Đó là nhận định của ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) tại Hội thảo "Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp cùng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 23/8.
Ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết, mặc dù tình hình kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức, song tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã kiên định với chính sách tài khóa mở rộng, những chính sách này đã được triển khai mạnh mẽ, đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo ra tác động tích cực, giúp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó phát triển ổn định trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Theo đó, trong giai đoạn này, thu ngân sách nhà nước đều vượt xa so với dự toán ban đầu. Cụ thể, năm 2021, thu ngân sách đã vượt 233.000 tỷ đồng; năm 2022, con số này tiếp tục tăng, đạt mức vượt 406.000 tỷ đồng; và đến năm 2023, thu ngân sách lại vượt thêm khoảng 133.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 108,2% so với dự toán ban đầu. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều thu vượt dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực đầy đủ để thực hiện các nhiệm vụ chi theo kế hoạch và đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh. Bội chi ngân sách nhà nước ước tính ở mức khoảng 3,6 - 3,7% GDP, thấp hơn đáng kể so với mức dự toán mà Quốc hội đã quyết định là 4,42% GDP.
Cùng với những kết quả đáng khích lệ này, công tác quản lý chi ngân sách nhà nước cũng được thực hiện một cách chặt chẽ, với việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán đầu năm và trong suốt quá trình điều hành. Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao kỷ luật và kỷ cương tài chính, ngân sách. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như thuế, hải quan và kho bạc nhà nước.
Dựa trên những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Như Quỳnh đề xuất, chính sách tài khóa mở rộng (thực hiện từ những năm trong và sau đại dịch Covid-19) chỉ nên được duy trì đến cuối năm 2024 và từ năm 2025 không nên tiếp tục áp dụng.
Giải thích thêm về quan điểm này, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, năm 2025 sẽ mở ra một chu kỳ mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, các chính sách tài khóa cũng cần phải được điều chỉnh về trạng thái bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc các chính sách miễn, giảm thuế, phí như hiện nay cũng sẽ chấm dứt. Ví dụ, mức thuế giá trị gia tăng đã được giảm từ 10% xuống còn 8% trong thời gian vừa qua, có thể sẽ quay trở lại mức 10% sau năm 2024.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Như Quỳnh cũng dẫn chứng một số quốc gia đã thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt lại để minh họa cho đề xuất nêu trên. Như Singapore đã tăng thuế hàng hóa và dịch vụ từ 7% lên 8% vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 9% năm 2024. Tương tự, Cộng hòa Séc cũng đã quyết định tăng thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm 2024 như một phần trong nỗ lực thắt chặt tài khóa của quốc gia này. Điều đó cho thấy xu hướng của nhiều nước trong việc điều chỉnh các chính sách thuế để đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định trong bối cảnh kinh tế mới.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cũng đánh giá cao những kết quả tích cực từ việc thực thi chính sách tài khóa trong thời gian qua. Theo đó, các chính sách hỗ trợ đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau những khó khăn do đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể, cho thấy hiệu quả của các biện pháp bảo vệ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, an ninh xã hội cũng được đảm bảo tốt hơn, nhờ các chính sách tài khóa linh hoạt và kịp thời, góp phần duy trì ổn định xã hội trong bối cảnh nhiều thách thức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra, trên thực tế trong những năm gần đây, quá trình thực thi và hiệu quả của chính sách tài khóa còn một số bất cập. Cụ thể, việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ vẫn còn chậm, dẫn đến kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Theo ông Lực, pháp luật liên quan đến đầu tư công và đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) vẫn chưa thực sự đồng bộ, đôi khi chỉ mang tính đa mục tiêu hoặc mục tiêu không rõ ràng. Điều này đã dẫn đến hiệu quả đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn ở mức thấp, đặc biệt là quá trình giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 vẫn diễn ra chậm và không đồng đều, điều này gây ảnh hưởng đến khả năng đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Vị chuyên gia kiến nghị một số giải pháp cụ thể để cải thiện hiệu quả chính sách tài khóa. Đầu tiên, cần tập trung vào việc thực thi hiệu quả các chương trình, gói hỗ trợ và tiến hành tổng kết, đánh giá các chương trình đã triển khai. Đồng thời, nhấn mạnh việc cải cách mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng đề xuất sửa đổi các luật liên quan như Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư công để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư. Về mặt tài chính, cần đa dạng hóa nguồn vốn cho đầu tư phát triển, bao gồm việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công nhằm thu hút thêm nguồn vốn. Cuối cùng, cần nâng cao hiệu quả của các loại quỹ trong và ngoài ngân sách, đồng bộ hóa huy động các nguồn lực như vật lực, nhân lực và tài lực để đảm bảo phát triển bền vững./.