích khoảng 1,5 triệu đồng từ tiền lương để trả nợ. Sau hơn 1 năm trả góp, giờ đây đã trả xong nợ, anh vui mừng vì mình chính thức được sở hữu chiếc xe.

Còn chị Nguyễn Thị M. (quận Hải Châu) nhờ khoản vay vốn tiêu dùng, đầu năm 2019 chị đã mua được laptop cho con trai và có tiền đóng học cho con gái thứ 2 khi cháu vào đại học. Với sạp tạp hóa nhỏ, ngoài tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, chị M tích cóp trả nợ, đến nay khoản nợ đã hoàn tất và được thanh lý.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người dân đã vay và sử dụng vốn vay tiêu dùng hiệu quả. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng xác định được mục tiêu và có lộ trình trả nợ rõ ràng như hai nhân vật kể trên. Một số trường hợp, người vay không thể trả được nợ theo đúng kế hoạch do không tự xây dựng được kế hoạch tài chính cá nhân.

Thực tế thị trường cho vay tiêu dùng thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều trường hợp, người đi vay quyết định vay trả góp/ vay tiêu dùng không có kế hoạch. Vay nhưng không xác định được nguồn thu nhập, không cân đối được nguồn tiền trả nợ hằng tháng, dẫn đến tình cảnh trả chậm, không thể thanh toán các khoản vay khi đến hạn, bị tăng lãi phạt, phát sinh nợ xấu.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng: “Nguyên nhân dẫn tới trường hợp trên, phần lớn là do khách hàng vội vã, không đọc kỹ hợp đồng và không suy tính kỹ khả năng trả nợ, không tính toán số lãi cụ thể. Tức là người vay đã không định lượng, mà chỉ cảm tính. Đến khi được thông báo số tiền lãi thì lại thấy cao hơn con số mình đã nghĩ, trả chậm bị áp dụng chế tài thì họ lại nghĩ mình bị lừa. Trên thực tế, tất cả đều đã ghi rõ trên hợp đồng”.

Quy tắc vay vốn an toàn

Để giúp người dân có thể vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đúng hạn, không vướng vào vòng xoáy nợ nần, các chuyên gia tài chính khuyến nghị người đi vay cần lưu ý những điều như sau:

Thứ nhất, hãy cân nhắc thật kỹ xem bạn có thật sự cần vay tiền hay không. Sau đó, lên kế hoạch chi tiết, thận trọng về việc hoàn trả tiền.

Thứ hai, khi đã quyết định vay, người đi vay cần lựa chọn tổ chức cho vay uy tín. Hiện nước ta có 16 công ty cho vay tiêu dùng chính thống được phép hoạt động. Chọn vay từ một trong các tổ chức này sẽ giúp khách hàng không bị vướng vào mối quan hệ tín dụng với tổ chức, cá nhân cho vay phi pháp. Người đi vay không nên cùng lúc vay nhiều tổ chức khác nhau. Bởi nếu không có khả năng thanh toán, nhiều tổ chức tín dụng cùng lúc nhắc nhở ở cùng một thời điểm sẽ gây ra hiểu lầm đáng tiếc.

Thứ ba, khi đã quyết định vay, người đi vay cần đọc các điều khoản và điều kiện, cũng như tìm hiểu kỹ các mức phí phạt lẫn lãi suất mình phải chịu nếu như quyết định vay. Khi vướng phải bất kỳ thắc mắc nào, có thể yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp làm rõ trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền. “Khi vay tiêu dùng cần chú ý vào mức lãi suất, các khoản phí và các điều kiện trả nợ khác. Mặt khác, thời hạn vay càng ngắn càng tốt, nếu vay dài thì lãi suất sẽ cao hơn và rủi ro về lãi suất và trả nợ cũng lớn hơn”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Thứ tư, cân nhắc khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng. Đừng bao giờ vay vốn nếu đang thất nghiệp hay không có dự trữ tài chính, bởi ký kết khoản vay lúc này sẽ khiến người vay rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ. Khoản vay sẽ ngày càng phình to vì các loại phí phạt chậm trả.

Để tránh tình huống này, TS Cấn Văn Lực khuyên rằng, người đi vay nên tính toán khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hằng tháng, để đảm bảo mình luôn trả nợ đúng hạn, bởi số tiền còn lại sẽ được chi trả cho những nhu cầu khác của cuộc sống như ăn, mặc, ở, đi lại… Đặc biệt, người vay tiền nên có ý thức thực hiện đúng cam kết, trích phần thu nhập vào tài khoản trả nợ ngân hàng, chứ không thể tùy hứng tiêu pha lung tung.

Việc thận trọng khi ký kết khoản vay, có trách nhiệm với khoản vay chính là cách để sử dụng vốn vay tiêu dùng hiệu quả, không tạo áp lực nợ nần cho người vay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top