Aa

ĐHĐCĐ 2024 VIB: Tham vọng lợi nhuận 12.000 tỷ đồng, kỳ vọng nợ xấu giảm, tổng chia cổ tức và thưởng tỷ lệ 29,5%

Thứ Ba, 02/04/2024 - 12:42

Năm 2023, VIB chỉ hoàn thành 87% kế hoạch đặt ra, với tỷ lệ nợ xấu ở mức cao. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, VIB đặt tham vọng lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, giảm nợ xấu xuống dưới 2%.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 13%, thấp hơn kế hoạch 2023

Sáng nay (2/4), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng đặt ra nhiều mục tiêu lớn trong năm nay.

Cụ thể, HĐQT đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận năm nay thấp hơn so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (12.200 tỷ đồng) trước đó từng được ĐHĐCĐ thông qua.

Nhìn lại báo cáo tài chính năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm, ngân hàng hoàn thành 87,7% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Bên cạnh chỉ tiêu này, một số mục tiêu khác đã được thông qua trước đó đều chưa thể hoàn thành. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VIB thông qua một số chỉ tiêu như sau: Lợi nhuận trước thuế đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3%; tổng tài sản đạt 428.500 tỷ đồng, tăng 25%; dư nợ tín dụng đạt 292.500 tỷ đồng, tăng 25%; huy động vốn đạt 292.600 tỷ đồng, tăng 26,2%.

Tuy nhiên, trên thực tế, VIB chỉ đạt 409.881 tỷ đổng tổng tài sản, bằng 95,7% kế hoạch; 266.346 tỷ đồng dư nợ tín dụng, bằng 91,1% kế hoạch; đạt 236.577 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, bằng 80,9% kế hoạch…

Trong đó đáng chú ý, nợ xấu tại VIB tăng mạnh, vượt mốc 3% và lọt vào top cao nhất toàn ngành. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, nợ xấu tại VIB lên đến 8.374 tỷ đồng, chiếm 3,14% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu tăng 2.687 tỷ đồng, tương đương 47,2% về giá trị tuyệt đối và tăng 28,2% về tỷ lệ.

ĐHĐCĐ 2024 VIB: Tham vọng lợi nhuận 12.000 tỷ đồng, kỳ vọng nợ xấu giảm, tổng chia cổ tức và thưởng tỷ lệ 29,5%- Ảnh 1.

Tổng nợ xấu của VIB tăng mạnh 47% so đầu năm.

Như vậy, về tỷ lệ nợ xấu, VIB đã vượt qua mức "trần" 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định, đồng thời lọt vào top các ngân hàng có nợ xấu năm 2023 cao nhất toàn ngành.

Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu của VIB đang có xu hướng tăng rất mạnh trong giai đoạn 5 năm gần đây. Trước đó, con số này lần lượt là 2,45% (năm 2022), 2,32% (năm 2021), 1,74% (năm 2020) và 1,96% (năm 2019).

Với kết quả kinh doanh năm 2023 chưa mấy tươi sáng, cổ đông đặt ra câu hỏi, liệu kế hoạch năm 2024 có được thực hiện tốt hơn? VIB sẽ làm thế nào để hiện thực hóa tham vọng đặt ra tại ĐHĐCĐ năm nay?

Chính ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cũng phát biểu rằng, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Như vậy, năm 2024, VIB có lẽ cần rất nhiều bước đi thận trọng trong các lĩnh vực có rủi ro tiềm ẩn cao như danh mục cho vay BOT, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản... mới có thể đem lại kết quả như kỳ vọng đặt ra.

Sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%

Tại ĐHĐCĐ năm nay, VIB đặt ra một số chỉ tiêu như tổng tài sản dự kiến tăng 20% lên 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, trong đó dư nợ tín dụng tăng 20% lên 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn được dự kiến tăng trưởng 21% lên mức 315.200 tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng dưới 3%.

Trên cơ sở tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo ngân hàng dự phóng các chỉ số ROA, ROE của VIB lần lượt ở mức 2,2% và 24%. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức trên 10%, so với 11,73% cuối năm 2023.

Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,44%.

ĐHĐCĐ 2024 VIB: Tham vọng lợi nhuận 12.000 tỷ đồng, kỳ vọng nợ xấu giảm, tổng chia cổ tức và thưởng tỷ lệ 29,5%- Ảnh 2.

Tại Đại hội, cổ đông cũng đặt ra một số câu hỏi liên quan đến tình hình tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm của VIB thế nào trong bối cảnh toàn hệ thống sụt giảm? Chất lượng tín dụng ra sao, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm khách hàng SME (đang được VIB đẩy mạnh) như thế nào? Các vụ lùm xùm liên quan đến công ty bảo hiểm, thẻ tín dụng có ảnh hưởng đến VIB hay không?...

Theo đó, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc thường trực VIB cho biết, chất lượng tín dụng của VIB đang được kiểm soát chặt chẽ. Do yếu tố thời vụ đầu năm nên nợ xấu đang tăng lên 2,4%, từ mức 2,2% cuối năm ngoái . Ông Long cho biết: "Chúng tôi cố gắng đưa nợ xấu về dưới 2% vào cuối năm".

Với lĩnh vực SME, ông Long cho biết, VIB đang thúc đẩy cả cho vay qua app. Tuy nhiên, tỷ trọng mảng này còn khiêm tốn.

Ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VIB trả lời thêm về khẩu vị rủi ro, cho biết VIB rất thận trọng trong khẩu vị rủi ro, thời gian qua ngân hàng đã chủ động tăng trích lập dự phòng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và năm nay sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%.

Trước những lo ngại về nợ xấu của cổ đông, ông Đặng Khắc Vỹ cho hay: "Tổng nợ xấu của VIB chỉ khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, đối với ngân hàng bán lẻ thì chỉ tương đương với khoản nợ tái cấu trúc một doanh nghiệp. Nói như vậy để cổ đông có thể thấy rằng nợ xấu đang không quá lớn".

Giám đốc Tài chính Hồ Văn Long bổ sung thêm, tỷ lệ nợ cơ cấu của VIB xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, việc cơ cấu khoản vay của cá nhân rất khó.

"Năm ngoái, chúng tôi trích lập dự phòng 4.800 tỷ đồng, sử dụng 3.600 tỷ để xử lý rủi ro. Trong 3 tháng đầu năm đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Với thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, chúng tôi kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ đồng từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro", ông Long cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top