Sáng 19/8, Công ty CP FECON (FCN) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2017 nhằm xin ý kiến các cổ đông thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 873,5 tỷ đồng.
Tại Đại hội, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, lý do HĐQT công ty quyết định tổ chức ĐHCĐ bất thường để lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này là bởi trước cơ hội đầu tư vào hàng loạt các dự án lớn về hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng, trong khi vốn lưu động của FCN hiện còn hạn chế.
Cũng theo ông Khoa, hiện FCN đã tiếp cận 5 dự án hạ tầng giao thông sau khi đã đầu tư vào dự án đầu tiên (dự án Phủ Lý), đây là thời điểm chín muồi để đầu tư dự án thứ 2. Bên cạnh đó, đối tác của Nhật đã đồng ý hợp tác với FECON đầu tư một dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận. HĐQT của Công ty đã có quyết định quan trọng trong tháng 9-10 tới đây phải xuống tiền để lấy đất phục vụ đầu tư dự án.
Vì thế, theo ông Khoa quy mô vốn cần ngay để đầu tư vào các dự án của FECON ở thời điểm hiện tại là không đủ, FCN cần phải tăng vốn để có vốn mồi làm các dự án để nắm bắt ngay cơ hội, không thể chờ ĐHCĐ năm tới để xin ý kiến cổ đông. Ông Khoa cũng cam kết với cổ đông là sau khi tăng vốn sẽ sử dụng đúng mục đích đầu tư vào các dự án công ty đang nghiên cứu để triển khai.
ĐHCĐ bất thường của FECON đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu ESOP và đối tác chiến lược.
Theo phương án phát hành thêm cổ phần HĐQT FCN trình ĐHCĐ thông qua, dự kiến công ty sẽ phát hành thêm 60,5 triệu cổ phiếu, trong đó:
Phát hành 33 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá dự kiến 15.000 đồng/cp
Cổ đông hiện hữu sẽ được đăng ký mua theo phương thức phân phối quyền mua tỷ lệ 100:60 (tại ngày chốt danh sách quyền mua, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được quyền mua 60 cổ phần phát hành thêm).
Người sở hữu quyền mua có thể chuyển quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác, người nhận quyền mua sẽ không được chuyển nhượng cho người thứ ba. Toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm được tự do chuyển nhượng. Số cổ phiếu lẻ phát sinh và cổ phiếu mà cổ đông hiện hữu từ chối quyền mua sẽ được HĐQT bán cho đối tượng khác bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian dự kiến thực hiện từ quý 3/2017 đến quý 4/2017 sau khi được UBCK Nhà nước thông qua. Thời điểm thích hợp do HĐQT quyết định. Cổ phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường dự kiến trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Số tiền dự kiến FECON thu được từ đợt phát hành là 495 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến tăng hơn 873,5 tỷ đồng.
Phát hành 2,5 cổ phiếu ESOP
Dự kiến phát hành 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số lượng cổ phần phát hành cho CB-CNV sẽ được chuyển nhượng 50% sau 1 năm và 50% còn lại sau 2 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt chào bán. CB –CNV không được chuyển nhượng cp cho người khác. Thời gian thực hiện dự kiến quý 4/2017.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành khoảng 520 tỷ đồng, nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị cho mảng công trình ngầm bao gồm TBM và pipe jiacking của FECON UCC và nhu cầu sản xuất kinh doanh của FECON South. Nhằm đón đầu cơ hội các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng.
Cụ thể, FECON dự kiến góp vốn 50 tỷ vào Công ty CP FECON South, góp 112 tỷ tăng vốn cho Công ty CP FECON UCC, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và dự án hạ tầng năng lượng theo hình thức BOT, BT, PPP trong giai đoạn 2017-2020 khoảng 287 tỷ đồng, 71 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động.
Ngoài ra, ĐHCĐ bất thường cũng thông qua phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, giá chào bán không thấp hơn 22.000 đồng.
Mục đích nhằm góp vốn đối ứng tại các dự án hạ tầng giao thông và các dự án hạ tầng năng lượng theo hình thức BOT, BT, PPP giai đoạn 2017-2020. Uỷ quyền HĐQT của Công ty quyết định giá chào bán nhưng không thấp hơn 22.000 đồng/cp.
Thời hạn nắm giữ của cổ đông chiến lược là 1 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt chào bán. Đối tác chiến lược sẽ không được chuyển nhượng quyền mua cho đối tượng khác. Thời gian thực hiện dự kiến quý 4/2017 đến quý 3/2018.
Tại Đại hội, một số cổ đông đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến đợt phát hành. Trong đó, cổ đông có mã số 281 đề nghị HĐQT FCN xem xét lại phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, có thể chia một nửa chia cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Việt Khoa, phương án công ty cũng đã nghĩ tới nhưng trong trường hợp này thì giá lại khác. Mục tiêu chính là cần tiền và lợi ích của cổ đông bởi cơ hội đã cận kề. Và cổ đông hiện hữu được ưu tiên phát hành trước.
Một cổ đông khác quan tâm đến hiệu quả các dự án mà FCN đầu tư, đều là dự án hạ tầng có vòng đời dài và thu hồi vốn lâu. Đồng quan điểm này, ông Phạm Việt Khoa cho rằng, tham gia hạ tầng nên không thể nhanh được. Với các dự án thi công, làm nhà thầu thì làm xong có lợi nhuận ngay nhưng lại không cao, mà cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì thế, lý do FCN quyết định đi bằng 2 chân, vừa thi công vừa đầu tư. Ví dụ điển hình là dự án BOT Phủ Lý, FCN đầu tư 150 tỷ nhưng được thi công tới 500 tỷ và đạt lợi nhuận 11%. Khi chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài giá 1.5 gần như đã thu hồi vốn.
Chia sẻ với Đại hội, ông Phạm Việt Khoa mong muốn cổ đông đồng hành lâu dài với công ty và ủng hộ trong giai đoạn bứt phá vốn của FCN trong giai đoạn này, nhằm đón cơ hội đến. Theo ông Khoa nếu như không có vốn, hiệu quả kinh doanh của công ty sẽ bị giảm sút, giá cổ phiếu xuống thì lợi ích của cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông Khoa cam kết nếu nắm bắt được cơ hội đầu tư thì trong 2 năm tới công ty sẽ khác. EPS của công ty không phải là 3.000 như hiện tại mà có thể sẽ là 4000 - 5000 đồng/cp.