Aa

Đề xuất không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Năm, 21/05/2020 - 16:00

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Sáng ngày 21/5, Quốc hội thảo luận phiên cuối về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước khi bấm nút thông qua vào ngày 16/6 tới đây.

Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Vướng mắc lớn nhất được các đại biểu đưa ra tranh luận là về quy định luật hóa đối tượng hộ kinh doanh.

Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn với doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, hồ sơ đăng ký kinh doanh được quy định trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được đơn giản hóa. Theo đại biểu, sự thay đổi này là phù hợp, tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, song song với sự thuận lợi này, cũng cần phải có cơ chế quản lý, thanh tra chặt chẽ hơn để tránh việc các doanh nghiệp vi phạm về vấn đề thuế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu cũng nêu hiện đang có tình trạng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh rất lớn, nhưng thực tế số doanh nghiệp đang hoạt động lại ít hơn nhiều. Do vậy, dự thảo Luật cũng cần có các quy định về quản lý, thanh tra cho phù hợp.

Đối với mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp được nhắc đến trong dự thảo luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng tình với quy định này, nhưng đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động cụ thể về quy định này, nếu triển khai quy định này trong thực tế liệu có đảm bảo được cơ chế kiểm soát và đủ cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra hay không?

Không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. 

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Mặt khác, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu

Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định; số lượng hộ kinh doanh hoạt động ở nước ta rất lớn. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào Luật thay vì Nghị định để tăng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần tách hộ kinh doanh thành một luật riêng sẽ hợp lý hơn, chứ không nên đưa nội dung này vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vì như vậy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không thể bao hàm được hết.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh điều chỉnh bởi văn bản Luật là cần thiết, tuy nhiên đại biểu cho rằng, cách thức hoạt động và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với các doanh nghiệp, nếu chính sách, quy định của chúng ta chưa phù hợp có thể gây khó khăn cho hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. 

"Cần xây dựng một Luật riêng cho phù hợp. Còn nếu vẫn quyết định đưa nội dung này vào Luật, đại biểu cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật cũng cần phải thay đổi thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh để phù hợp với nội dung cũng như phạm vi điều chỉnh", đại biểu Trần Văn Tiến nêu quan điểm.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký. 

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top