Aa

Đêm giao thừa có mưa phùn

Thứ Hai, 04/02/2019 - 19:30

Ở sau triền đê một làng nghề có dòng sông Đáy, có những ruộng vẫn còn trồng mía tím, xa hơn một chút là dãy núi có chùa Thầy; đấy là quê Liên, cô gái lấy chồng còn giao hẹn, cho em về ăn tết với mẹ; tết đầu tiên sau khi xa nhà, để mẹ ở một mình dưới bãi, mẹ buồn trống trải lắm.

Đĩnh, chồng Liên mồ côi cha mẹ, anh lớn lên với người cô họ rồi đi học nghề mộc từ năm mười ba tuổi ở làng Sơn Đồng bây giờ. Anh có thể đục đẽo một mình một chân dung tượng phật khi có chùa đặt tượng. Hai vợ chồng trẻ thương nhau nhiều hơn khi về ở với nhau. Có thể nghề làm tượng phật đã run rủi cho anh gặp Liên. Anh quen Liên, vì rất nhiều lần cô hỏi anh để tìm mua một bức tượng phật nhỏ dành cho mẹ để thờ trong nhà mà rất nhiều lần cô không đủ tiền lên cứ đến làng rồi lủi thủi ra về.

Trong cái bếp một gian có đủ chỗ để cho chiếc bàn gỗ với một người ngồi ăn, nhìn ra cái ao nhỏ có cây khế. Cây khế chua giờ đã thành khế ngọt vì mẹ chôn con mèo mướp chết già dưới đó. Một khóm ngải cứu, một vạt rau mùi trổ hoa lấm tấm trắng, để dành cho con gái tắm dần cả khi ra giêng. Trên ban thờ cũ kỹ không có một tấm ảnh của cha nhưng nghe mẹ thì cha đẹp nhất làng, người có đôi tay vạm vỡ như bờ vai vì nghề mộc làm gỗ không nhẹ nhàng như mọi nghề khác. Ngày đó, cha bảo mẹ đi mua hoa quả về, để thắp hương ông bà, vốn là cha mua được vài tấm gỗ ván, tự tay cha đóng một cái tủ thờ và làm thêm một ngăn dưới cho mẹ để bát đĩa, vò rượu, vò đậu lạc.

Thế rồi năm đó cha chia tay hai mẹ con vì một cơn đau ruột thừa không kịp cấp cứu. Ngày đó không có đường nhựa, xe cấp cứu như bây giờ. Ốm đau đều khiêng võng ra bệnh viện huyện.

Giao thừa năm ấy cha đi mẹ con Liên không có tết. Ngôi nhà như rỗng rễnh hẳn ra. Con gái ngủ với mẹ rồi tết này con gái đi lấy chồng. Mẹ lại nằm trên cái sự rỗng rễnh ấy. Thắp hương xong Liên hỏi mẹ xin cha điều gì vậy, mẹ bảo bí mật, chắc mẹ xin cha dọn sang làng Sơn Đồng ở với chúng con. "Con vẫn bán hàng hoa sen gỗ, đài sen, câu đối lá chuối, tượng gỗ, mẹ ra ở với chúng con nhé".

Mẹ bảo mẹ không xa nơi này được, mở mắt ra nhìn thấy sông, còn cái tủ thờ, cha đóng mẹ xin cho con gái mẹ một điều thiêng liêng mà được đấy.

"Mẹ xin cho con gặp được người đàn ông tử tế, có nghề mộc trong tay. Đời người có một nghề giỏi thì không sợ đói. Chỉ sợ không có nghề thì tất tả cả đời con ạ. Mà xem ra cu Đĩnh chồng con ít nói nhưng thương con đấy. Nhà cửa đâu ra đấy, lo đóng giường tủ bàn ghế mới cưới vợ; sống đàng hoàng cho ra con người. Ối người có nghề mộc trong tay mà sống úi xùi lắm, có người cả đời nằm ván, rồi chết theo ván, tạm bợ cho đến chết vẫn tạm bợ. Mẹ thấy chồng con chạm khắc những tượng phật, nhìn nét khắc mặt phật rất đẹp, thánh thiện và từ bi".

Ngay cả các bức tượng ông phật gầy nhịn ăn để mặc, ông phật béo nhịn mặc để ăn, nó khắc hoạ thật như người mẫu ở đời.

"Con ạ, cứ nhìn bức tượng phật La hán ở chùa Tây Phương ấy mà ngẫm xem sự đời nếu không cân bằng được sự ăn mặc cũng đều lệch lạc cả. Mẹ và cha con có mỗi mình con; mẹ hay cầu xin cho con gái mẹ gặp một chàng trai có nghề mộc như cha con. Thời nào cũng cần đồ gỗ cả. Nhất là nhà mình gần làng nghề Sơn Đồng, chồng con đục cái tàu lá chuối nom cũng y như thật, nếu sơn phủ chắc tàu lá chuối và câu đối cho con học hành nên người cũng là cách thể hiện trong nhà cần cho con cái chữ là mãn nguyện cha mẹ. Những tàu lá chuối chạm khắc bằng gỗ ngày càng được các gia đình ưa chuộng trang trí trong ngày tết; còn các bức tượng phật nhỏ mỗi ngày càng được du khách nước ngoài, Việt kiều tìm mua làm kỷ niệm ở bên Đức, bên Nga, rồi bên Mỹ…

Nhớ lại năm lũ lụt cách đây hơn 30 năm, vỡ đê quai Phùng, cái tết năm đó chỉ còn có hai người run rẩy, đồ đạc trôi đi hết. Cha con đi vơ được ngoài ruộng ít rau và củi khô rồi nấu lên ăn qua bữa, qua giao thừa.

Lúc ấy chưa có con, cả cha và mẹ ngủ dưới cây khế kia, tấp ít lá mía lên che chắn gío, mưa phùn gió bấc, rét như chưa bao giờ rét bằng. Đói đi với rét.

Rồi cha con bảo với mẹ: "tôi ngồi đục tượng phật mà cứ khấn ngài cho vợ chồng mình một mụn con". 42 tuổi mẹ mới sinh con đấy; trong cái họa lại được trời cho cô con gái mẹ đây. Mẹ cũng hay xin phật độ cho con gặp được người chồng có nghề mộc như cha con. Thật là mãn nguyện. Cha con vẫn quanh quẩn với mẹ nên con đừng lo gì".

Nói rồi, gần đến phút giao thừa cậu con rể mới đem ra cái bọc giấy đưa mẹ: - Con làm bức tượng phật này để mẹ dâng lên bàn thờ, con chạm khắc mất một năm vì kiếm mãi mới được tấm gỗ hương, tuy nhỏ nhưng để mẹ dâng hoa quả trong vườn.

Bà mẹ của Liên lại ngồi thẫn thờ nhớ lại; chồng mình từng ao ước sẽ điêu khắc gỗ một bức tượng phật tặng vợ; không ngờ ông ấy đi rồi thì có cậu con rể mừng tuổi bức tượng đẹp như thánh hiền. Cảm động lắm, bà nói: "từ nay, mẹ không coi con là con rể, là khách ở trong nhà, mà mẹ coi mình có thêm một người con trai nữa".

Chỉ có Liên lẳng lặng xuống bếp bật khóc, thì ra những lần thấy Liên đi tìm mua một bức tượng phật nhỏ cho mẹ mà không đủ tiền; Đĩnh đã để tâm đến điều này. Anh đã từng thì thầm vào tai Liên, anh sẽ dành một món quà năm mới mà sao phải đợi giao thừa anh mới mừng tuổi mẹ theo cách riêng của người thợ mộc như thế này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top