Aa

ĐHĐCĐ Vietinbank 2019: Cổ đông nhắc nợ... cổ tức

Thứ Tư, 24/04/2019 - 06:01

Mặc dù đã được ĐHĐCĐ thông qua nhưng Vietinbank vẫn chưa chốt được phương án phân phối lợi nhuận 2018 là chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hay giữ lại toàn bộ để tăng vốn điều lệ.

ĐHĐCĐ Vietinbank 2019

ĐHĐCĐ Vietinbank 2019

Chưa chốt phương án phân phối lợi nhuận 2018

Ngày 23/4/2019 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Một trong những tiêu điểm nổi bất trong kỳ họp ĐHĐCĐ 2019 là mặc dù đã được ĐHĐCĐ thông qua nhưng Vietinbank chưa thể chốt được phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 vì vẫn phải chờ phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, ngân hàng trình cổ đông thông qua 2 phương án: một là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và hai là để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ.

Nguyên tắc xử lý cổ phiếu lẻ, số lượng cổ phiếu phát hành để trả cổ tức cho cổ đông sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị, phần lẻ thập phân sẽ bị hủy bỏ. Vì vậy, trong trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03%, lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức dự kiến năm 2018 là hơn 6,6 tỷ đồng.

Ở những kỳ đại hội trước, lãnh đạo Vietinbank cũng đã chia sẻ mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu và được để lại lợi nhuận để tăng vốn của Vietinbank.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đề xuất NHNN bố trí nguồn lực để tăng vốn cho Vietinbank cùng các cổ đông nước ngoài.

Tại phiên họp đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng đề cập sự cấp thiết của việc tăng vốn và kế hoạch kinh doanh mật thiết đến lộ trình đang trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018 và thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư… lợi nhuận trước thuế của Vietinbank dự kiến trong năm 2019 khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Riêng ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 2 - 5%, dư nợ tín dụng tăng 6 - 7%; nguồn vốn huy động tăng 10 – 12%.

Cổ đông nhắc nợ...

Sang phần thảo luận, nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh vấn đề cổ tức và chất vấn phương án xử lý trụ sở 10 nghìn tỷ đồng ở Ciputra.

Cổ đông hỏi, nếu không được tăng vốn, ngân hàng sẽ làm thế nào? Và bao giờ cổ đông được nhận cổ tức năm 2017?

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết, đối với câu hỏi của cổ đông về trường hợp nếu không được tăng vốn, Vietinbank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.

"Tỷ lệ cổ tức năm 2017 như đã trình cổ đông năm ngoái dự kiến là 7%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị 7% sẽ chia bằng cổ phiếu, hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ", ông Lê Đức Thọ trả lời câu hỏi. 

Cổ đông yêu cầu lãnh đạo ngân hàng cho biết cụ thể tiến độ tái cơ cấu dự án Vietinbank Tower tại khu đô thị Ciputra? Ngân hàng đã đưa các các phương án xử lý khối tài sản này, vậy đã tìm được đối tác nào “giải cứu” dự án chưa?

Trả lời cổ đông, ông Lê Đức Thọ cho biết, việc xây dựng và phát triển trụ sở là nhằm mục tiêu tương xứng với quy mô và tầm vóc của Vietinbank. Tuy nhiên, dự án này có quy mô rất lớn, nếu chỉ dùng làm trụ sở thì chưa phát huy hết được tiềm năng.

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường cuối năm 2018, ngân hàng cũng đã trình cổ đông 3 phương án tái cơ cấu lại dự án. Theo đó, phương án 1 là ngân hàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ tài sản dự án tháp trụ sở, sau đó thuê lại để làm trụ sở văn phòng. Sau thời hạn thuê, Vietinbank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

Phương án 2 là bán một phần tài sản của dự án gồm tòa tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác. Vietinbank sẽ sở hữu tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Đối với phương án này, ngân hàng sẽ xin chủ trương Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành Tòa nhà Trụ sở chính tháp 68 tầng.

Mới đây, Vietinbank cho biết sẽ ưu tiên tái cơ cấu dự án tháp trụ sở theo phương án bán toàn bộ dự án và thuê lại để làm việc sau gần một thập kỷ theo đuổi dự án này.

“Sau khi ĐHCĐ bất thường 2018 thông qua phương án tái cơ cấu dự án đến nay, dự án tháp trụ sở này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Chúng tôi đã thành lập các ban, tổ giúp việc, hội đồng tái cơ cấu dự án và giao cho một Phó tổng giám đốc trực tiếp làm Chủ tịch hội đồng tái cơ cấu dự án, cùng nhiều chuyên gia và cán bộ các bộ phận khác nhau để thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu”, lãnh đạo Vietinbank cho biết.

Theo thông tin tại ĐHĐCĐ, hiện đã có khoảng 15 - 16 tập đoàn lớn quan tâm, 9 tập đoàn ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào dự án này của Vietinbank. Ngân hàng đang lựa chọn các nhà tư vấn để triển khai dự án một cách khẩn trương, đảm bảo quy định pháp luật, thu hồi tối đa giá trị đầu tư.

Khởi công từ năm 2010, dự án tháp trụ sở chính Vietinbank Tower có quy mô diện tích 30.000m2, tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 10.267 tỷ đồng, gồm 2 tòa tháp 68 và 48 tầng làm văn phòng, kinh doanh.

Trong 9 năm qua, dự án này ngốn rất nhiều vốn của Vietinbank để xây dựng song đến nay công trình vẫn còn dở dang, lãng phí tài sản. Nguyên nhân là do ngân hàng không bố trí được nguồn vốn để hoàn thiện dự án. Nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Vietinbank nhiều năm qua sa sút, nợ xấu rất lớn và trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng sụt giảm 27,2% chỉ đạt 5.427 tỷ đồng.

Cổ đông hỏi, dự kiến chi phí dự phòng năm 2019 là bao nhiêu? Ngân hàng xử lý nợ xấu trong quá khứ đến bao giờ và bao giờ có thể hoàn thành tái cơ cấu?

Ông Lê Đức Thọ cho biết chi phí dự phòng năm 2019 dự kiến ở khoảng 7.600 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ cố gắng thúc đẩy kinh doanh, song song với hoạt động xử lý nợ xấu. Trong điều kiện cho phép, Vietinbank sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ này. Như nội dung đã báo cáo với cổ đông, NHNN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 đối với Vietinbank.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top