Aa

Đề xuất giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - “cửa thoát hiểm” cho doanh nghiệp

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 20/04/2023 - 06:09

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có các biện pháp giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp. Thông tin này khiến không ít doanh nghiệp “thở phào” trước nỗi lo nhảy nhóm nợ.

Trước đó, Reatimes đã thông tin xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại khi bước sang năm 2023 - thời kỳ “đỉnh nợ” trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý, một loạt doanh nghiệp bất động sản không thể trả nợ các lô trái phiếu tới kỳ đáo hạn nên phải “khất nợ” với nhà đầu tư, đồng thời lùi thời điểm thanh toán.

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam (VSCE) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp… kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.

Trong đó có kiến nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản…

Đề xuất giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - “cửa thoát hiểm” cho doanh nghiệp

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản. Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là thông tin được đánh giá là tích cực cho thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Trước thông tin này, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho hay, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chật vật tìm cách xoay sở để không bị nhảy nhóm nợ. Thời khắc gần như không cầm cự được nữa thì nhận được thông tin Nghị quyết 33 ra đời, đặc biệt là việc Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền kiến nghị của doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; 

“Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất, phát triển các dự án. Không những vậy, thông tin này còn giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được các đối tác nước ngoài, quỹ đầu tư để liên doanh, liên kết hoặc bán các dự án để thu hồi vốn, tái cơ cấu”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Theo nguồn tin của Reatimes, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành dự thảo thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, thông tư này được các tổ chức tín dụng và tất cả khách hàng của các tổ chức tín dụng bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà mong ngóng.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Phòng Nghiên cứu và Phân tích Đầu tư FIDT nhận định với ngành ngân hàng, thông tin cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được mong đợi sẽ tác động tích cực hơn là thông tin giảm lãi suất. Thứ nhất, lãi suất ngân hàng dù đã giảm 1 - 2% nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Thứ hai, sau Covid-19 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thậm chí cá nhân cũng gặp khó khăn, câu chuyện đang nằm ở vấn đề thanh khoản cung - cầu trên thị trường tín dụng đôi khi không gặp nhau. Ví dụ, anh A là đối tượng ngân hàng ưa thích, tài chính tốt, muốn cho vay tuy nhiên trong bối cảnh này chưa chắc anh A muốn vay vì kinh tế khó khăn chưa biết đầu tư vào đâu? Trong khi đó, người cần vay hơn là anh B lại bị đánh giá vào nhóm nợ xấu. Như vậy, khi Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được ra đời sẽ giúp cung - cầu gặp nhau và tác động tích cực cho nhóm ngân hàng. 

Xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại. (Ảnh minh hoạ: Vneconomy)
Xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại. Ảnh minh hoạ: Reatimes

Đối với người vay, sẽ được áp dụng với các khoản vay, cho thuê tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi nếu đang khó khăn. Các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng được hưởng lợi ở các khoản vay phục vụ cho kinh doanh bất động sản. Nhưng cá nhân đang vay mua bất động sản sẽ không được hưởng lợi vì không thuộc đối tượng thụ hưởng.

“Thời hạn cơ cấu kéo dài tối đa 1 năm theo chúng tôi là đủ để các doanh nghiệp cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh (trừ khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào 2024)”, ông Huỳnh Hoàng Phương nhận định.

Chuyên gia FIDT cho rằng, đây là 1 thông tin tích cực vì sẽ hỗ trợ mạnh cho nhóm ngân hàng, bất động sản và cả nền kinh tế, trong đó 2 nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index.

Kết hợp với các biện pháp giảm thuế đang chuẩn bị và gia hạn nộp thuế cho thấy sự hỗ trợ đồng bộ của cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang mang lại kỳ vọng lớn cho thị trường và nền kinh tế.

Giới phân tích cho rằng, động thái can thiệp hỗ trợ thị trường tài chính và bất động sản của Chính phủ có sự chọn lọc kỹ càng, doanh nghiệp nào qua được giai đoạn này sẽ tiếp tục phát triển còn doanh nghiệp nào trước đây làm ăn không uy tín sẽ rất khó để tồn tại. Đây là sự hỗ trợ có chọn lọc giúp cho doanh nghiệp và ngành kinh tế hồi phục hiệu quả mà không rơi vào tình trạng như giai đoạn 2012. Ngoài ra, độ trễ chính sách vẫn có do đó doanh nghiệp, cần thời gian chờ đợi chính sách được thực thi thẩm thấu"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top