Từ ngày 17/6/2024, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 7, với chương trình nghị sự về nhiều dự án Luật, trong đó có Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp do có nhiều đề xuất đáng lưu ý và có thể tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Nếu những kiến nghị của doanh nghiệp không được xem xét thấu đáo, trong trường hợp Quốc hội thông qua Dự án Luật Thuế GTGT vào kỳ họp thứ 8 diễn ra tháng 10/2024, việc thực thi Luật vào năm 2025 chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc và môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều doanh nghiệp kiến nghị và bày tỏ ý kiến với Chính phủ và các cơ quan liên quan là đề xuất thu hẹp diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với nhóm dịch vụ xuất khẩu.
Hiện nay, Dự thảo luật thuế GTGT sửa đổi đang đề xuất giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu (hưởng thuế GTGT 0%) là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.
Về vấn đề này, đại diện của Deloitte Việt Nam, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, đã chia sẻ ý kiến chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thuế và hải quan.
PV: Thưa ông Bùi Ngọc Tuấn, ông có thể chia sẻ về đề xuất thu hẹp diện áp dụng thuế GTGT 0% đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tại Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Đối tượng bị tác động nhiều nhất của đề xuất này chính là các doanh nghiệp chế xuất hiện đang được áp dụng chính sách của khu phi thuế quan. Đây là loại hình doanh nghiệp được lựa chọn nhiều nhất khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn của các nước, để tổ chức hoạt động sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, mang lại lượng lớn ngoại tệ cho đất nước và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Với dự thảo quy định mới về thuế suất 0% thuế GTGT, hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp này cũng nằm trong phạm vi bị tác động do tính chất liên thông của sắc thuế gián thu khi bên bán phát sinh thuế GTGT đầu ra còn bên mua phát sinh thuế GTGT đầu vào tương ứng.
PV: Thưa ông, ông có thông tin về số liệu cụ thể của doanh nghiệp?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Đại diện Công ty Trina Solar gần đây cho biết doanh nghiệp này nhập khẩu 80% nguyên vật liệu trong nước và nếu thu hẹp diện áp dụng thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu như đề xuất tại Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, chi phí có thể tăng 6%, tăng thủ tục hành chính để thực hiện hoàn thuế. Công ty này đã mất đến gần 2 năm để thực hiện hoàn thuế trước đây, đây là một thời gian rất dài chưa kể tác động lớn đến tình hình tài chính và dòng tiền luân chuyển đưa vào sản xuất do số thuế thường khá lớn.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp chế xuất cỡ trung ở Việt Nam, chúng tôi được biết con số tuyệt đối nếu phát sinh thêm thuế GTGT đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu Đô la Mỹ cho một năm, chưa kể các rắc rối về thủ tục hoàn thuế (nếu áp dụng).
PV: Ông đánh giá thế nào về nhận định mang tính tổng thể rằng đề xuất hiện nay có thể tác động xấu đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, như quan ngại của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, thông qua chia sẻ của ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Tờ trình gửi Chính phủ, một trong những kết quả đáng ghi nhận của việc thực hiện Luật Thuế GTGT hiện hành trong những năm qua là tác động tích cực đến tình hình xuất khẩu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua chính sách hoàn thuế.
Theo số liệu của cơ quan thuế được chia sẻ tại nội dung báo cáo của Bộ Tài chính, số tiền hoàn thuế GTGT tăng qua các năm, trong đó số tiền hoàn thuế bình quân giai đoạn 2013-2021 chiếm tới gần 1/3 (27,1%) tổng thu từ thuế GTGT. Kết quả này được đánh giá là đã giúp khuyến khích xuất khẩu, hạ giá bán của sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ quốc tế hiện nay đang được áp dụng thuế GTGT đầu ra 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung, và đây là một phần quan trọng giúp doanh nghiệp áp dụng chính sách hoàn thuế GTGT.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng liên quan đến doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu hàng hóa đang hoạt động ổn định như hiện nay, đề xuất bãi bỏ chính sách thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu, bao gồm dịch vụ cung cấp ra nước ngoài và cung cấp cho khu phi thuế quan (trừ 3 nhóm dịch vụ đang được đề xuất giữ lại áp dụng thuế 0%) sẽ lập tức làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như các dự án đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Tôi cho rằng chia sẻ của Tập đoàn Samsung về tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của "ông lớn" này tại Việt Nam cũng là một vấn đề cần đánh giá nghiêm túc vì mức độ ảnh hưởng cả về số lượng doanh nghiệp và chi phí tuyệt đối do phát sinh thêm thuế GTGT đầu ra mà nhóm đối tượng này bị tác động.
PV: Vậy theo ông, vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?
Ông Bùi Ngọc Tuấn: Nền kinh tế Việt Nam, kể từ khi hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới gần 20 năm trở lại đây, luôn luôn lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng trưởng qua các năm. Một trong những lý do giúp thúc đẩy xuất khẩu chính là nhờ các chính sách thuế của Việt Nam với tác động chủ yếu từ thuế GTGT 0% cho các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Với những tác động có thể nhìn thấy rõ và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay đối với Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, tôi cho rằng cần có nhìn nhận thật sâu sắc về đề xuất của Chính phủ trong thời gian nghị sự của Quốc hội, từ đó cân nhắc đưa ra quyết định thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của cả Nhà nước, nền kinh tế và doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!