Đó là kiến nghị được đưa ra từ nhiều nhà đầu tư, chuyên gia luật.
“Cần có cơ chế bảo lãnh chính phủ và điều này phải được luật hóa, thay vì quy định chung chung như hiện nay”, ông Phan Xuân Dương, Phó giám đốc CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 nhắc đi nhắc lại điều này khi gửi ý kiến góp ý về dự thảo Luật PPP tới Ban soạn thảo.
Các cam kết về bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư hiện nay, theo ông Dương, vẫn còn khá chung chung. Ðiều này không làm cho các nhà đầu tư thấy an tâm và an toàn khi đầu tư.
“Nghe nói đến bảo lãnh của chính phủ, nhiều ý kiến coi đó là việc rủi ro, chịu trách nhiệm và sẽ khước từ ngay từ đầu. Mỗi hình thức đầu tư sẽ có các yêu cầu về bảo lãnh chính phủ khác nhau, ví dụ, cần có bảo lãnh chính phủ về doanh thu tối thiểu, hay bảo lãnh trách nhiệm của chính phủ về chuyển đổi ngoại tệ”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong các dự án điện, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) được Chính phủ đứng ra bảo lãnh gián tiếp, cam kết mua hết lượng điện đã sản xuất ra theo cam kết.
Do đó, trong dự án giao thông, cũng cần có bảo lãnh tối thiểu số lượng doanh thu do thu phí dịch vụ. Ðiều này để chứng minh trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý khi lập dự án đầu tư về doanh thu của dự án trước khi kêu gọi đầu tư.
Ðối với bảo lãnh về trách nhiệm chuyển đổi ngoại tệ, theo ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các dự án PPP tại Việt Nam đều mang ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Vì vậy, họ cần phải có ngoại tệ để trả vốn vay, vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trong kinh doanh. Trong kinh doanh thông thường, họ sẽ ký hợp đồng chuyển đổi ngoại tệ với ngân hàng chuyển đổi.
Họ không cần bất kỳ một lượng dự trữ ngoại hối nào mà Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước cần phải bảo đảm cung cấp. Ðiều đó không làm tăng áp lực cho dự trữ ngoại hối của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường ngoại hối được quản lý và điều hành bởi Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Vì vậy, nếu các ngân hàng chuyển đổi không có hoặc không thể chuyển đổi ngoại tệ được, Chính phủ phải gánh chịu trách nhiệm thông qua các bảo đảm về cơ chế chuyển đổi ngoại tệ.
“Nếu điều này xảy ra, Chính phủ phải chịu trách nhiệm về lỗi của mình. Ðó là điều chưa được làm rõ trong dự thảo Luật PPP”, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện nhận xét.
Ðồng quan điểm về sự cần thiết một cơ chế bảo lãnh chính phủ cụ thể, luật sư Lê Nết thuộc Văn phòng LNT và cộng sự cho rằng, nên nhìn nhận PPP là một loại hợp đồng mua bán mà ở đó, Chính phủ là người đảm bảo dòng tiền.
“Song hiện nay, bất cập ở chỗ Việt Nam đang sử dụng quy trình đầu tư công không phù hợp với PPP, với nhiều cơ quan ban ngành liên quan. Ðiều này có thể hạn chế sự hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư, gây khó khăn cho họ khi dự án phát sinh vấn đề. Có thể nhà đầu tư chưa nhận thấy những khó khăn này từ đầu vì họ đã đấu thầu rồi, song khi dự án bị dừng thì họ mới thấy xin thay đổi là khó như thế nào”, luật sư Lê Nết nhận xét.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đặt vấn đề như vậy khi phát biểu tại cuộc tọa đàm mới đây về Dự thảo Luật PPP.
“Nếu sợ mà bỏ cơ chế bảo lãnh thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì họ cảm thấy chưa đủ sự yên tâm, tin tưởng”, ông Thanh nói và dẫn chứng, thực tế sơ tuyển tại các dự án BOT thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông cho thấy dù nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ rất quan tâm đến lĩnh vực đường cao tốc nhưng họ vẫn không tham gia với lý do chính là không có sự bảo lãnh cần thiết.
“Nên xem xét ở hiệu quả tổng thể. Nếu chấp nhận bỏ ra chi phí bảo lãnh mà giúp tổng thể hiệu quả tốt hơn đầu tư công thì không có lý do gì mà không bảo lãnh”, ông Thanh nhấn mạnh.
Từ góc độ Ban soạn thảo Dự án Luật PPP, ông Nguyễn Ðăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Ðấu thầu cho biết, một trong những vấn đề được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đối với sự chuyển biến trong chính sách PPP của Việt Nam là cơ chế bảo đảm của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, việc thiếu hụt chính sách đối với các cơ chế này trong dự án PPP là một nguyên nhân dẫn tới một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải tạm dừng như dự án Dầu Giây - Phan Thiết, Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Trong khi đó, các dự án BOT điện lại thu hút được các nhà đầu tư quốc tế bởi Chính phủ đã đưa ra các cam kết bảo lãnh cho nhà đầu tư như hợp đồng mua điện (PPA) từ EVN, tương tự hình thức bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư, bảo lãnh nghĩa vụ của Bộ Công thương trong hợp đồng hoặc bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ hiện được áp dụng tỷ lệ 30%.
“Về bản chất, dự án PPP là dự án công được đầu tư tư, nên Nhà nước cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc đảm bảo tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ về vốn trong giai đoạn xây dựng, giải phóng mặt bằng hoặc công cụ bảo đảm, bảo lãnh.
Từ đó mới thu hút được nguồn lực tài chính lớn hơn từ phía khu vực tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng”, ông Trương nhấn mạnh quan điểm của Ban soạn thảo đã được Chính phủ chính thức đưa vào tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khẳng định chủ trương của Chính phủ là Luật PPP cần được thiết kế với mục tiêu ổn định, lâu dài, chứ không chỉ một, hai dự án hiện tại, ông Trương cho biết, dự thảo Luật cần quy định đầy đủ công cụ nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành với khả năng cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ.
Quy định về bảo đảm chính phủ chỉ là khung nguyên tắc và điều kiện, là công cụ để Chính phủ điều hành trong từng trường hợp cụ thể, chứ không áp dụng tràn lan.
Tại dự thảo Luật PPP trình Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 cơ chế, gồm cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Chính phủ quyết định cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng trường hợp dự án PPP bằng nghị quyết của Chính phủ.
Dự án được xem xét phải thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp dự án đã thực hiện quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, nhưng thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án.
Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Dự thảo Luật thiết kế cơ chế để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế; đồng thời cho Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu.
Cách tiếp cận này vẫn tôn trọng cơ chế thị trường, đồng thời tránh trường hợp nhà đầu tư ỷ lại, không phát huy năng lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư một cách thực chất.
Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu phải là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cơ quan ký kết hợp đồng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp chia sẻ rủi ro như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng, nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh của dự án.