Aa

Tima đã và đang "biến hóa" thành tổ chức tín dụng

Thứ Hai, 22/04/2019 - 19:00

Nếu không có quy định và can thiệp kịp thời, cũng như vạch ra ranh giới rõ ràng thì Tima sẽ có cơ hội "biến hóa" thành tổ chức tín dụng...

gg

Khách hàng đã có thể tải ứng dụng Tima ngay từ các chợ ứng dụng AppStore và GooglePlay

Thời gian gần đây Reatimes nhận được nhiều phản ánh của nhà đầu tư và người đi vay tiền về việc sàn giao dịch Tima.vn đã lợi dụng sàn giao dịch cho vay để đẩy lãi suất quá cao so với mặt bằng chung của các tổ chức tín dụng, thậm chí phạm vào quy định về “cho vay nặng lãi” của Bộ luật Hình sự.
 
Nguyên nhân vụ việc trên xuất phát một phần từ việc hiện hoạt động tiền tệ của Tima chưa có khung pháp lý rõ ràng, do đó cả người cho vay và người đi vay qua sàn giao dịch Tima không phân biệt được đâu là tổ chức tín dụng đâu là cho vay theo thỏa thuận.
 
Từ đó, dẫn đến những bất bình trong xã hội và trong bài viết “Tôi thành con nợ của Tima” do phóng viên nhập vai cũng đã phản ánh được những “điểm mờ” trong hoạt động cho vay của sàn giao dịch Tima.
 
Cùng với bài viết, phóng viên Reatimes cũng đã trực tiếp chuyển công văn tới Tập đoàn Tima. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ thì được cán bộ truyền thông cho biết Ban lãnh đạo của Tima đang họp nên nhờ lễ tân tiếp nhận. Nhưng cho đến nay là tròn 10 ngày nhận công văn thì phía Tập đoàn Tima vẫn chưa có phản hồi với Tòa soạn.
 
Sàn giao dịch Tima.vn được biết đến là đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong thị trường tài chính công nghệ với vai trò là nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam. Và bản chất Tima cũng không phải là tổ chức tín dụng mà chỉ là một mô hình cho vay ngang hàng P2P hoàn toàn mới ở Việt Nam mà bản chất nó có sự đan xen, có sự giao thoa giữa hoạt động kinh doanh ngân hàng với công nghệ.
 
Nhưng, hiện trong Luật các Tổ chức tín dụng ở Việt Nam chưa có khung pháp lý nào để ràng buộc mô hình hoạt động cho vay ngang hàng P2P của Tima, do đó, nếu buông lỏng quản lý mô hình cho vay này sẽ có nguy cơ dẫn tới ảnh hưởng đến sự cạnh tranh bất bình đẳng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng.
 
Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên trong khi lãi suất Ngân hàng Nhà nước thì đặt "trần" ở mức 20%. Còn phía Tima dù được quảng cáo Tima là sàn kết nối tài chính lớn nhất Việt Nam nhưng hoạt động thực chất của Tima lại không dừng lại ở việc môi giới. Đồng thời, phản ánh của khách hàng cũng cho thấy, nhiều khoản vay của Tima có lãi suất (gồm lãi vay và phí) vượt quá 20%/năm (theo “trần” của Bộ luật Dân sự) và thậm chí vượt qua 100%/năm (phạm vào quy định về “cho vay nặng lãi” của Bộ luật Hình sự).
 
Theo đánh giá của một số luật sư Tài chính ngân hàng, mô hình hoạt động như ở sàn giao dịch Tima cũng như ở các tiệm cầm đồ, cho vay theo phường hay dân cho vay với nhau vì không có khung pháp nên lãi suất cho vay kiểu này không chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước thì chắc chắn lãi không bao giờ là dưới 20%.
 
Hoạt động của Tima là sàn giao dịch nên về nguyên tắc đang là 0, mà đầu tiên phải kể đến là không có pháp lý và không chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
 
Tuy nhiên, nếu không có quy định kịp thời thì không chỉ người dân mà toàn hệ thống Nhà nước sẽ không thể nào phân biệt bởi vì không có ranh giới chính. Đây là cơ hội để hoạt động của sàn giao dịch Tima dễ dàng lẫn lộn với hoạt động của các Tổ chức tín dụng vì thế hoạt động của Tima cũng như mô hình vay ngang hàng P2P cần phải có hành lang pháp lý.
 
Hành lang pháp lý này đầu tiên phải phân biệt được rạch ròi ra tín dụng và không tín dụng? Thứ hai, nếu như có sự chồng lấn hoặc có một phần nào đấy thì phải giới hạn hoạt động của mô hình vay ngang hàng P2P được đến đâu?
 
Chẳng hạn được huy động bao nhiêu hay là an toàn thế nào hay đơn giản như là một khách hàng chỉ được gửi vào đấy bao nhiêu? Đối với tín dụng có thể gửi 100 tỷ đồng hay 200 tỷ đồng nhưng Tima hay các sàn khác, pháp luật chỉ cho phép khoảng 10 triệu đồng hoặc 100 triệu đồng chẳng hạn.
 
Tất cả những yếu tố này đều phải tính đến, chứ nếu để hoạt động tự do thì sẽ không ai phân biệt được và sẽ dễ biến thành tổ chức tín dụng, mà như thế thì sẽ trái luật.
 
Cùng quan điểm với luật sư, giới chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) của Tima là một hình thức tham gia vào hoạt động tín dụng, cũng gần tương tự như hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, nhưng lại không phải chịu sự quản lý (cấp phép và giám sát) của Ngân hàng Nhà nước, điều này có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động tín dụng và an ninh tiền tệ.
 
Tima được biết đến trong vai trò là nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) nếu xảy ra các rủi ro trong hoạt động vay và cho vay như: mất hồ sơ, dữ liệu khách hàng; khách hàng vay không trả nợ; đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”... Vì vậy, Tima cũng không có quyền lợi và trách nhiệm gì cả bởi bản chất hoạt động của Tima hiện nay chưa có quy định mà chỉ đơn giản người có tiền cần nhờ Tima kết nối với người cần vay thì hai bên tự thỏa thuận và Tima chỉ “ăn” phí dịch vụ.
 
Người đi vay cũng nhờ Tima môi giới chắp nối và vay hộ thì trả phí. Nếu làm đúng thì không vấn đề gì, thậm chí nên khuyến khích vì hiện tại không ai dám nói sai cả nhưng nếu không có khung pháp lý cũng như quy định rõ ràng ra thì đúng sai sẽ lẫn nhau. Từ đó bên môi giới sẽ lợi dụng kẻ hở đó để trục lợi.
Đó là xu hướng tất yếu, ngay cả Grab, Uber cũng thế, nếu làm đúng thì đó là kết nối kinh doanh công nghệ nhưng nếu không có quy định rõ thì chẳng ai phân biệt được kinh doanh taxi và kinh doanh công nghệ.
 
Ở sàn Tima đây cũng thế, nếu làm đúng bản chất thì là kinh doanh công nghệ nhưng nếu không có quy định và giám sát, cũng như vạch ra ranh giới rõ ràng thì Tima sẽ có cơ hội "biến hóa" thành tín dụng.
Vì vậy, nếu không có những giải pháp quản lý chặt chẽ và triệt để, hoạt động cung cấp dịch vụ công nghệ cho vay ngang hàng như Tima đang thực hiện sẽ là “cánh tay nối dài” cho hoạt động “tín dụng đen” phát triển.
 
Thậm chí, nếu không có quy định rõ ràng thì hoạt động của Tima trong một ngày không xa sẽ gây “úng lụt” thị trường tiền tệ vì tất cả mọi người sẽ gửi và vay tiền qua Tima. Lúc đó hậu quả sẽ thế nào? Vì vậy nên sớm có những điều chỉnh kịp thời cũng như quy định hành lang pháp lý nhất định.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top