Aa

Đến thăm dân tộc ít người nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 16/12/2022 - 06:01

Phụ nữ Lô lô chải tóc, quấn quanh đầu rồi đội khăn ra ngoài. Có 2 loại khăn vuông và khăn dài. Khi đội, phụ nữ Lô lô Hoa thường gấp đôi rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài.

Cánh đồng Thèn Pả ở cực Bắc của Tổ Quốc, Lũng Cú, Hà Giang nơi có bản người Lô Lô sinh sống, đây là dân tộc ít người nhất ở Việt Nam. Những người dân tộc Lô Lô sinh sống bằng nghề làm nương, rẫy. Với lối kiến trúc cơ bản là những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất sét nện, Hai tầng tường không trát, với mái lợp ngói âm dương, hoặc lợp tranh. Hàng rào quanh nhà người Lô Lô cũng được sắp lại bằng những hòn đá tai mèo, Theo quan niệm từ bao đời nay thì hàng rào bằng đá sẽ ngăn được giá rét và thú dữ. Tuy chỉ là những hòn đá sắp lên nhau nhưng rất chắc chắn không bị xô lệch.

Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn…Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức.

Qua chiếc cổng nhỏ cũng được xếp bằng đá, chúng tôi đã vào thăm một gia đình người Lô Lô.  Nhà người Lô Lô có hai cửa, một cửa chính chỉ mở ra vào buổi sáng rồi đóng lại, sinh hoạt trong ngày đi qua cánh cửa còn lại. Trên mỗi cánh cửa là những miếng bùa màu đỏ để trừ tà. Sát nhà là chuồng bò, đầu hồi là bếp và cũng là nơi chứa ngô, nguồn lương thực chính của người Lô Lô.

Một nét văn hóa độc đáo nữa được biết đến nhiều ở người Lô Lô là những bộ váy áo rất đặc trưng. Trong 3 nhóm người Lô lô thì trang phục của Lô lô Hoa là đặc sắc. Một bộ trang phục đầy đủ gồm có áo, quần hoặc váy, khăn. Áo là loại áo ngắn, cổ tròn may kiểu xẻ ngực, tay dài. Thân trước và thân sau trang trí các mảng màu hình tam giác. Tay áo gồm 4 đoạn dài may nối lại với nhau những đường kẻ song song.

Phụ nữ Lô lô chải tóc, quấn quanh đầu rồi đội khăn ra ngoài. Có 2 loại khăn vuông và khăn dài. Khi đội, phụ nữ Lô lô Hoa thường gấp đôi rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài. Ngoài ra khăn mỏ thúc thường được dùng phổ biến để che mặt cho các cô dâu trước khi ra khỏi nhà để về nhà chồng. 

Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn… Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc Lô Lô có 4827 người, cư trú chủ yếu ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai). Người Lô Lô có đời sống văn hoá, tinh thần phong phú, cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc Lô Lô vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, điều mà không phải dân tộc thiểu số nào cũng làm được.

Sinh sống gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp, với núi rừng đồng bào Lô Lô phác lên những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan sinh động trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội.

Những quan niệm của người Lô Lô, phản ánh giá trị tinh thần to lớn, thể hiện những hành vi ứng xử giữa người với người, giữa con người với cộng đồng làng xã, giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ của cộng đồng dân tộc Lô Lô. Người Lô Lô có hệ thống các nghi lễ như: Lễ tế trời, Lễ cầu an, lễ cúng thổ thần…

Bản làng của người Lô Lô nơi Cực Bắc của Tổ quốc.

Trong đó, Lễ cầu an là một sinh hoạt văn hoá đặc trưng phản ánh đậm nét tín ngưỡng của đồng bào, lễ hội được lưu truyền và kế thừa qua nhiều thế hệ người Lô Lô. Đồng bào quan niệm, cuộc sống dù có khó khăn đến mấy nhưng gà và lợn là hai con vật không thể thiếu trong lễ hội cầu an, bởi gà là con vật gần gũi, thân thiết mang lại may mắn cho dân làng. Trong Lễ cầu an, lưỡi kiếm và sợi dây đỏ dùng để loại trừ tà ma, xua đuổi những điều không may mắn và đây là những lễ vật do bàn tay lao động của bà con làm ra với tấm lòng thành kính mong rằng các vị thần linh sẽ phù hộ cho làng bản, cộng đồng.

Mỗi ngôi làng người Lô Lô có chung một khu rừng thiêng, cấm kỵ chặt phá. Đồng bào quan niệm, rừng là nơi trú ngụ của thần linh, nơi giữ nguồn nước cho người dân bản, làng. Trong xóm Lô Lô, có các cây cổ thụ rợp bóng mát được người dân ý thức giữ gìn, tạo nên cảnh quan thiên nhiên riêng của những làng bản người Lô Lô. 

Là một dân tộc có nền văn hoá phát triển, có trống đồng cổ, chữ viết tượng hình xa xưa... đồng bào Lô Lô rất tự hào về nền văn hoá phong phú của dân tộc mình qua những điệu múa, làn điệu dân ca, các truyện cổ tích. Trống đồng là một bảo vật văn hóa của người Lô Lô, một vật thiêng kết nối giữa thần linh và con người, do đó, trống đồng chỉ được vang lên trong những dịp đặc biệt quan trọng của dân làng: tang tế, lễ cúng thổ thần, lễ tế trời đất và các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Một bộ trống đồng có 2 cái (một trống đực và một trống cái). Trống đực đường kính mặt rộng khoảng trên 60cm, giữa mặt trống có hình ngôi sao 12 cánh, tang nở, thân eo, chân choãn. Đường kính chân trống 56 cm, cao 37 cm và có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng qua trục thân.

Trống đồng của dân tộc Lô Lô khác với trống đồng dân tộc khác ở những lỗ thủng tròn trên mặt trống. Bởi người Lô Lô quan niệm, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, hình tròn giữa mặt trống là hình tượng mặt trời, những tia trống là các con mắt của trời, các hoa văn xung quanh trống là các hành tinh xung quanh mặt trời.

Người Lô Lô rất coi trọng trống đồng, được cất giữ cẩn thận bởi trưởng họ. Mỗi tháng, gia chủ giữ trống phải thắp hương cúng khấn ba lần. Đặc biệt, khi mang trống ra sử dụng cần phải thắp hương xin phép tổ tiên rồi mới được hạ trống xuống. Chữ viết của dân tộc Lô Lô là chữ tượng hình, hiện nay đã bị mai một. Lịch Lô Lô chia một năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với tên một loài vật.

Đặc trưng nhà trình tường với hàng rào đá, mái ngói âm dương.

Phụ nữ người Lô Lô.
Nhà của người Lô Lô.

Bản làng người Lô Lô ở Lũng Cú, Hà Giang.

Đàn ông người dân tộc Lô Lô với trang phục mầu đen.
Những góc rất đẹp trong bản người Lô Lô.

                                                                  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top