Aa

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo Gia Nguyễn/Diễn đàn Doanh nghiệp
Theo Gia Nguyễn/Diễn đàn Doanh nghiệp
Chủ Nhật, 17/03/2024 - 17:05

Trước đề xuất thay đổi mức đánh thuế dịch vụ xuất khẩu, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc để đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp…

Theo đó, khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định theo hướng sẽ đánh thuế 10% với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế suất 0% như trước.

Cụ thể, các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng, về cơ bản là mức 10%.

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Khoản 1 Điều 9 của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định theo hướng sẽ đánh thuế 10% với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế suất 0% như trước - Ảnh minh họa: ITN

Cơ quan soạn thảo cho rằng, lý do sửa đổi theo đề xuất đã nêu xuất phát từ việc thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.

Trước đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về nội dung này, bởi nếu quy định như đề xuất không chỉ tạo ra sự thiếu công bằng, mà còn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Liên quan vấn đề này, mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có Công văn số 31/CV-VASEP gửi các bộ, ngành: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Tổng cục Thuế.

Theo VASEP, quy định như đề xuất tại Dự thảo là chưa hợp lý bởi, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Do đó, việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ, xu hướng của thế giới, tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với các nước.

Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đề xuất, cân nhắc việc áp thuế với dịch vụ xuất khẩu để đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa vẫn được khấu trừ. Thậm chí, thủ tục hoàn thuế sẽ càng đơn giản hơn vì được khấu trừ cho dịch vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế.

“Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi vì cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ. Đồng thời, khi áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất là sai với nguyên tắc thu thuế và đối tượng chịu thuế”, VASEP nhìn nhận.

Cũng theo VASEP, đối với các doanh nghiệp chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều. Chính sách thuế bất lợi sẽ khiến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới.

Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ giai đoạn đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hóa luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15%/năm.

Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của việc đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất bằng việc xem doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, giúp doanh nghiệp giảm bớt quy trình, thủ tục hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn nhanh chóng.

“Đây là cơ chế ưu việt, cạnh tranh và rất tốt của Chính phủ Việt Nam về thu hút đầu tư so với nước khác. Do đó, áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu không những giảm sự cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất mà còn tạo thêm nhiều thủ tục về thuế cho doanh nghiệp chế xuất. Đồng thời, đi ngược lại với chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia của Chính phủ”, VASEP nhận định.

Đồng thời đề nghị, giữ nguyên quy định về thuế, cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Cùng quan điểm với VASEP, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, quy định như Dự thảo đề xuất là không phù hợp bởi, định hướng của Việt Nam là đang ưu tiên xuất khẩu. Hiện, trong hoạt động thương mại có thặng dư, nhưng dịch vụ xuất khẩu lại bị thâm hụt, thậm chí thâm hụt nhiều. Vì thế, muốn đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu thì chúng ta càng không thể đánh thuế.

Mặt khác, lý do đưa ra là không phân biệt được doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước thì lại càng không nên. Đừng vì việc khó phân biệt mà cơ quan chức năng đánh thuế tất cả.

Chưa kể, lĩnh vực dịch vụ là một trong những lĩnh vực quan trọng để từ đó có thể thay đổi kết cấu của nền kinh tế mà hiện nay chúng ta đang mong muốn đó là tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ, công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc dịch vụ xuất khẩu phải đi đầu.

“Với việc dịch vụ xuất khẩu chưa được bao nhiêu, nhưng đã đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng, đồng nghĩa với việc chúng ta đang cản đường hay nói cách khác là dùng “phanh hãm” dịch vụ xuất khẩu dừng lại. Điều này đi ngược lại với việc mong muốn tái cấu trúc nền kinh tế”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, để tránh gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp, tại văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trước đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Được biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top