Aa

Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm: Khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn cần "tiếp sức sớm"

Thứ Sáu, 16/08/2024 - 09:20

7 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ số kinh tế Việt Nam cải thiện tích cực. Đa số các doanh nghiệp đang cố gắng ổn định, nâng cao sức khỏe nội tại để bắt nhịp với những "đợt sóng" phát triển mới. Tuy nhiên, chuyên gia chỉ ra, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lớn cần những trợ lực mới và lớn hơn.

Nền kinh tế cải thiện tích cực nhưng vẫn đối mặt với những "xu hướng ngược"

Sáng 15/8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8 năm 2024. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin: Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt. Bộ, ngành, địa phương có tinh thần cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn.

Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024. Đến hết tháng 7/2024, 63/63 địa phương hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch, 60/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê báo cáo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 63 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,8 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,7 tỷ USD, tăng 16,9%. 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD, cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD, bình quân 7 tháng CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

7 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 139.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm: Khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn cần "tiếp sức sớm"- Ảnh 1.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: "Những con số trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang cải thiện một cách tích cực, tăng trưởng GDP nhìn chung tốt và không có gì ngạc nhiên khi thế giới dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024".

Song, ông Thiên cũng chỉ ra những "xu hướng ngược" đáng quan tâm. Đó là, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 chưa được 5%, thấp hơn nhiều so với mức 15% theo dự định. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang cần nhiều vốn, đặc biệt, các doanh nghiệp nội địa đang "khát vốn" từ nhiều năm qua, thì tăng trưởng tín dụng thấp chứng tỏ khả năng phục hồi hay điều kiện tiếp nhận tín dụng của doanh nghiệp đang ở mức đáng lo ngại.

Điểm thứ hai, so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (5,8% - 139.000 doanh nghiệp), nhưng tỷ lệ tăng thấp hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động (10,7% - gần 126.000 doanh nghiệp). Lưu ý doanh nghiệp thành lập mới đang ở mức độ mới đăng ký, chưa đi vào hoạt động để tạo ra sản lượng, việc làm, ngân sách.

Điểm thứ ba, quy mô của doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhỏ đi, theo quan sát báo cáo của Tổng cục Thống kê. Đây là xu hướng ngược rất đáng lo ngại. Mà trình độ, quy mô doanh nghiệp yếu và nhỏ thì ảnh hưởng đến năng lực của nền kinh tế nói chung.

"Chúng ta đừng chỉ quan tâm đến số lượng doanh nghiệp nhiều lên, mà phải quan tâm đến sức mạnh, thực lực của từng doanh nghiệp. Nếu chỉ nhìn mặt tích cực mà đánh giá chính sách đã ổn, không phải nỗ lực nhiều nữa thì không nên. Chúng ta phải nhìn nhận cân bằng, để đề xuất chính sách không bị thiên lệch", ông Thiên chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng ghi nhận bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm 2024 đã tươi sáng hơn. Nhờ những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô đúng đắn của Chính phủ, nền kinh tế đang phát triển ổn định, thị trường vàng bình ổn, dòng tiền quay trở lại ngân hàng cho thấy người dân vẫn đặt niềm tin vào hệ thống.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn để duy trì doanh thu, lợi nhuận. Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xoay xở để trả lãi, chưa nói đến việc huy động thêm vốn sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang vận hành theo những xu hướng mới, để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, rất cần trợ lực sớm từ nhiều phía.

Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm: Khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn cần "tiếp sức sớm"- Ảnh 2.

Doanh nghiệp nhỏ muốn đứng được trong cuộc cạnh tranh toàn cầu phải có những tập đoàn lớn trụ cột dẫn dắt. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp cần "tiếp sức sớm"

Trước những khó khăn đối với doanh nghiệp nội địa, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết các tắc nghẽn về thể chế chính sách, đặc biệt là nguồn vốn.

"Doanh nghiệp đương nhiên phải chống chọi để sinh tồn. Nhưng thị trường nghiệt ngã nên sự hỗ trợ của Nhà nước và môi trường kinh doanh cần ngày càng được cải thiện làm sao để tiếp sức cho doanh nghiệp đủ sớm", ông Thiên nêu.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, để khơi thông vấn đề tín dụng, nâng cao hiệu quả chính sách tài khóa, cần đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi; nguyên tắc vận hành, lòng tin cho vay đang dựa vào những điều kiện, cam kết toàn cầu chứ không chỉ dựa trên tài sản là đất đai.

Theo ông Thiên, nếu chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn xét cho vay giống như trước đây, trong khi cấu trúc thương mại, sản xuất, công nghiệp… đều đã thay đổi, thì làm khó doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phải xác định kinh tế số, đặc biệt kinh tế xanh là vấn đề sống còn. Chúng ta phải nâng cao sức mạnh bằng kinh tế số và tuân thủ cam kết toàn cầu để hội nhập, phát triển. Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng hãy xem đó là cơ hội. Thách thức buộc chúng ta phải thay đổi, từ Chính phủ, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Chỉ khi nhìn nhận với thái độ tích cực thì đất nước sẽ chuyển mình rất nhanh.

"Doanh nghiệp nhỏ muốn đứng được trong cuộc cạnh tranh toàn cầu dứt khoát phải có những tập đoàn lớn trụ cột dẫn dắt. Vì vậy, cần có thái độ đúng đắn hơn đối với sự phát triển của những doanh nghiệp lớn này", ông Thiên nhìn nhận.

Kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm: Khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn cần "tiếp sức sớm"- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: VGP)

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VAFIE cho rằng, Việt Nam đã có luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng vẫn chưa có luật hay nghị định hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là điều cần thiết, bởi giá trị gia tăng doanh nghiệp nhận được khi đầu tư ra nước ngoài còn ít. Doanh nghiệp Việt đang thiệt thòi bởi phải chia miếng bánh lợi nhuận, khi không tham gia được nhiều khâu và không tham gia được ở phân khúc cao.

Ông Toàn cũng nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, Nhà nước đẩy mạnh định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cần thiết trợ giúp cả doanh nghiệp lớn. Chỉ doanh nghiệp lớn đủ sức phát triển, cạnh tranh với toàn cầu và từ đó mới có thương hiệu quốc gia.

"Những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã nghĩ lớn, làm lớn nhưng cần hỗ trợ họ mạnh mẽ hơn, thì mới có sản phẩm "Made in Vietnam" cạnh tranh với toàn cầu. Việt Nam phải có những doanh nghiệp lớn, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ trong nước", ông Toàn nêu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top