UBND tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn thành hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều nội dung quan trọng, được đông đảo người dân và dư luận quan tâm.
Trên cơ sở dự thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa thông báo về việc lấy ý kiến cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân, thời gian trước ngày 30/6/2022.
3 kịch bản phát triển
Theo báo cáo dự thảo, có 3 kịch bản phát triển được xây dựng dựa trên giả định về các yếu tố của môi trường bên ngoài và các lựa chọn chính sách của tỉnh trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội gồm: Kịch bản cơ sở, Kịch bản bền vững và Kịch bản động lực.
Theo đó, “Kịch bản cơ sở” được xây dựng với giả định là tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Kinh tế du lịch của tỉnh vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề trong một vài năm đầu của giai đoạn 2021 - 2030, gây ảnh hưởng tới nhiều ngành dịch vụ phụ trợ và liên quan khác. Việc thu hút đầu tư trong các lĩnh vực khác không có nhiều đột biến. Các chính sách chưa rõ ràng về định hướng phát triển các khu vực, nhất là các địa bàn mang tính động lực như Khu kinh tế Vân Phong khiến nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Trong kịch bản này, khu vực dịch vụ sẽ không tăng tốc đáng kể do du lịch phục hồi chậm và thiếu đa dạng hóa; tốc độ tăng trưởng bình quân 6,6%/năm được kỳ vọng trong 10 năm tới. Tăng trưởng sẽ cao hơn trong giai đoạn 2026 - 2030 (trên 7%/năm). Ngành công nghiệp - xây dựng dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân gần 7%/năm trong 10 năm tới. Tính chung toàn bộ kinh tế tỉnh, GRDP tăng trưởng ở mức 5,4%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 6,7%/năm giai đoạn 2026 - 2030. GRDP/người năm 2025 là 5.250 USD và năm 2030 là 7.400 USD…
Trong khi đó, “Kịch bản bền vững” là khi các giải pháp phòng chống và thích ứng với Covid-19 phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ổn định của cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Ngành du lịch sớm đón khách trở lại, cả khách du lịch trong nước và quốc tế; các dự án đầu tư vào du lịch và các ngành liên quan được thúc đẩy nhờ triển vọng phục hồi nhanh sau khi đại dịch được kiểm soát. Kinh tế tỉnh từng bước đa dạng hóa nhờ thu hút được đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ mới. Khu vực dịch vụ sẽ có được những động lực mới từ các sáng kiến phát triển như phát triển du lịch cao cấp ở Vân Phong, Nha Trang; phát triển trung tâm logistics tại Cam Ranh và Vân Phong; phát triển đô thị cũng là yếu tố tạo động lực quan trọng cho phát triển dịch vụ của tỉnh, nhất là dự án đô thị sân bay tại Cam Ranh… GRDP tăng trưởng ở mức 7,1%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 8,8%/năm giai đoạn 2026 - 2030. GRDP/người năm 2025 là 5.560 USD và năm 2030 là 8.460 USD.
Đối với “Kịch bản động lực”, được xây dựng dựa trên kịch bản bền vững với các sáng kiến bổ sung với mức rủi ro cao hơn về môi trường, xã hội như: Mở rộng nhiều hơn các hoạt động khai thác khoáng sản và sản xuất VLXD - Phát triển ngành sản xuất thép; kho chứa xăng dầu và LNG quy mô lớn; phát triển các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển du lịch đại trà và mở rộng đô thị thiếu kiểm soát; phát triển cảng trung chuyển và các trung tâm công nghiệp, chế biến chế tạo liên quan cần thiết để tận dụng tối đa quy mô lớn của cảng.
Trong kịch bản này, kinh tế tỉnh sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, tỉnh phải chấp nhận mức rủi ro cao hơn về môi trường (sản xuất thép, xăng dầu, kho chứa LNG) và xã hội (lao động nhập cư, năng lực cơ sở hạ tầng xã hội). Dự báo GRDP tăng trưởng ở mức 9,6%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 13,6%/năm giai đoạn 2026 - 2030. GRDP/người năm 2025 là 6.150 USD và năm 2030 là 10.950 USD.
Phát triển ngang tầm khu vực Châu Á
Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; thể hiện rõ vai trò một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Khu kinh tế Vân Phong trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Chuỗi đô thị ven biển phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Các mặt xã hội phát triển hài hòa. Là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các trụ cột phát triển của tỉnh trong thời gian tới được xác định bao gồm: Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị thông minh; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin; phát triển ngành thủy sản bền vững, giá trị cao.
Đáng chú ý, tỉnh Khánh Hòa sẽ có các đột phá phát triển cho từng khu vực trải dài trên khắp địa bàn. Trong đó, Khu kinh tế Vân Phong sẽ phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, logistics. Tập trung phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế. Phát triển các khu đô thị mới tại Khu kinh tế Vân Phong, ưu tiên vị trí dọc theo bờ biển Vân Phong, với tầm nhìn biến khu vực này trở thành một trung tâm dân cư có sức hút khác bên ngoài TP. Nha Trang.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng khu mua sắm miễn thuế và thực hiện tốt công tác quảng bá để thu hút khách du lịch; xây dựng trung tâm nhập khẩu, kho chứa LNG tại Nam Vân Phong; phát triển khu công nghiệp và năng lượng…
Tại khu vực Nha Trang, Diên Khánh và Nam Ninh Hòa sẽ xây dựng bến du thuyền tại TP. Nha Trang kết hợp với không gian tổ chức sự kiện, nhà hàng... hướng đến đối tượng khách du lịch cao cấp, cung cấp bến đỗ cho các thuyền buồm tư nhân, các du thuyền sang trọng. Phát triển mạnh các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng biển, xây dựng các tổ hợp khách sạn bên bờ biển Nha Trang (có thể có Casino khi pháp luật Việt Nam cho phép). Phát triển các khu vực có khu dân cư, khu nghỉ dưỡng dành riêng cho người cao tuổi, người hưu trí (trong và ngoài nước) gắn với các dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Khu vực Cam Ranh và ven biển Cam Lâm được định hướng phát triển đô thị sân bay tại Cam Lâm; phát triển trung tâm logistics tại khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, kết nối đồng bộ giữa đường hàng không, cảng biển, đường bộ, đường sắt; phát triển sân golf, công viên chủ đề và các dịch vụ giải trí khác góp phần tạo nên cảnh quan đô thị cũng như vùng đệm cảnh quan giữa các khu vực phát triển du lịch, công nghiệp và dân cư.
Khu vực nội địa và miền núi sẽ phát triển mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh và du lịch mạo hiểm để bổ trợ cho du lịch biển Nha Trang và Vân Phong. Xây dựng các khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường và một số cơ sở hạ tầng phục vụ giải trí, du lịch mạo hiểm tại vùng núi…
Định hướng hệ thống đô thị hiện đại
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Nha Trang tiếp tục là đô thị loại I. Đồng thời, xây dựng đô thị mới Cam Lâm đạt tiêu chí đô thị loại I; tập trung phát triển đô thị thông minh, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng đô thị lớn, các dự án trọng điểm để hình thành đô thị mới theo mô hình đô thị hiện đại, sinh thái, đẳng cấp và kết nối quốc tế, tạo nền tảng để hình thành trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, kinh tế mới của tỉnh và khu vực.
TP. Cam Ranh đạt tiêu chí của đô thị loại II. Trong khi đó, thị xã Ninh Hòa tiếp tục là đô thị loại IV; xây dựng các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh và thị trấn Cam Đức (thuộc huyện Cam Lâm) đạt tiêu chí của đô thị loại IV thông qua việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo phục vụ tốt cho đời sống người dân đô thị. Các đô thị loại V gồm: Thị trấn Tô Hạp (thuộc huyện Khánh Sơn), thị trấn Khánh Vĩnh (thuộc huyện Khánh Vĩnh). Phấn đấu xây dựng Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh đạt các tiêu chí của đô thị loại V nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch phát triển khu đô thị du lịch của khu vực.