Báo Xây dựng đưa tin, Ban Quản lý Dự án 5 vừa trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tăng cường mặt đường và cải tạo các điểm nguy hiểm, mất an toàn giao thông trên một số đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Nam, Kon Tum cũ).
Theo Ban Quản lý Dự án 5, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Khu Quản lý đường bộ III được xây dựng từ năm 2000 và đưa vào khai thác từ 2004-2005. Tuy nhiên, sau gần 20 năm khai thác với lưu lượng và tải trọng phương tiện tăng mạnh, nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các đoạn thuộc nhánh Đông qua Quảng Nam và Kon Tum, vốn được thiết kế với mặt đường bê tông xi măng.
Trong đó, đoạn đèo Lò Xo - dài 37km, chạy dọc sườn núi trên địa bàn TP. Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam cũ) và tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Kon Tum cũ) - là một trong những cung đường nguy hiểm nhất tuyến Hồ Chí Minh. Với địa hình quanh co, hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, lại thường xuyên chịu tác động của mưa lũ, đoạn này đã nhiều lần hư hỏng nền, móng và phát sinh sự cố nhanh chóng. Từ khi khai thác năm 2004 đến nay, đèo Lò Xo đã chứng kiến hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng, phần lớn xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng. Nhiều vị trí trên tuyến không có sóng điện thoại, gây khó khăn cho việc liên lạc cứu hộ. Người dân vì thế vẫn gọi đây là “cung đèo tử thần”.

Đèo Lò Xo được gọi là “cung đèo tử thần”. Ảnh: Internet
Để khắc phục tình trạng này, Ban Quản lý Dự án 5 đề xuất chia dự án thành 3 đoạn đầu tư:
Đoạn 1: Từ Km1349+980 đến Km1365+230 (dài hơn 15km) thuộc xã Khâm Đức, TP. Đà Nẵng.
Đoạn 2: Từ Km1380+680 đến Km1407+495 (dài hơn 26km) thuộc xã Phước Năng, TP. Đà Nẵng.
Đoạn 3: Từ Km1047+495 đến Km1431+127 (dài hơn 23km) thuộc xã Đắk Pék, tỉnh Quảng Ngãi, kết thúc tại cầu Đăk Pôcô.
Dự án được đề xuất xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h, với những đoạn địa hình phức tạp châm chước xuống 40km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1.983 tỷ đồng, lấy từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026–2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ khởi công từ năm 2026, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030.
Theo Ban Quản lý Dự án 5, dự án này không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, nâng cao năng lực vận tải trên đường Hồ Chí Minh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho các đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh quốc phòng và trật tự xã hội cho khu vực Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng nói riêng, cũng như toàn bộ miền Trung - Tây Nguyên nói chung.